Một tuần sau phát ngôn gây bức xúc, CEO Duolingo hối hận: “Tôi không coi AI như thứ thay thế”

VTV.vn – Luis von Ahn và bài học đắt giá khi tuyên bố AI thay thế nhân sự.

  • TP HCM muốn hợp tác với Pháp về AI, fintech và công nghệ xanh
  • Rất tiếc, nhiều người hô hào AI nhưng lại đang dùng ChatGPT sai cách
  • Khi AI bắt đầu kể chuyện về Hà Nội cho bạn nghe bằng tiếng Việt
  • AI của OpenAI nổi loạn, chống lại mệnh lệnh “tắt nguồn” từ con người
  • AI đang bị ‘thổi phồng’: Thay thế 700 nhân sự bằng tự động hóa để tiết kiệm chi phí, startup 45 tỷ USD nhận trái đắng, phải ‘muối mặt’ mời nhân viên trở lại
Một tuần sau phát ngôn gây bức xúc, CEO Duolingo hối hận:

Duolingo mong muốn cải tổ bằng AI – Ảnh: Duolingo.

Trong bối cảnh làn sóng AI đang cuốn qua ngành công nghệ, ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo đã trở thành doanh nghiệp mới nhất điều chỉnh chiến lược xoay quanh AI. Đáng chú ý, quyết định này diễn ra sau khoảng một tuần khi CEO của Duolingo, Luis von Ahn, có những phát ngôn táo bạo về việc trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người.

Thay vì tiếp tục lao về phía trước một cách mù quáng, Duolingo đang chọn một lộ trình cân bằng hơn: khai thác AI như một công cụ tăng tốc, nhưng không quên giữ con người ở vị trí trung tâm.

Chỉ một tuần sau khi tuyên bố sẽ thay thế dần lao động hợp đồng bằng AI, CEO Luis von Ahn đã lên tiếng trấn an nhân viên cũng như các ứng viên mong muốn gia nhập Duolingo. Trong một chia sẻ trên LinkedIn, ông khẳng định Duolingo không có ý định thay thế nhân viên hiện tại, đang tiếp tục tuyển dụng như bình thường. “Tôi không coi AI như thứ thay thế việc làm của đội ngũ nhân viên chúng tôi“.

Theo ông, AI không phải là mối đe dọa, mà là “một công cụ giúp đẩy nhanh những gì chúng tôi đang làm, với chất lượng tương đương hoặc tốt hơn“.

Một tuần sau phát ngôn gây bức xúc, CEO Duolingo hối hận:

Luis von Ahn, CEO của Duolingo – Ảnh: Justin Merriman/Bloomberg.

Vị CEO cũng đồng thời khẳng định: “Chúng ta càng học cách sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm sớm bao nhiêu, thì về lâu dài càng có lợi bấy nhiêu”. Duolingo cũng không để nhân viên đơn độc trong quá trình chuyển đổi. Các hội thảo đào tạo, hội đồng cố vấn và thời gian thử nghiệm riêng được thiết kế để giúp mọi nhóm làm quen với AI một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

Nhận định trước đây của CEO von Ahn từng khiến cộng đồng bất bình, cư dân mạng đã để lại nhiều bình luận chỉ trích trên mọi nền tảng có mặt Duolingo, từ TikTok cho tới Instagram. Phát ngôn viên của Duolingo cũng đã lên tiếng trấn an dư luận; trả lời Fortune, người này cho hay:

Tất cả nội dung do AI tạo ra đều được thực hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia giáo dục của chúng tôi. Chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo mọi nội dung công bố đều an toàn, chính xác và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá trình độ ngôn ngữ CEFR”.

Duolingo là cái tên mới nhất trong danh sách “quay xe” trong làn sóng AI, và hành động phản ánh một thực tế mà nhiều công ty công nghệ đang đối mặt: trong khi AI hứa hẹn mang lại năng suất và hiệu quả vượt trội, thì ứng dụng thực tế lại cần sự cẩn trọng và điều tiết. Klarna, Shopify, và nay là Duolingo, đều đã nhận ra rằng sự hứng khởi ban đầu cần được thay thế bằng một cách tiếp cận bền vững và lấy con người làm gốc.

Ngoài một số ngành công việc văn phòng đầu vào, hiệu suất thực tế mà AI mang lại vẫn chưa rõ ràng. Một khảo sát của IBM với 2.000 lãnh đạo cho thấy 3 trên 4 dự án AI không đạt được lợi tức đầu tư như kỳ vọng. Một nghiên cứu gần đây từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER) với 25.000 lao động trong các ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi AI cho thấy công nghệ này không giúp tăng năng suất đáng kể, cũng không có tác động đáng kể đến thu nhập hay thời gian làm việc.

Việc một công cụ được áp dụng nhanh chóng và được kỳ vọng lớn đến vậy lại không tạo ra khác biệt về thu nhập thực sự khiến tôi bất ngờ“, giáo sư kinh tế Anders Humlum từ Đại học Chicago, đồng tác giả nghiên cứu của NBER, chia sẻ với Fortune.

Tại Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt trong môi trường học tập và làm việc. Theo khảo sát của Microsoft, có đến 88% lao động tri thức tại Việt Nam đã sử dụng AI tạo sinh trong công việc, một con số vượt xa mức trung bình toàn cầu là 75%. Điều này cho thấy mức độ tiếp cận công nghệ của người lao động Việt Nam đang ở mức cao và tiềm năng ứng dụng AI vào thực tiễn là vô cùng lớn.

Tuy nhiên, phần lớn người dùng vẫn chưa thực sự thành thạo trong việc khai thác tối đa khả năng của AI. Nhiều người mới chỉ sử dụng công cụ này như một phương tiện tìm kiếm thay vì tận dụng để phân tích, sáng tạo hay tối ưu công việc. Việc thiếu kỹ năng xây dựng câu lệnh (prompt) là một trong những nguyên nhân khiến kết quả làm việc với AI chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Một tuần sau phát ngôn gây bức xúc, CEO Duolingo hối hận:

Con người đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chung sống với trí tuệ nhân tạo – Hình minh họa.

Trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo 44% kỹ năng lao động toàn cầu sẽ thay đổi trong vòng 5 năm tới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho người lao động toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng phải không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực sử dụng AI.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhận thấy tầm quan trọng của xu hướng này. Việc tổ chức các khóa đào tạo nội bộ, khuyến khích nhân viên học AI từ cơ bản đến nâng cao đang trở nên phổ biến. Trong bối cảnh này, ai có thể tận dụng AI hiệu quả sẽ trở thành người dẫn đầu trong kỷ nguyên số.

Một tuần sau phát ngôn gây bức xúc, CEO Duolingo hối hận: