Ai cho phép anh yêu em như vậy? (Phần 1)


blogradio.vn – Cô tưởng tưởng ra mình sẽ đem tất cả những kiến thức, đam mê và tuổi trẻ của cô để cống hiến và giúp cho một vùng đất nghèo xa xôi nào đó được thay đổi, được tốt đẹp hơn. Như một luồng gió mới vô cùng tươi mát và trong trẻo, giúp cho một vùng quê nào đó vì thế mà mát mẻ, xanh tươi hơn. Cô thấy vui và cảm nhận rõ rệt một khí thế và khát khao của tuổi trẻ đang hừng hực cháy trong người cô.

***

Trong cuộc đời có những cuộc gặp gỡ nhau là định mệnh, là duyên phận, nên đã lỡ gặp nhau rồi là nhất định không thể rời xa. Dù muốn hay không muốn, cuối cùng số phận vẫn sẽ xếp hai người ở cạnh bên nhau!

Cô là một cô gái người Hà Nội chính gốc. Tuy không phải dân nội thành, dân phố cổ, nhà cô chỉ ở một ngôi làng nhỏ vùng ngoại ô thôi nhưng cô vẫn mang đậm cốt cách của một cô gái Hà Nội – dịu dàng, đằm thắm nhẹ nhàng và sâu sắc, kiểu tiểu thư khuê các vậy.

Hồi còn là sinh viên, cô nổi bật trong lớp với dáng người nhỏ nhắn, mềm mại, gương mặt thanh tú và nước da trắng hồng khỏe khoắn, làm say đắm bao nhiêu chàng trai cùng khóa, khác khóa. Nhưng cô chỉ tập trung cho việc học hành mà không hề nghĩ ngợi gì đến chuyện yêu đương. Hay là do duyên phận chưa tới nên có nhiều chàng cũng được lắm theo đuổi cô nhiệt tình nhưng cô cũng chẳng hề mảy may rung động với ai.

Chăm chỉ học hành nên kì nào cô cũng giành được học bổng của trường. Sau 4 năm đại học cô thuận lợi giành tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành trồng trọt của trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội mà chẳng phải vất vả khó khăn gì

Những ngày đầu tiên sau khi ra trường, cô dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà cùng bố mẹ và chị gái. Chị gái hơn cô 3 tuổi, đã có công việc ổn định tại một Sở ở Hà Nội và cũng đang chuẩn bị về nhà chồng với anh người yêu 4 năm đại học rồi. Nên lúc này bố mẹ tập trung toàn bộ tâm trí và thời gian cho chị gái mà lơ là với cô, kệ cô thích làm gì thì làm cũng được. Mọi người nghĩ cô vẫn còn là một đứa trẻ, chưa hiểu sự đời vì suốt 4 năm đại học chẳng thấy cô chơi bời hay cặp kè anh nào nên bố mẹ yên tâm lắm, chẳng lo nghĩ gì về cô cả. Bố mẹ dạo này chỉ tập trung vào đối ngoại với nhà thông gia tương lai, chuẩn bị mời họ hàng anh em và lo các thứ cho đám cưới của chị gái cô thôi.

Mà cô thấy thế cũng thoải mái. Cô tha hồ đi xả stress cùng hội bạn bè, nằm dài ở nhà và mơ mộng về một tương lai đầy mầu hồng mà chẳng bị ai quấy rầy hay làm phiền gì cả.

Nhưng cô cũng chưa có định hướng về tương lai mình sẽ làm gì, làm ở đâu, công việc sau này thế nào?

Nhiều lúc cô cũng suy nghĩ ghê lắm, nhưng rồi cô lại thôi và tự nghĩ: Mình còn trẻ mà, làm gì cũng được, thuận theo tự nhiên đi.

Ai Cho Phép Anh Yêu Em Như Vậy? (Phần 1)

Nhưng rồi những ngày tháng vô tư của cô cũng kết thúc sớm. Chị gái cô đã yên bề gia thất về nhà chồng rồi. Bố mẹ bắt đầu quay sang cô. Một hôm bố đi làm về và bảo cô:

– Ba ngày nữa con đến làm tạm ở Phòng Nông nghiệp huyện xem thế nào, rồi dần dần bố lo.

Cô thoáng nghĩ trong đầu: Là đi làm ở một cơ quan gần giống chỗ bố làm nhỉ? Nghe cũng có vẻ phù hợp với chuyên môn của mình. Nhưng cô vẫn bảo bố:

– Bố để con suy nghĩ thêm mấy hôm được không ạ? Con vừa mới ra trường xong.

Bố cô hơi bất ngờ về phản ứng của cô con gái vốn nhu mì, ngoan hiền, bố bảo:

– Con chưa muốn đi làm thì để bố bảo người ta, thôi con cứ nghỉ ngơi thêm ít hôm, khi nào sẵn sàng đi làm thì bảo bố.

Đúng là bố mẹ cô cưng chiều cô nhất. Cô cũng định nghỉ ngơi thêm vài ngày rồi đi làm theo lời bố nói.

Định thế rồi mà mọi việc không như thế cho. Đùng một cái, cô biết được thông tin, nhà nước đang có chương trình kêu gọi các tri thức học đại học xong, về các vùng xa, vùng miền núi công tác, những người học các ngành nông nghiệp như cô thì càng được khuyến khích. Chẳng hiểu sao khi nghe được chương trình này cô lại cảm thấy hào hứng vô cùng. Cô tưởng tưởng ra mình sẽ đem tất cả những kiến thức, đam mê và tuổi trẻ của cô để cống hiến và giúp cho một vùng đất nghèo xa xôi nào đó được thay đổi, được tốt đẹp hơn. Như một luồng gió mới vô cùng tươi mát và trong trẻo, giúp cho một vùng quê nào đó vì thế mà mát mẻ, xanh tươi hơn. Cô thấy vui và cảm nhận rõ rệt một khí thế và khát khao của tuổi trẻ đang hừng hực cháy trong người cô.

Cô quyết tâm ghi danh và đòi đi bằng được.

Bố mẹ, chị gái đều khuyên can nhưng không làm thay đổi được ý chí của cô.

Vốn yêu chiều cô con gái, bố mẹ mặc dù không đồng tình nhưng cũng không nỡ dùng những biện pháp cực đoan với cô. Cuối cùng cũng phải đồng ý chấp nhận theo nguyện vọng, để cô ghi danh vào danh sách. Và vì ông nghĩ  rằng, thôi cứ để cô đi, cô đã quen với cuộc sống ở Hà Nội từ nhỏ rồi, lên đó thời gian ngắn cô sẽ chán, sẽ đòi về thôi. Lúc ấy công việc của cô ông vẫn có thể sắp xếp được thuận lợi mà chẳng phải vất vả nịnh nọt cô làm gì. Bố nghĩ, cứ cho cô đi trải nghiệm 1-hai năm cũng tốt.

Việc mà bố cô làm được là bằng mối quan hệ của mình để cô được điều đến một xã không quá xa Hà Nội.

Thế rồi cũng đến ngày cô tạm biệt gia đình để về cơ quan nhận công tác mới. Trước hôm đi bố mẹ đã chuẩn bị và dặn dò cô bao nhiêu thứ. Mà đâu biết rằng tâm trí của cô lúc đó còn đang mải mê tưởng tượng ra những con đường ngoằn ngèo thơ mộng, những cánh đồng và những cánh rừng đẹp tuyệt vời trước hoàng hôn, đâu để tâm được bố mẹ nói những gì!

Sáng hôm sau, cô đem theo hành lý, ngồi trên chuyến xe khách từ Hà Nội đến nơi mà cô sẽ làm việc với một tâm trạng lâng lâng khó tả.

Mặc dù đã liên hệ trước nhưng cô vẫn rất hồi hộp, không biết cơ quan đó như thế nào, mọi người ra sao? Hàng trăm câu hỏi diễn ra trong đầu cô. Cô suy nghĩ miên man và thiếp đi trong một giấc ngủ chập chờn.

Sau hơn hai tiếng đi xe khách, cuối cùng cô cũng về tới trung tâm của huyện. Từ trung tâm huyện này cô sẽ phải vào xã, cách đó khoảng 9-10km nữa cơ. Cô gọi một chiêc taxi để đi. Con đường vào xã cũng không quá rộng nhưng được đổ bê tông, đi lại khá thuận lợi, hai bên đường là nhà dân và những cánh đồng thật, nhưng nó khác xa với tưởng tượng của cô lắm.

Sau gần 30 phút đi taxi thì cô cũng vào đến UBND xã rồi. Cô đứng trước cổng UBND xã tần ngần một lúc, hơi run vì dù sao thì đây cũng là lần đầu tiên cô đi làm và lại đi làm ở một nơi xa xôi như thế này.

Hít thở một hơi thật sâu, cô đi vào sân của UBND xã. Một ngôi nhà hai tầng không quá cũ kĩ, rất gọn gàng sạch sẽ. Cô quan sát thấy mọi người đều chăm chú làm việc, cô đứng tần ngần một lúc ngoài sảnh thì nhìn thấy Văn phòng UBND xã. Cô bước vào, đặt vali, ba lô xuống, lấy trong balo quyết định nhận việc ra và tiến tới trình bày với một chị văn phòng khá lớn tuổi đang ngồi cặm cụi đánh máy. Chưa để cô trình bày, chị ấy đã hỏi:

– Em là Tú, Diệu Tú phải không? Hôm nay em về nhận công tác? Chị mời em sang đây báo cáo với đồng chí Phó chủ tịch UBND xã nhé. Đồng chí Chủ tịch hôm nay đang đi họp vắng nhà.

– Dạ vâng.

Cô sửa soạn chút quần áo cho ngay ngắn, búi lại tóc gọn gàng rồi đi theo chân chị sang phòng lãnh đạo xã. Chị ấy đưa cô đi qua sảnh của ngôi nhà, qua hai phòng nữa là đến phòng Phó CT UBND xã.

Ai Cho Phép Anh Yêu Em Như Vậy? (Phần 1)

Cô bước vào phòng, một anh Phó Chủ tịch UBND xã còn khá trẻ so với tưởng tượng của cô (cô tưởng tượng ra các lãnh đạo địa phương đều phải có tuổi rồi), đang ngồi ở bàn làm việc. Thấy cô bước vào, anh ngừng làm việc đi ra bàn uống nước, ngồi xuống, lịch sự rót một ly trà nóng mời cô.

– Em uống nước đi. Em là Tú phải không? Địa phương đã nắm được thông tin hôm nay em lên nhận công tác nhưng đồng chí Chủ tịch có việc đi vắng nên giao cho anh ở nhà đón em. Em đi từ Hà Nội lên thấy có xa lắm không? Có mệt không?

Một giọng nói khá trầm ấm, nghe có vẻ cứng rắn, khô khan, trái ngược hẳn với vẻ bề ngoài khá trắng trẻo và thư sinh của anh Phó Chủ tịch xã làm cô ấn tượng. Cô cười cười trong bụng: Làm sao lại có sự đối lập như vậy nhỉ?

Sau những câu chào hỏi xã giao, anh gọi chị Văn phòng sang và bảo chị gọi thêm mấy người nữa, đưa cô đi ăn cơm. Bữa cơm đầu tiên ở một nơi xa lạ, với những người xa lạ làm cô cảm thấy khá gượng gạo và khó xử. May mắn Anh Phó Chủ tịch liên tục khơi chuyện để cô có thể kết nối, nói chuyện với mọi người một cách tự nhiên hơn.

Sau bữa cơm anh bảo chị Văn phòng:

– Chị đưa Tú tới chỗ ở nhé, chắc em ấy chưa biết nhà.

Trước khi lên đây thì bố mẹ cô cũng đã liến hệ nhờ người quen nhờ tìm cho cô một căn phòng trọ gần chỗ làm để cô tiện đi lại và cũng đảm bảo an toàn cho cô vì cô sẽ chỉ sống ở đây một mình.

Nhưng chị Lệ có vẻ rất bối rối, chị ngập ngừng bảo:

– Báo cáo anh, chiều nay chị có một hội nghị phải về gấp ngay bây giờ, hay cứ để em ấy lên cơ quan, xong việc chị đưa về?

Cô đứng bên cạnh cũng lí nhí:

– Vâng, anh cứ để em lên cơ quan cũng được ạ.

Nói thể thôi nhưng cô mệt rã rời rồi, giờ có lên cơ quan cũng không biết vạ vật ở đâu, cô cũng sốt ruột, muốn về chỗ ở còn sắp xếp đồ đạc, chỗ ở để ngày mai đi làm nữa.

Anh dường như nhận ra những suy nghĩ trong đầu cô, xua tay bảo:

– Thôi thế chị Lệ cứ lo công việc đi, tôi đưa Tú về nhà một lát rồi anh về cơ quan cũng được.

Cô hơi ngại nhưng nghĩ đoạn đường chắc cũng gần và cũng do mệt quá rồi, ở đây chẳng biết ai nên cô nhanh chóng vượt qua nỗi ngại của mình mà ôm hết đồ đạc trèo lên xe anh. Lúc đầu thì anh và cô định sẽ kẹp vali của cô ở giữa nhưng không được, thế là phương án vaili chằng ra sau xe. Và chính phương án này đã rút ngắn khoảng cách giữa cô và anh. Lần đầu tiên cô ngồi sau xe máy một người đàn ông xa lạ ở một khoảng cách gần như vậy. Cô đỏ bừng mặt, cố gắng ghì tay để giữ khoảng cách với cái lưng của anh. Còn anh thì vẫn cứ vô tư ngồi thoải mái, cô muốn bảo anh ngồi nhích lên trên một chút để cô ngồi thoải mái hơn nhưng thấy ngại quá nên lại thôi. Con đường xốc xếch, mỗi lần gặp ổ gà cái xe lại lắc lư, chồm lên, làm cô dù cố gắng ghì tay nhưng người vẫn chạm nhẹ vào lưng áo của anh, cô ngồi sau ngại đỏ mặt nhưng anh vẫn vô tư, như thế không hề để ý cô ngồi sau như thế nào.

Đi được một lúc, anh bảo: 

– Gần tới nhà rồi nhé.

Cô mừng thầm trong bụng, lạy trời, cuối cùng cũng đến rồi, cô sắp ngạt thở, không thể thở nổi nữa rồi đây này.

Nhưng không, kiếp nạn chưa hết, vừa nghĩ thế thì bỗng kít, toàn bộ người cô đổ nhào vào lưng anh, hai tay cô vô thức ôm chặt hai bên eo anh, mặt cô dúi dụi vào lưng anh. Thì ra anh đang đi thì có hai bé đi học đi xe đạp lao từ trong ngõ nhỏ ra, suýt chút nữa thì anh đâm vào hai bé rồi. Sau cú phanh xe khiến cô suýt té ra ngoài đó, anh dừng hẳn lại. Ngoái lại nhìn thấy cô mặt đỏ tía tai, đang bối rối điều chỉnh lại tư thế ngồi, anh mỉm cười tinh nghịch hỏi:

– Em có sao không?

Cô ngại ngùng và nhìn anh, bất ngờ chạm phải ánh mắt tinh nghịch như đang trêu chọc của anh, tự nhiên cô thấy tức và ấm ức như vừa bị anh ức hiếp vậy. Cô nghĩ, tưởng thế nào, cũng cơ hội ghê, thật đáng ghét. Nhưng cô không biết thể hiện cái sự giận dỗi của mình ra thế nào cho phải, vì anh còn đang giúp cô mà nên đành nén lại, lắp bắp: “Không ạ” và điều chỉnh lại tư thế ngồi ngay ngắn như lúc đầu. Còn anh ngoái nhìn hai bé vẫn vô tư đi tiếp, lăc đầu:

– Đấy, trẻ con ở quê nó đi xe thế đấy em a, nguy hiểm quá.

– Vâng, – cô trả lời ậm ừ anh cho qua câu chuyện và mong sao thật nhanh đến nơi cô trọ.

 

(Còn tiếp)

 

© TrangHa – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Có Những Cuộc Gặp Gỡ, Ngoảnh Đầu Lại Chỉ Còn Là Kí Ức | Blog Radio


Để lại một bình luận