Samsung đang mất phương hướng: Từ người tiên phong thành kẻ bám đuôi, tung điện thoại mới giá điên rồ tới 60 triệu đồng, liệu có đổi vận?


Thay vì dẫn dắt đổi mới, Samsung giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình khi bị đối thủ “ép” thay đổi, chấp nhận “đi sau để tồn tại”.

 - Ảnh 1.

Từng là kẻ tiên phong trong kỷ nguyên smartphone gập, Samsung giờ đây đang loay hoay giữ chỗ đứng trong sân chơi mà chính họ đã mở ra.

Bước sang năm 2025, những gì hãng Hàn Quốc mang đến trong thế hệ Galaxy Z Fold 7 và Z Flip 7 – dù mang danh là “đột phá lớn nhất từ trước đến nay” – vẫn chưa thể xóa nhòa một sự thật khó nuốt: Samsung đang bị các đối thủ Trung Quốc vượt mặt cả về thiết kế, công nghệ lẫn nhịp độ cải tiến.

Khi Samsung trình làng chiếc Galaxy Fold đầu tiên vào năm 2019, đó là một khoảnh khắc “Wow” thực sự. Hãng đã tiên phong mở ra một kỷ nguyên mới cho smartphone, thách thức giới hạn của thiết kế truyền thống.

Tuy nhiên, sáu thế hệ sau, bức tranh đã thay đổi chóng mặt. Lợi thế đi trước của Samsung dường như đang tan biến, nhường chỗ cho cảm giác họ đang chật vật bám đuổi, thiếu đi sự đột phá cần thiết để vực dậy doanh số èo uột.

 - Ảnh 2.

Với mức giá 2.000 USD (52-60 triệu đồng nếu về Việt Nam) cho Galaxy Z Fold 7 và 1.100 USD (28-32 triệu đồng nếu về Việt Nam) cho Z Flip 7, những chiếc điện thoại gập của Samsung vẫn nằm ngoài tầm với của đại đa số người tiêu dùng.

Cay đắng

Kể từ lần ra mắt đầu tiên vào năm 2019, điện thoại gập của Samsung luôn gắn liền với hình ảnh tương lai của ngành di động. Nhưng sáu năm trôi qua, thị phần toàn cầu của phân khúc này vẫn lẹt đẹt ở mức dưới 2%, và Samsung dù vẫn dẫn đầu nhưng đang mất dần lợi thế.

Theo báo cáo từ Counterpoint Research, thị phần điện thoại gập của Samsung đã giảm từ 56% xuống 41% chỉ trong vòng một năm. Trong khi đó, những hãng Trung Quốc như Huawei, Honor, Vivo và Oppo không chỉ bắt kịp mà còn vượt qua Samsung ở nhiều phương diện: thiết kế siêu mỏng, bản lề “giọt nước” giảm nếp gấp, pin silicon-carbon nhẹ và bền, màn hình phủ tràn cạnh, hay cả giá bán cạnh tranh hơn.

Sự bứt phá đó không đơn lẻ, các công ty Trung Quốc có vẻ như đang phối hợp và chia sẻ công nghệ, khiến bất cứ sáng tạo nào của một hãng đều nhanh chóng lan tỏa ra phần còn lại.

Còn Samsung? Họ vẫn loay hoay giữ vững những “giá trị truyền thống” như chống nước, bản lề cứng, hay giữ tỉ lệ màn hình hẹp để cầm nắm dễ hơn, những yếu tố ngày càng thiếu hấp dẫn với người dùng hiện đại.

Thế hệ Z Fold 7 vừa ra mắt là một bản nâng cấp rõ rệt nhất trong nhiều năm, nhưng tiếc thay, đó lại là bằng chứng cho thấy Samsung đang chạy theo đối thủ hơn là tự đột phá, dẫn đầu xu hướng mới như lời quảng cáo. Máy mỏng hơn, nhẹ hơn, màn hình lớn hơn, tất cả đều là nỗ lực để bắt kịp những gì Honor, Oppo hay Vivo đã làm từ năm trước.

Còn chiếc Z Flip 7 thì “trông tương lai hơn” với màn hình phụ phủ kín, nhưng điều đó cũng đã được Motorola và Xiaomi giới thiệu từ năm ngoái.

Đáng chú ý, Samsung còn từ bỏ luôn bút S Pen, vũ khí từng là điểm khác biệt đáng kể của dòng Fold. Khi đã từ bỏ cả yếu tố độc bản, thì câu hỏi đặt ra là: Galaxy Z còn gì để giữ chân người dùng?

Không chỉ chậm cải tiến, Samsung còn phải đối mặt với một rào cản lớn hơn: tâm lý người tiêu dùng. Điện thoại gập vẫn là một khái niệm xa lạ, mạo hiểm và đắt đỏ với số đông. Mức giá 2.000 USD của Fold 7 – thậm chí cao hơn thế hệ trước – khiến nhiều người e dè. Trong khi đó, các vấn đề về độ bền, chi phí sửa chữa, và thiếu khả năng kháng bụi IP68 như smartphone truyền thống khiến người dùng càng thêm đắn đo.

 - Ảnh 3.

Vấn đề không chỉ nằm ở giá. Sự thiếu hụt đột phá đáng kể qua các thế hệ là điểm yếu chí mạng. Các phiên bản Galaxy Z Fold và Z Flip gần đây chỉ mang tính “nâng cấp nhẹ” về thông số kỹ thuật hay điều chỉnh kích thước, bản lề.

Những thay đổi này không đủ để tạo ra trải nghiệm “lột xác”, không đủ thuyết phục người dùng bỏ ra số tiền lớn để nâng cấp hay chuyển đổi. Trong khi Samsung vẫn loay hoay với những cải tiến nhỏ giọt, các đối thủ Trung Quốc đã tăng trưởng chóng mặt, điển hình là Motorola với mức tăng trưởng thị phần điện thoại gập ấn tượng 253% trong năm qua.

Nhà báo Allison Johnson của The Verge từng chia sẻ: “Người ta chỉ tò mò khi thấy tôi cầm điện thoại gập, nhưng rồi ai cũng nói ‘tôi từng nghĩ đến việc mua nó, nhưng cuối cùng lại chọn điện thoại thường’.”

Đó có lẽ là cảm giác chung của nhiều người.

Bị ép đổi mới thay vì dẫn dắt

Ban đầu, Samsung kiên định với thiết kế gập vào trong, trong khi một số hãng Trung Quốc thử nghiệm gập ngược ra ngoài. Thời gian chứng minh Samsung đã đúng. Nhưng giờ đây, khi các hãng Trung Quốc “học hỏi” và bắt kịp, họ còn làm tốt hơn.

Các mẫu điện thoại gập từ Honor, Vivo, Oppo không chỉ mỏng hơn, nhẹ hơn mà còn tích hợp nhiều công nghệ mới nhanh chóng hơn. Honor Magic V5, ra mắt chỉ vài ngày trước sự kiện Unpacked của Samsung, đã sở hữu thân máy mỏng ấn tượng, thậm chí mỏng hơn cả Galaxy Z Fold 7. Huawei còn táo bạo hơn khi trình làng mẫu điện thoại gập hai lần, mở ra màn hình gần bằng iPad – những ý tưởng mà Samsung chỉ mới dừng lại ở concept.

Sự “đuổi kịp” này khiến Samsung mất đi yếu tố “độc bản” từng là lợi thế lớn nhất. Điện thoại gập không còn là sân chơi riêng của họ. Khi các yếu tố cơ bản về thiết kế, độ mỏng được san bằng, cuộc đua trở lại với camera, cấu hình, AI – những lĩnh vực mà các đối thủ Trung Quốc có thể sao chép và cải thiện nhanh chóng.

Việc Samsung từ bỏ S Pen trên Z Fold 7, một tính năng độc quyền có thể tạo ra sự khác biệt, hay màn hình ngoài lớn của Z Flip 7 vốn đã xuất hiện trên các mẫu của Lenovo (Motorola) và Xiaomi từ năm ngoái, càng cho thấy Samsung đang bị cuốn vào cuộc đua chung, thay vì tự tạo lối đi riêng.

Samsung đang cố gắng cứu vãn tình hình bằng cách tích hợp AI, cộng tác với Google để tối ưu Gemini trên màn hình gập. Nhưng thực tế là AI – camera – cấu hình… đều là những tính năng dễ bị sao chép. Chúng không phải là “cái hồn” độc đáo của một dòng sản phẩm.

Phát biểu từ Samsung cho rằng họ tin sản phẩm của mình mạnh về camera, AI thông minh và vi xử lý. Điều đó đúng, nhưng những thế mạnh này có thể áp dụng cho bất kỳ chiếc flagship Samsung nào, không còn là “unique selling point” cho dòng Z. Các đối thủ Trung Quốc cũng nhanh chóng trang bị chip Snapdragon hàng đầu và tích hợp các công cụ AI cơ bản.

 - Ảnh 4.

Và khi yếu tố gập không còn là lợi thế riêng, cuộc chơi trở về nơi quen thuộc: đua cấu hình, mở rộng camera, nâng pin và sạc nhanh – thứ mà các hãng Trung Quốc làm tốt hơn, nhanh hơn.

Trong khi Huawei cho ra mắt điện thoại gập ba kiểu “accordion”, Honor giới thiệu máy mỏng chỉ 4,1mm khi mở – Samsung vẫn còn loay hoay với những nguyên mẫu mới chỉ dừng ở hội chợ công nghệ.

Có một hy vọng mong manh dành cho Samsung – đó là iPhone gập. Dự kiến ra mắt vào năm 2026, nếu Apple thật sự tham gia, thị trường điện thoại gập có thể được khai phá sâu rộng hơn. Khi đó, người tiêu dùng có thể đổ dồn sự chú ý về một trục mới. Và nếu đủ nhanh nhạy, Samsung – với kinh nghiệm gần một thập kỷ – có thể tận dụng làn sóng đó để giành lại vị thế.

Nhưng từ nay đến lúc đó, họ cần nhiều hơn một bản cập nhật nhẹ nhàng. Bởi nếu tiếp tục “đi sau để tồn tại”, Samsung có thể không còn là người dẫn đường trong chính hành trình mà họ đã khởi xướng.

*Nguồn: CNN, Fortune, BI

Để lại một bình luận