Trung Quốc sắp vận hành tuabin gió nổi truyền động trực tiếp mạnh nhất thế giới: Cao bằng toà nhà 50 tầng, diện tích quét 53 nghìn m2, đứng vững trước siêu bão cấp 17


Trung Quốc vừa chính thức ra mắt tuabin gió nổi truyền động trực tiếp mạnh nhất thế giới, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong công nghệ năng lượng tái tạo toàn cầu.

Tuabin công suất 17 megawatt này được phát triển bởi hai doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Huaneng Trung Quốc và Tập đoàn Điện khí Đông Phương (Dongfang Electric Corporation).

Tuabin khổng lồ này vừa được xuất xưởng tại thành phố Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến. Với chiều cao lên tới 152 mét, tương đương một tòa nhà 50 tầng, và đường kính cánh quạt 262 mét, thiết bị có thể quét một diện tích khoảng 53.000 mét vuông, tương đương 7,5 sân bóng đá tiêu chuẩn.

Theo Tập đoàn Huaneng, mỗi tuabin có thể tạo ra khoảng 68 triệu kilowatt-giờ điện sạch mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho khoảng 40.000 hộ gia đình. Dự kiến, tuabin này sẽ được triển khai thử nghiệm thực tế tại vùng biển Dương Giang, tỉnh Quảng Đông.

Screen Shot 2025 07 16 At 113601 1752648424381 17526484247141223404028

Tuabin gió nổi truyền động trực tiếp công suất “khủng” hoàn toàn được sản xuất ở Trung Quốc

Điểm nổi bật không chỉ nằm ở kích thước và công suất vượt trội, mà còn ở khả năng hoạt động ổn định trong điều kiện biển sâu khắc nghiệt. Nền nổi của tuabin được thiết kế để chịu được sóng cao hơn 24 mét và gió mạnh cấp 17, tương đương bão siêu mạnh.

Hệ thống ổn định thông minh tích hợp cho phép tuabin tiếp tục sản xuất điện ngay cả khi bệ nổi nghiêng đáng kể do sóng lớn hoặc gió mạnh.

Lưu Tân, Giám đốc bộ phận điện gió ngoài khơi của Viện Nghiên cứu Năng lượng Sạch Huaneng, cho biết: “Tuabin được trang bị hệ thống cảm biến thông minh tích hợp, cho phép điều khiển ổn định tổng thể, yếu tố then chốt để vận hành an toàn và hiệu quả trên biển sâu.”

Đặc biệt, hệ thống đạt tỷ lệ vận hành sẵn sàng trên 99%, một thành tích ấn tượng trong lĩnh vực điện gió nổi – vốn thường đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, gây gián đoạn sản xuất điện.

Một điểm đáng chú ý là toàn bộ chuỗi cung ứng của dự án này đều do Trung Quốc sản xuất nội địa. Từ cánh quạt, máy phát điện, máy biến áp cho tới ổ trục chính đường kính lớn đầu tiên trong nước, tất cả đều được phát triển và tích hợp trong nước. Điều này giúp giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đồng thời tăng cường sức mạnh nội tại cho ngành năng lượng sạch Trung Quốc.

Nhóm kỹ sư Trung Quốc cũng đã tạo ra những mô hình mô phỏng ghép nối hiện đại và mô hình thử nghiệm độ chính xác cao cho hệ thống điện gió nổi, lĩnh vực từng do các nhà sáng chế châu Âu dẫn đầu. Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp Trung Quốc nâng cao vị thế trong cuộc đua toàn cầu về điện gió ngoài khơi.

Tuabin 17MW này không chỉ là một sản phẩm công nghệ, mà còn phản ánh chiến lược dài hạn của Trung Quốc trong việc khai thác tiềm năng năng lượng biển sâu. Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, vùng biển ven bờ (độ sâu 5–50m) của nước này có tiềm năng lên tới 500 GW công suất gió, nhưng các vùng biển sâu có thể gấp 3-4 lần con số đó.

Trong khi các tuabin cố định truyền thống gặp khó khăn ở độ sâu lớn hơn 60 mét, thì hệ thống tuabin nổi có thể neo đậu tại các khu vực biển sâu khó tiếp cận, mở rộng khả năng khai thác điện gió ra những vùng trước đây không thể sử dụng.

Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), tổng công suất điện gió nổi trên toàn thế giới dự kiến đạt 278 megawatt vào cuối năm 2024, con số còn khiêm tốn nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng.

Theo Interesting Engineering

Để lại một bình luận