Tôi ra Hà Nội khám bệnh; con cái đều bận nên khám xong tôi tự mua một suất bún chả gần bệnh viện rồi mang về nhà con gái ăn trưa một mình.

Dỡ đồ ăn ra bát đĩa xong, tôi ngẩn ngơ khi thấy trên bàn bếp mà một đống nhỏ túi nylon. Có cả thảy 7 chiếc, gồm một túi lớn bên ngoài đựng 6 túi khác có mấy kích cỡ khác nhau chứa các thành phần của suất ăn gồm: Chả, bún, nước dùng, rau sống, dưa góp, chanh ớt.

Lúc đó tôi lẩn thẩn nghĩ: Suất bún chả này giá 35 nghìn đồng, nhưng số tiền mà xã hội phải bỏ ra để giải quyết hậu quả của mớ túi nylon đựng nó chắc chắn gấp hàng nghìn, hàng vạn lần hoặc nhiều hơn thế, vì tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường là cực kỳ khủng khiếp và lâu dài.

(Ảnh Minh Họa: Thestar)

(Ảnh minh họa: Thestar)

Bà chủ quán bún chả đầu ngõ nhà con gái tôi bảo, mỗi ngày bà bán được tầm 150 suất, khoảng một nửa trong số đó là bán mang đi, do khách tự mua về hoặc đặt qua ứng dụng giao đồ ăn; nghĩa là có hơn 500 cái túi nylon bị thải loại, chưa kể số túi khác họ dùng trong quá trình mua nguyên liệu chuẩn bị làm hàng.

Hà Nội có bao nhiêu quán bún chả? Bao nhiêu quán bán những món khác mà một suất ăn mang về cần nhiều túi lớn túi nhỏ?

Chỉ tính riêng suất ăn mang đi thôi, mỗi buổi trưa Hà Nội đã thải loại số túi nylon khó hình dung nổi. Nếu tính theo ngày, theo tháng, theo năm, tính cả các loại hình ăn uống, hàng hóa và dịch vụ khác thì con số càng không thể tưởng tượng.

Nếu so sánh tốc độ chúng ta tiêu thụ và thải túi nylon và tốc độ phân hủy của chúng trong môi trường thì càng đáng sợ hãi hơn nữa.

Thiên nhiên mất từ 400 đến 1.000 năm để phân hủy hết loại rác thải này. Trong khi đó, theo khảo sát do Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện, công bố trong một hội thảo năm 2021, trung bình mỗi người dân dùng 3,5 túi nylon mỗi ngày.

Cảm giác rùng mình buồn nôn và choáng váng khi ngửi khói bốc lên từ đồ nhựa bị cháy là cảm nhận trực quan nhất về sự độc hại của rác thải nhựa, trước khi chúng ta đọc các bài báo, tài liệu về vô số tai họa mà đồ nhựa có thể gây ra cho con người theo nhiều cách.

Các phân tử nhựa làm ô nhiễm đất, nước và không khí, các hạt vi nhựa cũng đi vào cơ thể sinh vật. Hạt vi nhựa vào cơ thể con người qua cả không khí và các nguồn thức ăn…

Đồ nhựa quá tiện dụng và đem lại rất nhiều lợi ích, chúng ta không thể từ bỏ hay loại trừ chúng khỏi đời sống, mà chỉ có thể tránh lạm dụng, tránh dùng khi không thực sự cần thiết, đặc biệt là hạn chế tối đa các loại đồ nhựa dùng một lần, trong đó thứ bị tiêu thụ một cách dễ dãi nhất là túi nylon.

Ai cũng hiểu điều đó, nhưng sự thật thì sao? Rất hiếm người chống lại được thói quen và sự tiện dụng, lúc nào cũng sẵn có của nó.

Đi chợ mua thực phẩm để nấu một bữa ăn, bạn sẽ xách về cả chục chiếc túi, vì chỉ nắm rau mùi bé xíu cũng có riêng một túi nylon.

Bạn có thể phải kỳ kèo mặc cả với người bán để có thêm một quả ớt hay vài cọng hành hoa, nhưng chắc chắn họ sẽ không từ chối khi bạn xin thêm túi, thậm chí còn hào phóng dúi thêm cho bạn vài chiếc, vì nó quá rẻ để phải tính toán.

Tôi rất thích bún chả Hà Nội, nhưng suy nghĩ về 7 chiếc túi nylon đựng một suất ăn trưa này sẽ chồng chất thêm gánh nặng lên môi trường khiến hương vị như biến mất.

Tự nguyện từ chối vật dụng tiện lợi mà siêu rẻ này là điều khó làm với số đông. Chỉ có cách tăng thuế thật nặng để mỗi chiếc túi trở nên đắt cắt cổ, để không người bán nào tặng miễn phí, ai mua đựng cũng phải cân nhắc… thì người ta mới thôi lạm dụng.

Và một điều quan trọng nữa là phân loại rác để tái chế đồ nhựa. Quy định phạt hành vi không phân loại rác đã có hiệu lực từ lâu nhưng thị xã nơi tôi sống chưa thấy phạt ai dù rác các loại vẫn đổ lẫn lộn, khu chung cư tại Hà Nội nơi con gái tôi ở cũng thế.

Sao việc này lại quá chậm trễ như vậy? Mong các cơ quan chức năng khẩn trương lên, môi trường không đợi được nữa rồi.

Theo VTC News