Về để thấy tết (Phần 2)


blogradio.vn – Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

***

(Tiếp theo phần 1)

 

Quá giờ trưa. Tối qua trên xe, nó chẳng kịp chợp mắt. Chiều tà, khi ánh mặt trời lóe qua khe cửa sổ, tia nắng mỏng tan, yếu ớt nhảy vào mí mắt của nó. Chuông phát thanh khẽ đánh thức Liên dậy. Liên dụi mắt. Nó ngồi bật dậy, đi xuống nhà dưới, múc gáo nước trong chum, rửa mặt thật sạch.

– Dậy rồi đấy à! – giọng ngoại run run.

Ngoại đưa một tay đẩy củi, tay kia nắm thêm bó lá dừa khô đẩy vào bếp than. Trời lạnh, cứ rúc mình vào bếp lửa của bà là sẽ ấm. Bà lại cất giọng:

– Dậy rồi thì về thăm má đi con! Mày về chào hỏi ba mày một tiếng. Có gặp dì thì cũng chào dì, đừng dửng dưng im lặng nghe con.

– Cháu biết rồi! – Nó cười.

Liên mặc lại áo khoác, kéo kín cổ, choàng thêm khăn. Trời quê mùa này lạnh. Nó đi lại góc bếp, ngồi một lúc rõ lâu, chăm chăm nhìn vào ánh lửa. Má Liên cũng từng có một bếp lửa như thế. Bếp lửa ấm cúng, bếp lửa đun nước, bếp lửa nướng khoai, bếp lửa làm ti tỉ thứ trên đời. Bếp lửa của má nuôi nó lớn.

Liên thưa bà, lẳng lặng xách ấm nước chè xuống đất. Lửa lớn, nó sợ bà bỏng.

Nó lấy chiếc xe máy cũ của mợ, chải chuốt lại đầu tóc, cài quai nón bảo hiểm, ngồi thếch lên xe, vặn tay ga rồi chạy một mạch về nhà. Bà đứng trước mái hiên, nhìn theo bóng lưng của Liên.

Nó đặt chân về căn nhà cũ hơn mươi năm nuôi nó lớn. Vẫn trong ký ức ngày bé, hiên nhà rộng che đủ gia đình, che đủ hạnh phúc bé nhỏ của nó. Cứ tầm này, sân nhà chẳng bao giờ vắng tiếng, ba lục đục lể lá mai, đổi chậu kiểng, khiêng mai đặt trước sân. Má đãi nếp, gấp chiếu, thu đống lá chuối đã phơi, xoắn thêm mấy đoạn dây chuối mới tước, bắt đầu “công vụ” gói bánh tét. Đỗ xanh, thịt heo, bánh nào má cũng gói, tay má thoăn thoắt chẳng khác gì nghệ nhân làm bánh. Gói xong, nhà nó lại rục rịch ở khu bếp, xôm lắm. Bếp than hồng trước sân lại có dịp đỏ lửa, lũ trẻ lại có cơ hội thức đêm canh nồi bánh. Chúng nướng khoai, nướng bánh, nghịch đủ trò. Hình ảnh ấy không phải là hình ảnh trên chiếc vô tuyến truyền hình mà là trong kí ức tuổi thơ của Liên. Liên đã từng có những mùa tết thật đẹp, thật đáng quý như thế.

Ve De Thay Tet (Phan 2)

Nó thấy ba nó ngay từ lúc đứng trước cổng. Bóng lưng quen thuộc mỗi ngày kề tết, bóng lưng cặm cụi sửa soạn lại bàn thờ cho má, kĩ càng lau từng vết bụi bám trên di ảnh. Cuối năm, ba hay đưa tất cả đĩa sứ, lư hương, bình hoa,… cái gì có trên “nhà của má”, ba đều dọn tất. Những lần chứng kiến như này, nó thấy trong ba vẫn còn má nó.

– Chị về! Hai về kìa ba! Hai về mà không báo!

Thằng nhóc em trai Liên reo lên. Hai năm không gặp, nó đã cao gần ngang cái Liên. Nhóc nhanh nhảu vỗ vai ba, giục ba ra ngoài.

– Chị Hai về! Ba, chị Hai về.

Ba nó đang làm dở việc, cũng vì tiếng gọi của nhóc mà quay lại nhìn. Ba gọi một tiếng rõ to:

– Cái Liên về đấy à!

Ba chạy lại gần Liên, mở mắt thật to như muốn nhìn nó rõ hơn. Ba muốn chắc chắn là cái Liên trước mắt ba bằng da bằng thịt. Đã hai năm, mỗi lần Tết, đều đặn, ba đều nhấc máy, gọi điện cho nó. Ba đều lặp đi lặp lại một câu: “Hai mấy con về?” Nhưng câu hỏi ấy qua hai mùa Tết chẳng có câu trả lời. Nó cứ ậm ực cho qua chuyện, rồi lẳng lặng gửi quà Tết về quê. Mua cho ba cái áo, mua cho ngoại lốc nước yến, gửi cho em trai nó chút tiền mừng tuổi. Thế rồi cứ mùng một mùng hai quên mất luôn việc gọi về nhà, nó bôn ba công việc ngoài quán xá, lo kiếm từng đồng tiền tiêu vặt.

Năm nay nó về, ba nó mừng quýnh lên, mặc dù ba biết trong nó vẫn còn chất chứa nhiều điều, nhưng miễn nó về, ba phần nào yên tâm hơn chút. Ba khẽ đẩy vai, bảo nó vào nhà:

– Vào đây! Má mày trông!

Ba ngước nhìn bàn thờ má thật lâu rồi nhìn nó, ba muốn nói nó chào hỏi má một tiếng. Liên tới trước bàn thờ, thắp cho má nén nhang. Liên ngó sang di ảnh của má. Tấm ảnh đã cũ nhưng chẳng bám một chút vết bụi nào. Có lẽ mỗi ngày ba đều lau đi lau lại. Lư hương cũng đầy chân nhang, ba đang dọn dở. Nó nhận ra: ba vẫn còn thương má nhiều!

– Dì Hai dọn nhà cửa hết rồi, để mỗi bàn thờ cho ba lau dọn thôi!

– Chăn màn, quần áo, giặt giũ, phơi hết hàng rào đằng trước.

Nó chỉ lẳng lặng đáp lại:

– Dạ.

Liên dạ một tiếng ngon ơ. Tiếng “dạ” thầm thì như không muốn ba nghe thấy. Tiếng “dạ” nghe lời, như bị mềm lòng bởi những điều dì Hai làm cho cả nhà nó. Mấy năm vắng bóng mẹ, căn nhà lâu lắm rồi chẳng nghe thấy tiếng người phụ nữ. Căn nhà cũng chưa bao giờ gọn gàng, ngăn nắp như thế này. Hồi mẹ nó còn sống, mẹ ghét nhất tính bừa của nó. Căn nhà hôm nay trong mắt nó, chẳng phải ngôi nhà nó từng mong ước sao? Tiếng bước chân sột soạt từ nhà dưới đi lên cắt ngang dòng suy nghĩ của Liên.

Dì Hai mắt tròn xoe nhìn nó! À đây hẳn là dì Hai mà ba hay nhắc. Nó chưa gặp mặt dì Hai lần nào. Từ ngày nó nghe tin ba nó cưới, nó cũng lẳng lặng trốn đi mất, nói đúng hơn một câu chào hỏi, một ánh mắt nhìn cũng chưa bao giờ chạm đến. Nay mới là lần gặp mặt đầu tiên

– Con chào dì!

– Cái Liên đấy à! Phải cái Liên không? Lâu rồi con chẳng về nhà, dì chẳng biết mặt con? Đúng cái Liên phải không con?

– Dạ là Liên, cái Liên của ba Đạt.

– Con về khi nào? Xuống xe khi nào đấy? Sao không báo ba với dì một tiếng, ba với dì ra đón? Con đã ăn cơm chưa, có đói không? Lúc nãy cúng cho mẹ ít đồ vẫn còn, dì lấy con ăn nhé?

Một lúc nhưng biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra từ dì. Liên chẳng nhớ từng câu một, cũng chẳng biết trả lời từng câu như thế nào. Mười năm qua, ngoài ngoại nó ra, chẳng một người phụ nữ nào lại để ý và quan tâm nó nhiều như thế cả. Bôn ba xa nhà nơi đất khách, nó càng hiểu nó thiếu thốn tình yêu từ gia đình nó như thế nào, đặc biệt là tình thương từ một người mẹ. Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

Không đợi Liên trả lời, dì xới bát cơm, dọn cho nó mâm đồ ăn trước mặt. Đủ món, chẳng thiếu món gì. Tuy mỗi thứ vẫn còn một ít nhưng chẳng phải đó là những thứ nó muốn nếm hay sao. Nó thấy tình thương của dì, tình thương của ba dành cho má nó. Dì Hai chăm cho má bữa ăn, cẩn thận tỉ mỉ làm từng món để cúng cho má. Dì quét tước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc nhỏ em trai nó lớn, thế chẳng phải yêu thương là gì? Bánh Tét dì tét từng lát, đến lát chả cũng xếp nên hình nên dạng, hoa cũng tỉa đủ cành, đủ nụ. Đấy! Tình thương đấy! Tình thương mà bấy lâu nay nó đi tìm.

Ve De Thay Tet (Phan 2) (2)

Món dì làm không giống món má, món của má đậm đà hơn, chân chất món quê hơn. Nhưng món dì cũng không kém. Chỉ trong tâm thức nó, má làm cái gì cũng ngon. Nó thương món ăn của má, thương luôn món ăn của dì, dì làm cho nó nhớ tới má nó nhiều nhiều. Dì Hai đặt cốc nước trước mặt nó:

– Con uống nước! Ăn từ từ, kẻo mắc nghẹn!

– Con no rồi thưa dì!

– Con để đồ đạc ở đâu? Ở ngoại à? Thế ở lại nhà ăn cơm tối với ba rồi hãy về!

Lâu rồi không ở cạnh má, cũng lâu lắm rồi nó cũng chưa có dịp ăn cơm, nói chuyện với ba. Chắc khoảng chục năm rồi. Thi thoảng nấu mâm cơm cho má, cũng chỉ mình nó ăn. Nó đáp lại bằng một cái gật đầu.

Thằng nhóc con chở Liên đi rong ngoài đường cả buổi chiều. Cu cậu chỉ chỏ đủ thứ: “Ở thành phố có cái này không Hai”, “Ở thành phố có cái kia không Hai” – “Có! Có tất! Cái gì cũng có!” Nhưng thành phố không có “Nhà”.

***

Trời chập tối tự bao giờ. Nó trở về với chân tay lấm lem đất. Dì gọi nhóc con vào rửa mình, thay quần thay áo. Dì ngó cái Liên, bảo nó vào lau chân lau tay, chuẩn bị ăn cơm. Dì Hai loay hoay dưới bếp cả buổi. Liên đứng sát vách tường, ngó xuống bếp. Nó ngỡ ngàng. Dì giống mẹ. Là bóng lưng quen thuộc hơn chục năm về trước. Bóng lưng của mẹ đứng bếp. Mẹ cũng loay hoay, vất vả như thế. Mẹ chăm chút kĩ càng từng món mẹ nấu.

Dì dọn mâm cơm. Ba cha con ngồi vào bàn. Ba gắp cho nó miếng thịt hon, món nó thích nhất. Khoảnh khắc này dù có ngủ sâu đến mức nào cũng chẳng dám mơ nó có dịp ăn lại cơm nhà. Liên cay cay khóe mi mắt. Dì thấy nó ngồi trầm ngâm cầm đôi đũa, dì bảo:

– Cái này cho con! – Dì gắp miếng chả cá phía dì để vào bát nó.

Này có phải bữa cơm mà mỗi lần tan tầm, nhìn vào khung cửa sổ ở mấy ngôi nhà thành phố nó vẫn hay thấy. Này có phải bữa cơm hồi má còn sống, nó vẫn hay ăn. Này khác với mấy bữa cơm từ sau khi má đi ba vẫn hay nấu. Đúng, khác, khác lắm. Trong căn nhà cũ, trong bữa cơm Tết, má đâu đi mất, má vẫn về, má vẫn ở đó. Chỉ khác là nó nhận thêm một tình thương nữa. Đó là tình người, tình mẫu tử.

– Con cảm ơn mẹ.

Cả nhà sững người nhìn nó thật lâu. Rồi cười. Nụ cười của sự hạnh phúc.

Nó nhận ra, niềm vui không từ một phía, niềm vui xuất phát từ cả ba, cả má, cả nhỏ em của nó… và người mẹ mới.

Tết về, nó về, niềm vui cũng về. Về trong căn nhà nhỏ.

 

(Hết)

 

© Nguyễn Ngọc Yến Linh – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Cuối Cùng Bàn Tay Ấy Cũng Nắm Bàn Tay Khác | Radio Tâm Sự