VCCI đề xuất bỏ miễn thuế đơn hàng TMĐT dưới 1 triệu: Cần công bằng cho hàng sản xuất trong nước


Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất không miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước.

VCCI đề xuất bỏ miễn thuế đơn hàng TMĐT dưới 1 triệu: Cần công bằng cho hàng sản xuất trong nước- Ảnh 1.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã có văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, liên quan đến dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT). Trong văn bản này, VCCI đề xuất không tiếp tục duy trì quy định miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng.

VCCI cảnh báo nguy cơ bất bình đẳng

Theo VCCI, cơ chế miễn thuế này đang tạo ra sự không công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT. Trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn phải nộp thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu đầu vào, thì hàng hóa nhập khẩu dưới ngưỡng 1 triệu đồng lại được miễn thuế hoàn toàn. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng nước ngoài ngay trên thị trường nội địa.

VCCI đề xuất bỏ miễn thuế đơn hàng TMĐT dưới 1 triệu: Cần công bằng cho hàng sản xuất trong nước- Ảnh 2.

Thống kê cho thấy, phần lớn đơn hàng TMĐT quốc tế đều có giá trị rất thấp. Năm 2024, hơn 324 triệu sản phẩm nhập khẩu được tiêu thụ qua Shopee với giá trị trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng/sản phẩm. Nếu áp dụng ngưỡng miễn thuế 1 triệu đồng, gần như toàn bộ số hàng hóa này đều không phải chịu thuế nhập khẩu.

VCCI cho rằng chính sách miễn thuế như hiện tại dựa trên nguyên lý chi phí hành chính cao hơn số thuế thu được đối với hàng giá trị nhỏ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không còn phù hợp trong bối cảnh thị trường TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh. Thay vì miễn thuế, VCCI đề nghị xây dựng chính sách thuế toàn diện, áp dụng cho tất cả đơn hàng, bất kể giá trị.

Một trong những thách thức lớn là việc phân loại mã HS cho hàng hóa TMĐT. Do mỗi lô hàng thường gồm nhiều đơn nhỏ lẻ với nhiều loại hàng khác nhau, số lượng mã HS có thể lên đến hàng trăm, gây khó khăn lớn cho công tác thông quan. Để xử lý, VCCI kiến nghị áp dụng biểu thuế đơn giản, theo nhóm hàng hóa (giỏ hàng), thay vì phân loại chi tiết từng mã HS. Hình thức này đã được Canada áp dụng từ năm 2012 và có thể là gợi ý hữu ích cho Việt Nam.

Hàng quốc tế giá rẻ “phủ sóng” TMĐT Việt, nhà bán nội địa khó cạnh tranh

Theo báo cáo từ Metric, chỉ trong quý I/2025, người tiêu dùng Việt Nam đã đặt mua hơn 80,6 triệu sản phẩm từ các nhà bán quốc tế qua nền tảng Shopee với giá trị trung bình mỗi sản phẩm chỉ khoảng 45.206 đồng, chưa đến 2 USD. Mức giá này thậm chí đã bao gồm cả chi phí vận chuyển hoặc được miễn phí ship nhờ chính sách hỗ trợ từ nền tảng.

Những con số trên phản ánh sức hấp dẫn rất lớn của hàng nhập khẩu giá rẻ đối với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là nhóm khách hàng có thói quen mua sắm tiết kiệm. Mẫu mã đa dạng, giá thành thấp và chính sách hậu cần linh hoạt giúp hàng quốc tế nhanh chóng chiếm lĩnh một phần thị phần đáng kể, tạo áp lực lớn lên các nhà bán trong nước.

VCCI đề xuất bỏ miễn thuế đơn hàng TMĐT dưới 1 triệu: Cần công bằng cho hàng sản xuất trong nước- Ảnh 3.

Dù vẫn chiếm hơn 94% doanh số trên Shopee, các nhà bán nội địa đang đứng trước yêu cầu phải điều chỉnh chiến lược từ định giá, chất lượng sản phẩm đến chi phí logistics. Lợi thế nội địa như tốc độ giao hàng, dịch vụ đổi trả dễ dàng có thể là yếu tố giúp giữ chân người mua, nhất là khi mức độ nhạy cảm với giá ngày càng cao.

Bên cạnh đó, chiến lược vận hành kho hàng của các nhà bán cũng đang có sự thay đổi. Từ chỗ tập trung vào hai đầu Hà Nội và TP.HCM, hiện chiếm 81% doanh số, các đơn vị đang bắt đầu phân tán hệ thống kho về các địa phương vùng ven. Bình Dương, Hải Dương, Đà Nẵng hay Nam Định đang nổi lên với mức tăng trưởng hai chữ số cả về doanh số lẫn sản lượng.

Việc mở rộng hệ thống kho ngoài các trung tâm truyền thống không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn cải thiện tốc độ giao hàng, phù hợp với xu thế tiêu dùng TMĐT đang lan rộng về các tỉnh.