Tại sao điện thoại sạc bằng năng lượng mặt trời mãi chưa thành hiện thực?


Điện thoại sạc bằng năng lượng mặt trời được xem là một ý tưởng hấp dẫn nhưng lại “chết yểu”.

Trong bối cảnh smartphone ngày càng ngốn pin và thời lượng sử dụng thực tế giữa các lần sạc chỉ đếm bằng ngày, ý tưởng về một chiếc điện thoại tự sạc bằng ánh nắng mặt trời nghe vô cùng hấp dẫn. Mới đây tại MWC 2025, hãng Infinix đã trình diễn một mẫu concept tích hợp pin mặt trời trên lưng, có thể tạo ra 2W điện trong điều kiện lý tưởng. Vậy tại sao công nghệ đầy hứa hẹn này lại chưa bao giờ thực sự phổ biến trên thị trường?

Vấn đề cốt lõi nằm ở hiệu suất chuyển đổi năng lượng. Ngay cả những tấm pin mặt trời tốt nhất cũng chỉ thu được khoảng 1/4 năng lượng ánh sáng. Thực tế, một tấm pin cỡ chiếc điện thoại cao cấp chỉ tạo ra tối đa khoảng 3W điện, còn mẫu concept của Infinix là 2W. Với công suất này, việc sạc đầy viên pin 5.000 mAh sẽ mất hơn 9 giờ – quá chậm so với chuẩn sạc dây 25W phổ biến hiện nay. Rõ ràng, pin mặt trời tích hợp không thể thay thế các phương thức sạc truyền thống.

Điện thoại ý tưởng sạc bằng năng lượng mặt trời của Infinix.

Thêm vào đó, pin mặt trời cần ánh sáng trực tiếp để hoạt động tối ưu, gần như vô dụng trong bóng râm hay dưới ánh đèn trong nhà. Góc chiếu sáng cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu suất. Loại pin Perovskite hiệu suất cao mà Infinix sử dụng lại có nhược điểm là xuống cấp nhanh hơn pin silicon thông thường.

Việc tích hợp pin mặt trời buộc các nhà sản xuất phải đánh đổi. Họ phải làm máy dày hơn hoặc dùng pin nhỏ hơn để có không gian. Vị trí đặt pin mặt trời thường sẽ loại bỏ khả năng sạc không dây. Pin mặt trời vốn mỏng manh, dễ vỡ, nhưng nếu dùng ốp lưng bảo vệ thì lại che mất bề mặt hấp thụ năng lượng.

Quan trọng hơn, việc phơi điện thoại dưới nắng gắt để sạc là điều tối kỵ. Nhiệt độ cao là “kẻ thù” của pin Lithium-ion, làm giảm đáng kể tuổi thọ của thiết bị. Ngay cả khi giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, không ai muốn “hành hạ” chiếc điện thoại của mình như vậy.

Thực tế, ý tưởng này không mới. Nokia từng thử nghiệm vào năm 1997, Samsung và LG cũng ra mắt vài mẫu vào năm 2009. Tuy nhiên, tất cả đều không có thế hệ kế nhiệm, cho thấy người dùng không mấy mặn mà. Lý do đơn giản: hiệu quả quá thấp. Ví dụ, các mẫu của Samsung cần 1 giờ phơi nắng chỉ để đổi lấy khoảng 10 phút gọi điện – quá ít ỏi và chỉ mang tính bổ sung trong trường hợp khẩn cấp.

Với công nghệ hiện tại, việc tích hợp pin mặt trời vào smartphone mang lại quá nhiều đánh đổi nhưng lợi ích lại rất hạn chế và đáng ngờ. Thay vì chờ đợi một giải pháp chưa khả thi, người dùng hiện đã có những lựa chọn tốt hơn như các công nghệ pin mới với mật độ năng lượng cao hơn (như Silicon-Carbon trên OnePlus 13 cho phép pin 6.000mAh trong thân máy mỏng), cùng với các loại sạc dự phòng giá cả phải chăng, tiện lợi.

Khi được hỏi về điện thoại mới, giới trẻ chỉ muốn sở hữu dòng smartphone này

Có đến 88% người dùng trẻ tuổi muốn điện thoại tiếp theo của họ là iPhone, Apple thống trị gần như tuyệt đối.

Bấm xem >>