Tôi sống một mình trong căn trọ nhỏ ở khu phố này đã hơn 2 năm. Ngày mới chuyển tới, tôi cứ nghĩ mình sẽ sống khép kín, đi làm về rồi đóng cửa, chẳng giao du với ai.

Ấy vậy mà, cuộc sống ưu ái tặng tôi một gia đình hàng xóm tuyệt vời. 

Hàng xóm của tôi là cặp vợ chồng lớn tuổi, đã về hưu. Bác trai ít nói, hiền lành. Bác gái thì vui tính, hay cười và nói chuyện duyên dáng. Con cái của họ lập gia đình, sinh sống ở nước ngoài.

Ngày đầu tôi dọn về, chưa kịp ổn định đồ đạc thì bác gái đã gõ cửa, hỏi có cần hỗ trợ gì không. Bác còn hỏi tôi chuyện ăn uống, nấu nướng như thế nào.

Biết tôi sống một mình, không thích nấu nướng, cơm hàng cháo chợ qua ngày, bác chỉ thở dài.

Một ngày Chủ nhật, tôi được nghỉ làm nên nằm ở nhà. Đến trưa, tôi ra quán mua cơm hộp, lúc trở về thì bác gái bưng tô canh nóng hổi sang phòng trọ.

W-Hang-Xom.jpg.jpg
Từ lâu, thức ăn thừa nhà bác hàng xóm trở thành một phần quen thuộc trong bữa cơm của tôi. Ảnh minh họa: Hà Nguyễn

Bác ra hiệu tôi bưng giúp tô canh và nói: “Bác lỡ nấu hơi nhiều, ăn không hết, con ăn phụ vợ chồng bác nhé!”.

Lúc đó, tôi ngại ngùng, định từ chối nhưng ánh mắt bác chân thành và canh cũng thừa, bỏ đi thì tiếc nên tôi nhận lấy, cảm ơn rối rít.

Tô canh hôm đó không chỉ ngon, mà còn khiến tôi nhớ nhà, nhớ mẹ kinh khủng. Dù hàng xóm nói là thức ăn thừa nhưng tôi cảm nhận hương vị vô cùng thơm ngon.

Từ hôm ấy, thức ăn thừa nhà bác hàng xóm bỗng trở thành một phần quen thuộc trong bữa cơm của tôi. Mỗi khi bác nấu món ngon, dù là canh chua, thịt kho hay chè đậu xanh, tôi đều được “chia phần”. 

Bác vẫn luôn nói một câu như lời dặn nhẹ: “Đồ ăn nhà bác nấu dư, con đừng ngại nhé”.

Dù vậy, tôi vẫn tin đó không phải là thức ăn thừa. Bởi chúng còn nóng hổi, được bày biện sạch sẽ, cẩn thận. 

Không chỉ là cho những món ăn ngon, hai bác còn hỏi han khi tôi về muộn, nhắc tôi đi xe cẩn thận.

Ngược lại, mỗi lần về quê, tôi đều mua trái cây, đặc sản biếu hai bác. Những lần như thế, hai bác nhận quà nhưng hơi buồn. 

Có lần, bác trai căn dặn tôi: “Cháu đừng làm vậy, nhận đồ ăn thừa mà phải tốn tiền mua cái khác tặng lại cho bác thì bác không vui đâu. Mình là hàng xóm mà, thương nhau thì cho nhau miếng cơm chén nước, có gì to tát đâu”.

Tôi giải thích, cây trái vườn nhà, ba mẹ tôi gửi tặng thì hai bác mới vui hơn một chút.

Lần khác, tôi cầm túi trái cây, vừa bước đến cửa sau thì nghe tiếng hai bác trò chuyện.

Tôi đã nói là thức ăn thừa để nó khỏi ngại. Vậy mà lần nào về quê, nó cũng mang trái cây, quà bánh ở quê lên. Con trai mới lớn mà chịu khó mang vác quà quê cồng kềnh, thiệt tình thương hết sức”, bác gái tâm sự với chồng.

Bác trai cười, tiếp lời vợ: “Nay tôi đi siêu thị, thấy cái áo sơ mi đẹp quá nên mua cho nó. Khi nào nó từ quê lên, bà mang sang nhưng nhớ nói là áo cũ của con trai mình. Bà cứ nói áo đẹp mà cất lâu trong tủ thì phung phí, đưa cho nó mặc đỡ tiếc”.

Nghe cuộc trò chuyện, tôi rưng rưng nước mắt. Không muốn hai bác biết, tôi vội vã quay về phòng trọ.

Tôi vốn xa quê, sống nơi thành phố lớn này vừa mưu sinh vừa gồng mình chống chọi với cô đơn. Nhưng nhờ có vợ chồng bác, tôi thấy lòng mình ấm lại.

Bây giờ, mỗi ngày đi làm về, tôi không còn thấy căn phòng mình lạnh lẽo nữa. Chỉ cần nghe tiếng gọi “Cháu ăn cơm chưa?” từ nhà hàng xóm, là thấy như mình được trở về nhà. 

Tôi sẽ không ngại khi nhận “thức ăn thừa” của hai bác dù đã biết sự thật. Tôi muốn giấu bí mật này cho riêng mình. Sự tử tế của hai bác trong hành động và lời nói sẽ mãi vẹn nguyên ý nghĩa ban đầu.

Độc giả Đình Hoàng

Theo VietNamNet