Microsoft chi tận 1.7 tỷ đô để… chôn chất thải xuống đất, mục đích để làm gì?


Hoạt động này bằng một cách nào đó lại liên quan đến sự phát triển của AI!

Microsoft Chi 1 . 7 Tỷ Đô Để Chôn Chất Thải Nhằm Giảm Thiểu Khí Thải Carbon - Ảnh 1.

Microsoft lại tiếp tục chi mạnh cho việc loại bỏ carbon khỏi khí quyển, nhưng lần này thay vì trông cậy vào những công nghệ hiện đại hay trồng rừng cây hấp thụ carbon, họ chọn một hướng đi ít ai ngờ tới: xử lý chất thải hữu cơ, bao gồm phân người, phân động vật và phế phẩm nông nghiệp.

Tập đoàn công nghệ này đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với Vaulted Deep, một công ty chuyên xử lý chất thải bằng cách chôn chúng sâu xuống lòng đất. Mục tiêu là ngăn chất thải phân hủy trên bề mặt, vốn sẽ giải phóng CO₂ và khí methane vào bầu khí quyển – hai loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ.

Theo tạp chí Inc. , Vaulted Deep sẽ xử lý khoảng 4,9 triệu tấn chất thải trong vòng 12 năm tới. Mặc dù mức giá công bố là 350 đô la cho mỗi tấn carbon được xử lý, Giám đốc điều hành Julia Reichelstein cho biết đây không phải là con số chính thức mà Microsoft đã chi trả, và bà cũng nhấn mạnh rằng chi phí có thể sẽ giảm theo thời gian. Tuy nhiên nếu tính theo mức giá công bố, tổng giá trị hợp đồng có thể vượt mức 1,7 tỷ Đô.

Microsoft Chi 1 . 7 Tỷ Đô Để Chôn Chất Thải Nhằm Giảm Thiểu Khí Thải Carbon - Ảnh 2.

Vì sao chọn cách làm này?

Theo Reichelstein, phần lớn chất thải hữu cơ hiện nay thường bị đưa ra bãi rác, xả xuống sông hoặc đơn giản là rải lên đất để tiêu hủy. Dù theo cách nào, cuối cùng chúng vẫn phân hủy và sinh ra CO₂, methane, đồng thời có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm do chứa nhiều vi khuẩn gây hại.

Microsoft Chi 1 . 7 Tỷ Đô Để Chôn Chất Thải Nhằm Giảm Thiểu Khí Thải Carbon - Ảnh 3.

Công nghệ của Vaulted Deep giải quyết điều đó bằng cách biến chất thải thành một loại bùn đặc rồi bơm sâu hơn 1.500 mét dưới lòng đất. Cách làm này không chỉ giúp cô lập carbon khỏi khí quyển mà còn tránh được những rủi ro môi trường vốn đi kèm với việc xử lý chất thải trên bề mặt.

Một phần trong bức tranh lớn hơn

Phương pháp này nghe có vẻ khác thường nhưng lại nằm trong xu hướng chung khi các công ty công nghệ đang gấp rút tìm kiếm giải pháp loại bỏ khí thải carbon có thể mở rộng quy mô. Microsoft cùng với các ông lớn như Google và Amazon, đang đối mặt với những tác động môi trường nghiêm trọng từ các trung tâm dữ liệu, vốn tiêu tốn rất nhiều năng lượng và phần lớn vẫn dựa vào nhiên liệu hóa thạch.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến nhu cầu xử lý dữ liệu tăng vọt, từ đó làm gia tăng áp lực lên hạ tầng năng lượng. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để loại bỏ khí CO₂ khỏi không khí đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Vào đầu năm 2025, Microsoft cũng đã hợp tác với AtmosClear để cô lập 6,75 triệu tấn CO₂, cho thấy công ty sẵn sàng thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau để giải quyết vấn đề môi trường.

Dẫu vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp, đặc biệt là về khả năng mở rộng và tính bền vững lâu dài của phương pháp này, nhất là khi chi phí vẫn cao và cộng đồng cũng có thể cảm thấy e ngại với việc chôn chất thải sâu trong lòng đất.

Tags

Nhật Bản

Microsoft

Vaulted Deep

Để lại một bình luận