Quyết không chuyển khoản 5 tỷ đồng thanh toán cho công ty, nữ kế toán bất ngờ được cơ quan thuế và sếp khen thông minh


Nhận thông báo công ty nợ tiền thuế nhưng nữ kế toán quyết từ chối thanh toán.

 - Ảnh 1.

Thủ đoạn giả danh lãnh đạo cấp cao, công chức ngành thuế, hay cơ quan công quyền đang ngày càng tinh vi, khiến không ít người bị lừa mất rất nhiều tiền. Trường hợp của kế toán Zhao sống tại Thượng Hải là một ví dụ điển hình cho việc cảnh giác về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi hiện nay.

Vào một ngày làm việc bình thường, trong lúc đang làm thêm giờ tại văn phòng, cô Zhao nhận được một cuộc gọi từ một số lạ. Người gọi tự xưng là nhân viên của Cơ quan thuế và cho biết đang tiến hành “xác minh khẩn cấp” đối với các tài khoản liên quan đến công ty cô. Người này nói rằng do một sự cố dữ liệu trong hệ thống thuế, một số giao dịch đã bị đóng băng và cần kiểm tra ngay lập tức.

Chưa kịp hiểu rõ sự việc, cô Zhao nhận được một file tài liệu qua email, kèm theo yêu cầu thêm QQ của người gọi để “tiện hỗ trợ”. Khi còn đang do dự, người đó trấn an cô rằng: “Giám đốc của cô đã nắm được tình hình và chính ông ấy đã đề xuất liên hệ với cô để phối hợp xử lý”. Nghe đến tên sếp trực tiếp, cô Zhao tạm thời tin tưởng và chấp nhận kết nối QQ.

Ngay sau đó, cô được kéo vào một nhóm QQ có ba người – người tự xưng là cán bộ thuế, “giám đốc Wang” và chính cô. Dù chưa từng trò chuyện với sếp qua QQ, nhưng tên hiển thị giống hệt, cộng với giọng điệu ra lệnh quen thuộc, cô Zhao không chút nghi ngờ.

“Chúng ta đang bị kiểm tra đột xuất. Bạn cứ làm theo hướng dẫn của cán bộ thuế, tôi đang trực tiếp làm việc với cấp trên của họ rồi”, tài khoản “giám đốc Wang” nhắn tin thúc giục.

Sau một vài thủ tục kiểm tra, “cán bộ thuế” gửi thông báo rằng công ty đang nợ thuế hơn 1,5 triệu NDT (khoảng 5,4 tỷ đồng) và yêu cầu thanh toán trong vòng 2 giờ để tránh bị phạt. Dưới áp lực của “sếp”, cô Zhao bắt đầu chuẩn bị thực hiện chuyển khoản.

Nhưng đúng vào lúc chuẩn bị nhập mã xác nhận giao dịch, cô sực nhớ đến buổi huấn luyện phòng chống lừa đảo mạng mà công ty tổ chức vài tuần trước, trong đó có nhấn mạnh các chiêu trò mạo danh cán bộ nhà nước và yêu cầu chuyển tiền qua QQ, WeChat.

Cô lập tức viện cớ cần thêm thời gian kiểm tra hồ sơ, đồng thời âm thầm gọi điện trực tiếp cho sếp. Ngay khi kết nối được, ông Wang xác nhận chưa từng chỉ đạo cô chuyển tiền hay làm việc với bất kỳ cán bộ thuế nào trong ngày hôm đó. Lúc này, cô Zhao mới vỡ lẽ toàn bộ cuộc trao đổi trong QQ đều là giả.

Ngay sau đó, cô lập tức trình báo sự việc tới Đội cảnh sát hình sự và Trung tâm phòng chống lừa đảo Thượng Hải. Lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc, lần theo dấu vết mạng và phát hiện đây là một đường dây chuyên giả mạo nhân viên cơ quan nhà nước để lừa đảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt nhắm vào kế toán, những người có quyền truy cập tài khoản công ty.

Nhóm lừa đảo này hoạt động chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ giả mạo giọng nói (AI voice), ảnh đại diện trùng khớp và thông tin nội bộ rò rỉ từ các nguồn không rõ ràng để tạo dựng lòng tin. Một số nạn nhân trước đó đã chuyển tiền với tổng thiệt hại lên tới hàng chục triệu NDT.

Cơ quan thuế sau đó cũng đã lên tiếng khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ yêu cầu doanh nghiệp chuyển tiền, cung cấp thông tin hoặc xử lý kiểm tra thuế thông qua các ứng dụng như QQ, WeChat hay điện thoại cá nhân. Tất cả hoạt động thanh tra đều có thông báo chính thức và thực hiện qua hệ thống bảo mật của nhà nước.”

Trường hợp của cô Zhao được coi là ví dụ điển hình trong việc nâng cao cảnh giác và xác minh thông tin qua kênh chính thống. Cô được chính quyền địa phương và cơ quan thuế tuyên dương vì đã xử lý tình huống một cách tỉnh táo và góp phần ngăn chặn một vụ lừa đảo tinh vi.

Qua đó, cảnh sát khuyến cáo nếu nhận được yêu cầu liên quan đến tiền bạc qua QQ, WeChat hoặc các nền tảng xã hội khác, đặc biệt khi đi kèm với lời nói mang tính đe dọa hoặc khẩn cấp, hãy ngắt kết nối và liên hệ xác minh trực tiếp qua số điện thoại nội bộ hoặc gặp mặt.