1. Chỉ tập luyện nhưng không siết ăn, hiệu quả giảm cân đến đâu?

Nhiều người cho rằng, chỉ cần tập thể dục đều đặn thì sẽ giảm cân. Thực tế, tập luyện có giúp tiêu hao năng lượng, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ đốt mỡ. Tuy nhiên, mức năng lượng tiêu hao qua một buổi tập thường khá khiêm tốn nếu so với lượng calo bạn có thể nạp vào từ thức ăn trong ngày.

Chẳng hạn, chạy bộ 30 phút có thể tiêu hao khoảng 250-300 kcal, nhưng chỉ cần một cốc trà sữa hay phần bánh ngọt đã đủ “bù lại” toàn bộ công sức đó. Nếu bạn không điều chỉnh chế độ ăn, rất dễ rơi vào tình trạng “tập xong lại ăn nhiều hơn”, làm cho tổng calo nạp vào cao hơn lượng calo tiêu hao. Khi đó, cân nặng không những không giảm mà còn có thể tăng thêm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn đóng vai trò quan trọng hơn cả trong quá trình giảm cân, chiếm tới 70-80% hiệu quả, trong khi tập luyện hỗ trợ phần còn lại. Do đó, nếu bạn đang tập thể dục đều đặn mà cân nặng vẫn không thay đổi, cần xem lại khẩu phần ăn hàng ngày.

Tập Luyện Nhưng Không Siết Ăn, Liệu Có Giúp Giảm Cân?- Ảnh 1.
Tập luyện đúng là giúp tiêu hao năng lượng, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ đốt mỡ.

2. Muốn giảm cân cần kết hợp giữa tập luyện và chế độ ăn

Nếu chỉ tập mà không siết ăn là chưa đủ, còn chỉ ăn kiêng mà không tập luyện cũng có những hạn chế riêng. Việc giảm calo quá mức mà không có vận động dễ dẫn đến mất cơ, làm giảm trao đổi chất và khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, yếu ớt. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu bạn theo đuổi các chế độ ăn kiêng cực đoan, thiếu hụt dinh dưỡng.

Hơn nữa, giảm cân không chỉ là giảm con số trên cân mà còn phải đảm bảo tỷ lệ mỡ và cơ hợp lý. Nếu bạn chỉ giảm cân nhờ ăn kiêng, rất dễ dẫn đến tình trạng vóc dáng nhỏ mà không săn chắc, thiếu sức sống.

Chính vì vậy, cần xây dựng lối sống cân bằng giữa ăn uống và vận động để đạt được thân hình lý tưởng mà vẫn khỏe mạnh. Không nên quá áp lực mà hãy kiên trì và cảm nhận sự thay đổi của cơ thể.

Tập Luyện Nhưng Không Siết Ăn, Liệu Có Giúp Giảm Cân?- Ảnh 2.Nếu muốn giảm cân, chỉ tập luyện thôi là chưa đủ mà cần kiểm soát calo nạp vào từ chế độ ăn uống.

3. Làm sao kết hợp ăn uống và tập luyện để giảm cân hiệu quả?

Để giảm cân, điều quan trọng là duy trì mức thâm hụt calo hợp lý – tức là tiêu hao nhiều hơn lượng nạp vào, nhưng không quá khắt khe để tránh mệt mỏi, mất cơ hay ảnh hưởng sức khỏe. Một thực đơn cân bằng nên ưu tiên thực phẩm ít tinh bột tinh chế, giàu protein và chất xơ, hạn chế đường và chất béo bão hòa. Ăn đủ protein còn giúp bảo tồn cơ bắp, tăng cảm giác no và hỗ trợ đốt mỡ hiệu quả hơn.

Cùng với đó, bạn nên kết hợp giữa cardio (như chạy bộ, đạp xe, nhảy dây) để đốt cháy năng lượng và các bài tập sức mạnh (như tạ, bodyweight) để duy trì hoặc tăng cơ. Cơ bắp là mô tiêu thụ năng lượng cao, do đó càng có nhiều cơ, cơ thể càng tiêu hao năng lượng ngay cả khi nghỉ ngơi. Chỉ tập cardio không thôi dễ khiến bạn sụt cân nhưng mất cả mỡ lẫn cơ, làm chậm chuyển hóa về lâu dài.

Ngoài ra, cần tránh một số sai lầm phổ biến như tập xong ăn “bù” quá mức, nhịn ăn quá lâu rồi ăn dồn vào buổi tối, hoặc đặt kỳ vọng giảm cân quá nhanh. Giảm cân là quá trình dài hơi, mỗi tuần giảm 0,5–1 kg đã là một tốc độ an toàn và hợp lý. Kiên trì, lắng nghe cơ thể và điều chỉnh theo thực tế sẽ giúp bạn tiến xa và duy trì kết quả lâu dài.

Theo Sức Khỏe Và Đời Sống