Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là phim Việt đang gây sốt ngoài rạp. Tác phẩm nhận được phản hồi tốt từ giới phê bình lẫn khán giả về bối cảnh, kỹ xảo, diễn xuất…

Đây cũng là lần đầu bộ phim lịch sử – chiến tranh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng Box Office Vietnam với doanh thu ấn tượng.

Dự án tâm huyết của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên phá vỡ định kiến về phim “cúng cụ”, cho thấy thể loại này hoàn toàn có thể chinh phục người xem, thậm chí lập kỷ lục phòng vé.

Bùi Thạc Chuyên Phá Vỡ Định Kiến Ảnh 1
Địa đạo lập kỷ lục mới cho điện ảnh Việt.

Chương mới của phim chiến tranh

Dòng phim chiến tranh từng là “trụ cột” của nền điện ảnh Việt Nam thời còn non trẻ. Những tác phẩm như Chị Tư Hậu (1962), Nổi gió (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973), Cánh đồng hoang (1979)… đều trở thành kinh điển, ghi dấu với khán giả nhiều thế hệ.

Nhưng khi đất nước bước vào thời bình, dòng phim chiến tranh dần mất đi vị thế vốn có. Khán giả thay đổi thị hiếu, sự bùng nổ của các thể loại giải trí mới như phim hài, tình cảm, hành động… đẩy phim chiến tranh đi vào quên lãng.

Thực tế, vẫn có nhiều dự án được sản xuất nhưng chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước. Các tác phẩm không được đầu tư quảng bá rầm rộ nên doanh thu cũng lẹt đẹt, hiệu ứng truyền thông kém. Nhiều khán giả còn không biết đến sự xuất hiện của phim, ngay cả khi đã rút rạp.

Đó là lý do mà các tác phẩm này thường bị gán mác “phim cúng cụ” – cách ám chỉ phim chiếu trong các dịp lễ kỷ niệm, nhưng thiếu sức sống để thu hút khán giả đại chúng.

Định kiến tồn tại trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi không có phim chiến tranh nào vào danh sách tác phẩm ăn khách nhất của điện ảnh Việt. Tất cả nhường chỗ cho phim thuần giải trí.

Năm ngoái, Đào, phở và piano tạo được hiệu ứng truyền thông tốt và cũng hút khách, nhưng chỉ thu về khoảng trên dưới 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, Địa đạo lại đang không có đối thủ tại rạp chiếu. Tính đến hiện tại, dự án đã thu về hơn 90 tỷ đồng, gấp bốn lần doanh thu của Đào, phở và piano. Dự án cũng không ngừng tăng tốc trên đường đua phòng vé, chắc chắn vượt mốc 100 tỷ đồng.

Thậm chí, phim còn có cơ hội chạm đến con số 200 tỷ đồng nếu ê-kíp áp dụng chiến lược quảng bá hợp lý.

Bùi Thạc Chuyên Phá Vỡ Định Kiến Ảnh 2Bùi Thạc Chuyên Phá Vỡ Định Kiến Ảnh 3

Hình ảnh trong Địa đạo.

Điều giúp Địa đạo làm nên sự khác biệt là cách kể chuyện mới mẻ và ngôn ngữ điện ảnh cuốn hút của Bùi Thạc Chuyên. Với nhãn quan độc đáo, đạo diễn mang đến tác phẩm chân thực, giàu cảm xúc.

Anh không chỉ mô tả sự khốc liệt của chiến tranh, mà còn mổ xẻ cuộc sống đời thường của quân dân Việt Nam khi đối đầu kẻ thù. Từ âm nhạc, hình ảnh đến diễn xuất… đều được đầu tư không thua kém phim quốc tế.

Đặc biệt, tác phẩm không có những thước phim khô khan hay mang tính tuyên truyền. Trái lại, người xem như được bước vào quá khứ với một góc nhìn chân thật. Cuộc đời của những người lính ở chiến trường được khắc họa sống động mà cũng đầy ám ảnh.

Hiệu ứng truyền miệng tốt

Thành công của Địa đạo còn đến từ chiến lược phát hành hợp lý, cộng thêm chất lượng phim tốt nên khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ngay từ những suất chiếu sớm, phim đã nhận được phản hồi tích cực, nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội.

Trên các nền tảng như Facebook, TikTok và hội nhóm phim ảnh, nhiều khán giả chia sẻ cảm xúc mạnh mẽ về Địa đạo. Phần lớn đều khen ngợi bộ phim, sẵn sàng bỏ qua những sai sót của ê-kíp. Rất nhiều bình luận nhấn mạnh đây là tác phẩm “đáng xem” của điện ảnh Việt, giúp hiểu rõ hơn về lịch sử và tinh thần yêu nước của cha ông.

Theo Box Office Vietnam, trong ba ngày cuối tuần ra mắt, phim thu hơn 45 tỷ đồng với khoảng trên 498.000 vé bán ra trong hơn 11.900 suất chiếu. Tức là, trung bình mỗi rạp có 40-42 khán giả xem phim.

Đáng chú ý, phần lớn những người ủng hộ Địa đạo lại là khán giả trẻ, học sinh và sinh viên – những người thường được cho không phải là đối tượng chính của dòng phim này.

Bùi Thạc Chuyên Phá Vỡ Định Kiến Ảnh 4

Địa đạo là phim chiến tranh nhưng thu hút đối tượng khán giả trẻ.

Sự ra đời của Địa đạo là khẳng định cho thấy phim chiến tranh Việt Nam không lỗi thời. Đó cũng không phải là “phim cúng cụ” như nhiều người vẫn nghĩ, mà hoàn toàn có thể trở thành dòng phim chủ lực, chinh phục thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Phim chiến tranh cũng có thể dung hòa tốt hai yếu tố nghệ thuật và thương mại, hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thể loại giải trí khác.

Thậm chí, khán giả yêu điện ảnh nước nhà có thể hy vọng về những bom tấn khuấy đảo phòng vé như cách Hollywood đã làm với Platoon (1986), Full Metal Jacket (1987), Born on the Fourth of July (1989)…

Những buổi chiếu chật kín rạp, những giọt nước mắt của khán giả xem xong phim là minh chứng cho thấy người Việt vẫn yêu lịch sử. Thế hệ nào vẫn luôn trân trọng những giá trị mà cha ông để lại, miễn là được kể với cách thức phù hợp.

Theo Tiền Phong