Theo cáo trạng, các vụ việc xảy ra trong vòng chưa đầy 1 năm, khi nhân viên đang sử dụng thiết bị nâng hành lý (gọi là televator và thang nâng TLD) không có lan can bảo vệ. Đây là những thiết bị được dùng để đưa container hành lý lên khoang chứa máy bay, người vận hành phải đứng ở độ cao từ 1,5-3m so với mặt đất.

Hãng hàng không trả giá đắt sau tai nạn của nhân viên tại sân bay ảnh 1

Hãng hàng không British Airways bị tuyên phạt vì liên quan đến nhân viên bốc xếp hành lý tại sân bay Heathrow. Ảnh: AOL.com.

Ngày 25/8/2022, ông Ravinder Teji – nhân viên vận hành mặt đất có 7 năm kinh nghiệm – bị ngã từ độ cao 1,5m, dẫn đến chấn thương cột sống và rách đầu. Gần nửa năm sau, vào ngày 8/3/2023, ông Shahjahan Malik bị ngã từ độ cao 3m khi đang sử dụng thang nâng TLD, gây chảy máu não nghiêm trọng.

Cơ quan An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Vương quốc Anh (HSE) đã khởi tố hình sự Hãng hàng không British Airways vì vi phạm quy định về làm việc trên cao. Hãng này bị cáo buộc không đảm bảo các biện pháp bảo hộ đầy đủ và phù hợp cho người lao động, đặc biệt là những người làm việc ở độ cao có nguy cơ ngã gây chấn thương nghiêm trọng.

Hãng hàng không trả giá đắt sau tai nạn của nhân viên tại sân bay ảnh 2

Hãng hàng không British Airways bị HSE khởi tố vì vi phạm quy định về làm việc trên cao.

Hãng hàng không British Airways đã nhận tội với hai vi phạm theo Điều 6(3), Quy định về Làm việc trên cao năm 2005. Thẩm phán Brendan Finucane KC nhận định mức độ sai phạm là nghiêm trọng và tuyên phạt hãng hơn 3,2 triệu bảng Anh (khoảng hơn 100 tỷ đồng), cộng thêm 20.935 bảng (hơn 700.000 đồng) tiền chi phí xét xử và 120 bảng Anh (khoảng hơn 4 triệu đồng) phụ phí cho nạn nhân.

Vụ việc tiếp tục làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn lao động trong ngành hàng không, đặc biệt là đối với đội ngũ nhân viên làm việc tại sân bay – những người thường xuyên tiếp xúc với thiết bị chuyên dụng và điều kiện nguy hiểm.

Theo Tiền Phong