Bức thư bỏ lỡ ở tháng năm học trò


blogradio.vn – Có thể nó chỉ muốn từ biệt tôi hoặc tâm sự gì đó với tôi về quyết định đi hay ở lại của chính nó. Tôi giả vờ như không hiểu ý nó hoặc tôi thật sự đã hiểu sai theo ý rằng nó muốn tỏ tình với tôi và muốn chúng tôi phát triển tình cảm khi lên Đại học.

***

Có những con người những kỷ niệm luôn làm ta mỉm cười mỗi khi giật mình nhớ lại. Thời gian liệu sẽ rửa trôi làm nhạt phai tất cả những ký ức mong manh của con người hay hằn sâu thêm nhiều nỗi niềm vào đó?

Hôm nay tôi có việc đi ngang qua trường cấp ba cũ đúng ngay lúc học sinh tan học ra về. Tiếng nói, tiếng cười, gọi nhau vang cả một góc phố kéo tôi về mùa hè năm đó, năm tôi mười tám tuổi.

Buổi học cuối cùng của năm học lớp mười hai kết thúc, tuy là buổi học cuối cùng nhưng chẳng có đứa nào tập trung đầu óc tâm trí vào việc học. Thầy cô cũng hiểu chung cùng tâm trạng của chúng tôi nên chủ yếu dặn dò thêm các ý chính và cổ vũ chúng tôi dành thời gian trước kỳ thi ôn tập thêm. Sau đó chúng tôi dành thời gian trao cho nhau vài trang lưu bút, mặc dù đã làm từ sớm nhưng nhiều đứa vẫn chưa biết viết gì vào lưu bút cho đứa kia khi có quá nhiều điều để nhắn nhủ nhau trong khi chỉ có một trang giấy trắng. Vài đứa trêu đùa chạy đuổi nhau qua các dãy bàn học, tiếng trống trường vang lên giòn giã, chúng tôi bỗng im lặng hẳn ai nấy lặng lẽ thu xếp sách vở ra về mà trong lòng ngổn ngang. Còn tầm đâu hai tuần nữa là kỳ thi Đại học bắt đầu (hồi đó chúng tôi thi tách biệt hai kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và Đại học), đứa nào đứa nấy áp lực đè nặng trên vai mà chẳng biết nói gì với nhau vào giờ phút chia tay ấy, trong khi thường ngày thì chuyện trò rào rào như họp chợ. Mấy hôm sau là ngày lễ bế giảng năm học, ngày ấy điện thoại không có chức năng chụp ảnh, mà cũng không có điều kiện được chụp ảnh kỷ yếu với váy áo như bây giờ. Vẫn y nguyên bộ đồng phục đã theo chúng tôi cả ba năm học, cả lớp chụp chung với thầy cô vài kiểu ảnh rồi những nhóm nhỏ thân thiết cùng chụp chung.

Tôi lặng lẽ dắt xe ra về, vừa ra khỏi cổng thấy Ngọc đứng đó vẫy tay gọi tôi qua ở phía bên kia đường.

– Duy cầm lấy đi, nhưng thi xong hãy mở nha. Chúc chúng ta gặp thật nhiều may mắn.

Tôi đưa tay cầm lấy chiếc hộp nhỏ.

– Ngọc cũng thi tốt nha.

Thế là chúng tôi chia tay nhau ai đi đường nấy. Về đến nhà tôi cũng không nghĩ xem trong hộp có gì mà đặt nó lên giá sách trong phòng. Vì tôi biết Ngọc có thói quen tặng quà cho mọi người, dù nhỏ như cây kim hay to như cột đình nó cũng gói ghém cẩn thận. Nó nâng niu từng món quà gửi đến bất cứ ai và đây cũng chẳng phải lần đầu tôi nhận được hộp quà nhỏ xinh từ con bạn thân nên chẳng chút tò mò. Nó bảo sao nghe vậy, thi xong rồi mở.

buc thu bo lo o thang nam hoc tro (2)

Ngọc ngồi sau tôi suốt cả ba năm học cấp ba. Trong mắt tôi Ngọc là nhỏ bạn ưa nhìn, có nét ngây ngô và khá nhút nhát. Tôi nhớ năm học lớp mười mới bắt đầu, các bạn trong lớp vẫn chưa quen thân nhau, có lần Ngọc lên kiểm tra miệng đầu giờ đúng hôm không thuộc bài nên bị điểm kém, nó về nấp sau lưng tôi khóc cả tiết học đó. Tôi thì lặng lẽ vòng tay ra sau đưa lên mặt bàn nó tờ giấy có vài nét vẽ nguệch ngoạc với hi vọng an ủi được nhỏ bạn mới quen. Tiết học sau nó đưa tôi viên kẹo kèm theo lời cảm ơn. Ngọc rất chăm học mấy môn xã hội còn tôi thì môn nào cũng lười nên thường xuyên mượn vở nó chép bài tập về nhà. Tôi nhớ có lần tôi không cẩn thận làm rách chút xíu trang vở của nó mà nó cấm cửa tôi một tuần không được chép bài làm tôi khốn đốn. Tôi nghĩ bụng: “Tụi con gái chắc mắc bệnh giữ sách vở thẳng căng sạch sẽ”, xong tôi ngó qua vở nhỏ Hương ngồi cạnh liền đập tắt ngay ý nghĩ đó, chắc đó là bệnh của riêng Ngọc thôi. Những dấu ấn riêng của Ngọc cứ từ từ ngấm dần vào tâm trí tôi mỗi ngày một ít làm tôi cũng xuất hiện nhiều thói quen giống giống Ngọc. Chúng tôi có suy nghĩ cùng hành động cũng hợp rơ nhau từ lúc nào không hay. Tôi giật mình phát hiện ra điều đó khi thằng Hiếu ngồi trên tôi vô tình làm rách của tôi một trang sách mà sau đó tôi mắng nó xối xả, nếu là tôi trước khi quen Ngọc thì đó chỉ là chuyện cỏn con. Hay như lần chúng tôi cùng chung ý tưởng trong bài tập mĩ thuật theo chủ đề. Tôi cũng không biết là chúng vốn dĩ đã có vài điểm tương đồng để rồi thân thiết hơn hay vì thân thiết hơn nên mỗi người thay đổi một chút để bổ sung lẫn nhau.

Có những hôm tôi đến muộn chẳng kịp mua ăn sáng, Ngọc đã để dư ra một phần cho tôi. Mới đầu tôi cũng khá ngạc nhiên khi lần nào tôi đi muộn nó cũng như biết trước. Tôi hỏi mãi nó mới chịu nói, thì ra sáng nào trên đường đến trường nó cũng đi qua nhà tôi, nếu ngó vào trong sân vẫn thấy xe đạp của tôi là nó biết chắc tôi sẽ muộn nên mua thêm phần quà sáng. Còn việc vì sao nó biết tôi thích ăn gì thì nó bảo do lần nào tôi cũng mang quà sáng vào lớp lén lút ăn trong mười lăm phút đầu giờ nên nó đoán được. Nó có đòi tiền tôi chứ không gì là miễn phí, nhưng tôi rất cảm kích khi không phải để bụng đói qua mấy tiết học.

Hè năm lớp mười chúng tôi cùng nhau tham gia trại hè và trở nên thân thiết hơn. Sang năm học lớp mười một tôi bảo nó qua nhà gọi tôi để tôi đỡ mất công đến muộn, phần vì thầy Hùng chủ nhiệm sẵn sàng phạt nặng những đứa đi học muộn chứ không đầy tình thương ấm áp như cô Lan chủ nhiệm năm trước. Hôm đầu nó qua nhà gọi, tôi còn không nghe thấy âm thanh gọi tên tôi cất lên, đi ra đã thấy nó đứng chờ sẵn ở cổng. Hôm đó chúng tôi đạp vắt chân lên cổ may không muộn giờ.

Tôi trách nó sao đến mà không gọi nó bảo: Tôi sợ gọi to hàng xóm hay bố mẹ bạn nghe thấy nhìn ra tôi ngại”.

Tôi chỉ biết ôm bụng cười, sau đó tôi mua cho nó cái còi nhỏ, sáng sáng cứ nghe thấy tiếng còi là tôi nhanh chóng chạy vụt ra cổng, cùng nhau đến trường. Ngọc tuy là con gái nhưng rất gan dạ, tuy tôi không sợ chim chuột ruồi bọ rắn rết nhưng lại sợ bóng tối. Lớp học thêm của chúng tôi ở trong một con ngõ nhỏ rất tối nên dù tôi học lớp toán muộn hơn Ngọc học lớp văn nhưng tôi sẵn sàng đi sớm chờ nó ở đầu ngõ rồi cả hai cùng vào. May mắn sao dù tôi không nói gì nhưng nó cũng đợi tôi tan học rồi cùng ra về. Sau này tôi được hưởng con xe đạp điện của ông anh không dùng đến nên tôi qua nhà đón nó cùng đi học để hai đứa không phải gù lưng đạp xe mỗi ngày gió lớn. Thực lòng lúc đó tôi đơn giản nghĩ rằng tôi đi xe đạp điện thì nhanh để nó đạp theo cũng hơi kì. Không biết từ bao giờ chúng tôi như hình với bóng, đi đâu cũng cặp ké rủ nhau cùng đi.

buc thu bo lo o thang nam hoc tro

Nghĩ lan man một hồi tôi quay về với thực tại, chạy xe về đến nhà trên tay là ít cam vừa mua lúc ghé qua chợ. Mẹ hỏi:

– Khi nào con lên lại thành phố để mẹ chuẩn bị ít đồ cho cầm đi.

– Chắc tầm ba hôm nữa mẹ ạ.

Tôi vào phòng lấy trong ngăn kéo ra quyển sổ lưu bút năm nào ngồi ngắm nghía hồi lâu bất giác mỉm cười. Đã qua nhiều năm như thế nhưng ba năm học cấp ba để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc: nét ngây ngô vô tư của tuổi mới lớn mà giờ đây dù muốn thế nào tôi cũng chẳng thể tìm lại được. Thời gian qua, con người không những tuổi tác tăng lên, ngoại hình thay đổi mà đến cả tâm tình cũng dày dặn chai sạn bởi những sóng gió lúc to lúc nhỏ, lúc ồn ào lúc dịu êm của cuộc đời. Khi ánh mắt tôi chạm phải bức ảnh của tôi và Ngọc chụp chung trong buổi lễ Khai giảng lớp mười hai, ký ức xưa vốn dĩ róc rách như khe suối nhỏ bỗng đổ về ào ạt như thác nước bao phủ tâm trí tôi.

Ngày đó, trong lớp cũng có tụi bạn thỉnh thoảng trêu chọc chúng tôi là một đôi khi lúc nào cũng thấy chúng tôi kè kè cạnh nhau, tôi liền gật đầu đồng ý. Vì tôi biết tụi này kỳ lạ lắm, khi tôi cũng đồng tình với điều chúng nó nói thì chúng nó sẽ chẳng thèm đả động gì đến điều đó thêm lần nào nữa. Nhưng nếu như tôi cứ cố thanh minh giải thích là chúng nó càng được đà làm tới. Ngọc thì không như tôi. Lúc đầu nó cũng vất vả xua tay lắc đầu, lúng túng giải thích đầu đuổi câu chuyện, nhưng câu chuyện chúng tôi thân nhau như thế nào và từ khi nào thì không có đầu mà chưa có đuôi nên chẳng thể nào giải thích được cho rõ ràng. Rồi qua vài lần như vậy nó cũng thấy cách làm của tôi hiệu quả nên cũng hùa theo luôn.

Kỳ thi Đại học kết thúc, tôi lên đường đi phượt cùng ông anh suốt cả mùa hè, mà quên luôn chiếc hộp nhỏ vẫn nằm im lìm trên giá sách. Có kết quả thi Đại học tôi vẫn đang lang thang trên các bản làng của vùng núi Tây Bắc chưa muốn về. Do tôi chỉ đăng ký nguyện vọng vào duy nhất một trường mà tôi nghĩ chắc mình sẽ đỗ nên hồ sơ cũng đã chuẩn bị đầy đủ để bố mẹ ở nhà gửi đơn đăng kí nhập học.

Hôm tôi về cũng đã là những ngày cuối cùng của kì nghỉ hè, hội bạn rủ nhau đi ăn liên hoan chúc mừng và chia tay nhau luôn, vì tới đây rồi mỗi đứa một ngả không biết khi nào mới có dịp tụ tập đông đủ. Tôi bỗng giật mình nhớ ra chiếc hộp nhỏ của Ngọc. Thì ra là một bức thư, tôi đọc xong hồi lâu mà tinh thần vẫn chưa tỉnh táo hẳn. Mọi chuyện lỡ làng một phút giây thì không có cách nào quay lại.

“Thi đại học xong, hai tuần sau mình sẽ quyết định xem có vào Sài Gòn định cư theo bố mẹ không? Mình chờ Duy ở quán trà sữa chúng mình hay ngồi ôn bài nha.” Tôi liền nhắn tin hỏi vài đứa bạn thì đúng là Ngọc đã chia tay tụi đó để vào Sài Gòn cùng gia đình.

Lúc tôi đọc được thì thời gian đã qua ngày hẹn cả tháng trời. Tôi định nhắn tin cho Ngọc nhưng lại không biết nói gì. Nếu nói rằng tôi xin lỗi vì đã quên mất chiếc hộp nhỏ thì liệu có làm tổn thương nó, vì phải chăng điều đó cho thấy tôi chẳng coi trọng lời nó dặn cũng như món quà nó tặng, mặc dù đó hoàn toàn không phải ý muốn của tôi. Tôi biết Ngọc gửi nó cho tôi thì với Ngọc nó thật sự rất quý giá, mà có ai lại không buồn khi thứ mình trân quý bị người ta quên mất. Hay tôi nhắn hỏi Ngọc vào Sài Gòn ổn định hay chưa? Nếu vậy Ngọc có nghĩ đó là lời hỏi thăm sáo rỗng khi tôi đã không đến chỗ hẹn cũng không lời từ chối để nó chờ đợi. Tôi tự trách mình rằng tại sao suốt cả khoảng thời gian đi phượt tôi lại quá đắm chìm trong cảm giác giải toả những căng thẳng kéo dài do chuẩn bị cho kì thi Đại học và hoà mình vào những cảnh đẹp ngây ngất của núi rừng Tây Bắc mà không một lần chủ động liên lạc với nó. Nếu tôi nhắn tin hỏi thăm Ngọc có lẽ nó sẽ hỏi tôi đã mở món quà hay chưa và nó sẽ hiểu tôi không đến chỗ hẹn là vì tôi không hề hay biết chứ không phải vì tôi từ chối nó.

Nhưng rồi tôi cố nghĩ rằng bức thư không hẳn là lời tỏ tình, cũng có thể tôi đã nghĩ nhiều hơn ý nghĩa mà Ngọc muốn nhắn. Có thể nó chỉ muốn từ biệt tôi hoặc tâm sự gì đó với tôi về quyết định đi hay ở lại của chính nó. Tôi giả vờ như không hiểu ý nó hoặc tôi thật sự đã hiểu sai theo ý rằng nó muốn tỏ tình với tôi và muốn chúng tôi phát triển tình cảm khi lên Đại học.

Sau đó vài tháng tôi có nhắn tin cho Ngọc hỏi thăm như những người bạn cũ mà coi như chưa từng đọc đến lá thư của nó. Nó cũng trò chuyện với tôi như những người bạn thân, như cách chúng tôi vẫn chơi với nhau mấy năm qua.

Tôi tiếp tục ở lại Hà Nội học Đại học mà trong lòng cứ ngổn ngang hàng nghìn ký ức ẩn hiện. Tôi suy nghĩ rất nhiều về tình cảm của mình. Nếu tôi không biết Ngọc thích tôi thì liệu tôi có nghĩ về nó nhiều như thế. Vài lần tôi ăn mấy món quà sáng quen thuộc cũng vô tình tự cười mà nhớ đến nó. Nhiều lúc đứng trước con đường tối tôi bất giác nhớ đến tiếng cười vô tư của nó. Tôi cũng thích nó hay đó chỉ là tình cảm bè bạn thân thiết bao năm tháng qua gom góp đọng lại trong trí nhớ khó có thể xoá nhoà. Nhưng tôi biết khi tôi nhìn thấy nó hay nghĩ về nó, trái tim tôi không hề loạn nhịp. Đó đơn giản chỉ là một cảm giác ấm áp thân thuộc như nghĩ về gia đình thân yêu. Liệu suốt một năm qua sự vờ như không biết của tôi có làm Ngọc phiền lòng, tôi thật sự yêu quý nó đơn thuần như đứa bạn đã cùng tôi đi qua những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi mới lớn. Có khi nào nó đã nhầm tưởng sự thân thiết của chúng tôi là những rung động đầu đời? Tôi không thể nào tự trả lời những câu hỏi đó.

buc thu bo lo o thang nam hoc tro (3)

Kì nghỉ hè năm nhất Đại học, tôi nhắn tin cho Ngọc nói muốn vào trong Sài Gòn du lịch một chuyến. Tôi không ngờ nó còn hào hứng hơn cả tôi, nó bảo tôi cứ yên tâm giao cho nó thu xếp mọi thứ. Điều đó làm tôi hơi lo sợ, liệu nó có nghĩ lệch đi ý định của tôi và tự cho chính nó một tia hi vọng cho mối quan hệ của chúng tôi.

Hôm nó đón tôi ở sân bay, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nó bây giờ mang dáng vẻ của một thiếu nữ. Khác hẳn nhỏ bạn mà tôi vẫn nhớ như in trong những trang ký ức xưa cũ với bộ quần áo đồng phục, buộc tóc gọn gàng mỗi khi đến trường hay áo phông quần sooc xoã tóc ngang vai mỗi khi không phải đến trường. Suốt quãng đường từ sân bay về nhà nó, nó cứ huyên thuyên suốt dọc đường đúng chất chủ nhà đang tiếp một người bạn thân lâu ngày không gặp. Bố mẹ nó đồng ý cho tôi ở lại nhà chung phòng với em trai nó vì hai bác cũng biết rõ chúng tôi từng thân thiết ra sao. Suốt những năm tháng cấp ba cũng không ít lần tôi ăn ké cơm trưa ở nhà nó. Tôi chào hỏi hai bác rồi mang hành lý của mình về phòng. Nó chẳng để tôi kịp sắp xếp lại suy nghĩ của mình đã lôi tôi đi tham quan phố phường tấp nập. Cái nóng ở Sài Gòn cũng khác hẳn cái nóng ngoài Hà Nội, nắng nóng nhưng cảm giác không khí thoát gió, đôi khi lại có một vài cơn mưa nhanh đến nhanh qua. Hà Nội oi bức ngột ngạt hơn, cái nóng hầm hập nung nấu mọi thứ. Chúng tôi lang thang đâu đó tầm hơn hai tiếng đồng hồ rồi nó kéo tôi vào một nhà hàng ăn tối:

– Mình muốn giới thiệu với Duy bạn trai mình.

– Bạn trai?

Trong thoáng chốc tôi nghĩ nhỏ này thật vô tình, nó thích mình mà mình còn chưa kịp trả lời rõ ràng nó đã chạy theo chàng trai khác. Tôi cũng không ngờ bầu không khí của bữa ăn hôm đó dễ chịu hơn tôi nghĩ. Ba chúng tôi chuyện trò như những người bạn thân lâu ngày không gặp. Nhìn nó và anh bạn trai trao nhau những cử chỉ thân mật, tôi thấy vui lây vì nó giờ tươi tắn tự tin hơn trước nhiều, và vì nó chẳng còn ôm ấp tình cảm gì ngoài tình bạn với tôi. Điều đó làm tôi thoải mái hơn nhiều khi đối diện với nó mà không phải lăn tăn mãi nghĩ suy trong lòng rằng tôi nên làm thế nào để không mất đi nhỏ bạn thân này.

Tôi ở chơi mấy ngày, tham quan hết những địa danh nổi tiếng Sài Gòn. Lúc tiễn tôi ra sân bay, nó chủ động ôm tôi. Ngọc lại nhét vào tay tôi một chiếc hộp nhỏ dặn lên máy bay hãy đọc. Thế là chúng tôi tạm biệt nhau.

“Cảm ơn Duy về những năm tháng học trò.” Kèm theo đó là một cây kẹo mút vị dâu. Tôi nhìn ra những đám mây trắng xám lơ lửng trên nền trời nắng xanh ngắt một màu bất giác mỉm cười, trong lòng rộng thênh thang một cảm giác thân thuộc.

Đôi khi không phải tất cả những lần bỏ lỡ đều mang đến tiếc nuối. Nếu mùa hè năm đó tôi đến chỗ hẹn và chúng tôi quyết định tiến tới một thứ tình cảm trên tình bạn vì lúc đó tôi biết nó sắp rời xa tôi, ai mà lại không muốn giữ những thứ thân quen với mình ở bên cạnh. Rồi sau đó tôi muộn màng nhận ra tôi với nó không giống như những gì nó hi vọng, hoặc chính nó nhận ra nó đã ngộ nhận tình cảm của chính mình. Vậy có khi nào chúng tôi không chỉ bỏ lỡ nhau mà còn tự đặt dấu chấm hết cho chính tình bạn đẹp đã cùng nhau vun đắp trong biết bao ngày tháng, tình bạn đó sẽ theo chúng tôi mãi mãi đến những năm tháng sau này.

Hạ cánh tôi liền nhắn tin cho nó: “Ngọc luôn là nhỏ bạn thân nhất của tôi đó, đừng quên”.

“Cảm ơn nhỏ bạn thân, cảm ơn tuổi học trò hồn nhiên ngây dại, giờ tôi yên tâm trưởng thành rồi”. Đó là dòng chữ tôi đã viết tiếp vào quyển sổ lưu bút sau khi từ Sài Gòn trở về.

Tiếng mẹ gọi vọng vào phòng.

– Ra ăn tối Duy.

– Dạ, con ra ngay.

Tôi gấp lại quyển sổ lưu bút cất vào ngăn kéo. Dòng chảy thời gian vẫn trôi và mỗi chúng ta ai cũng có những lần bỏ lỡ nhưng không hề tiếc nuối.

Trong một khoảng thời gian nào đó đã qua rất lâu.

“Mình đã sai khi nghĩ rằng mình thích Duy và chẳng muốn rời xa cậu ấy để vào Sài Gòn học. Khi trái tim mình thật sự đập loạn nhịp vì tình yêu với một người khác – một thứ tình cảm không giống với sự quý mến mang cả tiếc nuối vì phải rời đi.”

Nhật ký Sài Gòn – một cơn mưa bất chợt.

© Ly Ty – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Hồi Ức Hoa Dã Quỳ – Quay Về Bên Nhau | Phần Cuối | Blog Radio