Vụ án chưa có tiền lệ tại Nhật Bản: người đàn ông 58 tuổi lĩnh án tù treo vì bán Nintendo Switch đã “mod”

Một bản án mang tính chất răn đe mạnh.

  • Intel có thể đã “ẵm” được hợp đồng sản xuất GPU cho Nintendo Switch 3
  • Nintendo dừng mọi đơn đặt hàng trước Switch 2 tại Mỹ do lo ngại ảnh hưởng từ thuế quan
  • Nintendo Switch 2 bị hoãn đặt hàng tại Mỹ do lo ngại về thuế quan của Trump
  • Ra mắt Switch 2 được cả thế giới mong mỏi, Nintendo đưa ra sáng kiến nhằm chặn đứng nạn đầu cơ, mua đi bán lại
  • Thông số Nintendo Switch 2: Màn hình 120Hz, chip NVIDIA tùy chỉnh, bộ nhớ trong gấp 8 lần, hỗ trợ xuất hình 4K 60fps

Giới game thủ vẫn biết tiếng dữ của Nintendo trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và sự việc mới diễn ra lại càng cho thấy công ty game Nhật Bản mạnh tay như thế nào.

Một tòa án tại tỉnh Kōchi vừa tuyên án hai năm tù treo trong thời hạn ba năm đối với ông Otobe Fumihiro, 58 tuổi, vì hành vi bán máy chơi game Nintendo Switch đã bị can thiệp phần cứng (hay còn được gọi là đã “mod”). Ngoài án tù treo, ông Otobe còn bị phạt 500.000 yên (khoảng 90,8 triệu VNĐ).

Theo hồ sơ vụ án, công nhân ngành vận tải Otobe Fumihiro đã tiến hành hàn các bộ phận đã được sửa đổi vào bảng mạch của máy Switch cũ, rồi rao bán trên một nền tảng thương mại điện tử chuyên buôn hàng đã qua sử dụng, với giá khoảng 28.000 yên mỗi máy (hơn 5 triệu VNĐ). Dù việc giao dịch thiết bị cũ không bị cấm, hành vi can thiệp trái phép vào phần cứng của sản phẩm là yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật.

Vụ Án Chưa Có Tiền Lệ Tại Nhật Bản: Người Đàn Ông 58 Tuổi Lĩnh Án Tù Treo Vì Bán Nintendo Switch Đã “Mod”- Ảnh 1.

Ví dụ về một máy Nintendo Switch đã được “mod” – Ảnh: Internet.

Đây được coi là án lệ đầu tiên tại Nhật Bản liên quan đến việc bán thiết bị Nintendo đã “mod”, và đồng thời là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những cá nhân hoặc tổ chức có hành vi tương tự, trong bối cảnh cuộc chiến chống vi phạm bản quyền của các tập đoàn công nghệ ngày càng diễn ra quyết liệt.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này không chỉ phản ánh lập trường pháp lý chặt chẽ của hệ thống tư pháp Nhật Bản, mà còn cho thấy sức ảnh hưởng của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ thông qua con đường tố tụng hình sự – một xu hướng đang ngày càng phổ biến trong các tranh chấp công nghệ cao.

Theo RKC