Lời tòa soạn:

Mặc dù có sự khác biệt với khu dân cư truyền thống nhưng ở các chung cư cao tầng nơi phố thị, “tình làng nghĩa xóm” vẫn ươm mầm, phát triển. Nhiều câu chuyện cảm động về quan hệ giữa các gia đình, cá nhân sống trong chung cư đã làm ấm lòng bao người.

VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài viết về “Nghĩa tình ở chung cư”. Mời độc giả cùng tham gia nêu ý kiến, chia sẻ thêm những trải nghiệm của mình về văn hóa “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau” ở các khu chung cư. Bài viết xin gửi về địa chỉ: Bandoisong@vietnamnet.vn

Bài 1: Bố mất ở chung cư, hành động của hàng xóm khiến người con U50 ‘lặng người’

Cả tầng ăn cưới cô hàng xóm

Nhiều năm sống ở chung cư Hà Nội, Dương Thu Hoài (SN 1998, quê Nam Định, nay là tỉnh Ninh Bình mới) nói vui: “Tôi có số ở chung cư vì chuyển đến tòa nào cũng gặp hàng xóm vui vẻ, thân thiện”. 

Năm 2022, Hoài cùng chị gái ruột chuyển về một chung cư ở Hà Đông (Hà Nội). Tầng của cô có 10 hộ, đều là những cặp vợ chồng trẻ từ nơi khác đến Thủ đô.

anh 1.jpg
Thu Hoài có một hôn lễ đáng nhớ ở chung cư

Hàng xóm của Hoài đều là người cởi mở, hòa đồng. Sống chung một không gian, hưởng chung các tiện ích, mọi người rất gần gũi và thân thiết. Đó là một phần lý do cô quyết định làm lễ đón dâu tại chung cư.

Thu Hoài kết hôn cuối năm 2024. Đám cưới được tổ chức tại nhà gái với đầy đủ các lễ nghi truyền thống. Ngày đó, hàng xóm ở cả chung cư cũ lẫn chung cư mới đều về quê chung vui với Hoài, ngồi kín hai mâm cỗ.

Khi làm đám cưới tại nhà trai, Hoài không muốn chú rể về tận quê đón dâu nên quyết định làm lễ ở chung cư. Chưa kể, với Hoài, nơi đây là căn nhà thứ 2 của cô, hàng xóm cũng giống như họ hàng thân thích.

anh 2.jpg
Hoài được hàng xóm chung cư hỗ trợ chuẩn bị hôn lễ 
anh 3.jpg
Chú rể đến đón dâu và thực hiện thử thách dễ thương

Quyết định của Hoài được cả “xóm” ủng hộ. Lá đơn xin phép ban quản lý tòa nhà có đủ chữ ký của 10 chủ hộ cùng tầng. “Tôi được hàng xóm và cư dân tòa nhà hỗ trợ hết mức. Các chú bảo vệ giúp khóa thang máy, dành 1 thang để 2 họ di chuyển. 

Hàng xóm giúp tôi sửa soạn hôn lễ. Người cắm hoa, trang trí phông nền, người giúp lắp biển tên cô dâu, chú rể bằng đèn led… Có một chị thường nhận dọn nhà theo giờ, hôm ấy nhất định dọn giúp tôi mà không nhận tiền công”, Hoài xúc động kể.

Ngày đón dâu, quan viên hai họ khoảng 50 người đến dự. Hàng xóm cho Hoài mượn từ cái quạt, phích nước cho đến kệ treo váy cưới. Các chị trong xóm đon đả tiếp nước, còn các em bé xúng xính váy áo, quấn quýt bên cô dâu.

“Em bé 2 tuổi ở nhà đối diện hôm đó không nỡ xa tôi, tay níu váy, miệng ngọng nghịu nói ‘Hoài đi về…’, ý không muốn tôi đi lấy chồng. Nghe thương mà xúc động lắm”, Hoài kể.

anh 4.jpg
Em bé hàng xóm không nỡ để Hoài đi lấy chồng 

Đón dâu xong, hàng xóm lại giúp Hoài thu xếp bàn ghế, lau dọn nhà cửa, hành lang. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của mọi người, cô và gia đình bớt vất vả hơn nhiều.

“Dù đã lấy chồng nhưng nửa năm qua, tôi vẫn thường xuyên qua lại thăm chị gái và hàng xóm cũ. Mỗi lần như vậy, tôi thấy như mình được trở về nhà, một nơi rất thân quen, gần gũi”, Hoài tâm sự. 

Cả xóm rủ nhau đi du lịch

Sống ở chung cư, Hoài nhớ mãi những lần được hàng xóm giúp đỡ tận tình. Đợt dịch Covid-19 căng thẳng, chị em Hoài mới chuyển về nên chưa biết mặt hàng xóm. Mối liên kết duy nhất giữa cô và mọi người là nhóm trò chuyện qua Zalo.

anh 5.jpg
Hàng xóm ở chung cư về quê tham dự lễ cưới của Hoài

Dẫu vậy, giữa lúc cách ly nghiêm ngặt, cô vẫn được hàng xóm hỗ trợ mua đồ, “cứu trợ” từng củ tỏi, củ hành, mớ rau khi… nhỡ bữa.

“Đợt bão Yagi hồi tháng 9/2024, nhà tôi hướng Tây nên hứng trọn, mưa hắt qua cửa kính vào nhà, gió giật tưởng bung cửa. Nhà chỉ có 2 chị em, may có hàng xóm sang giúp chặn cửa, dán keo chống nước… nên mới bảo vệ được sàn gỗ”, Hoài kể.

Ở chung cư của Hoài, ai có công việc cưới xin, giỗ chạp ở quê vẫn mời hàng xóm về tham dự. Dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023, cả xóm cô còn rủ nhau về Phú Thọ vừa du lịch, vừa ghé thăm quê nhà của một người ở cùng tầng.

“Mỗi năm, chúng tôi có rất nhiều hoạt động chung. Trung thu, các nhà cùng đóng góp để tặng quà cho trẻ nhỏ, Tết cùng nhau gói bánh chưng… Hằng ngày, mọi người không ngại giúp nhau những việc như trông con, đón con, tưới cây…”.

anh 6.jpg
Cả xóm cùng gói bánh chưng Tết 

Hoài thừa nhận, dù thân nhau đến mấy thì hàng xóm láng giềng không tránh được lúc va chạm bởi những chuyện nhỏ nhặt. Tuy nhiên, “xóm” cô luôn giải quyết mọi thứ với thái độ cởi mở.

“Tầng của tôi có một cặp vợ chồng lớn tuổi hơn cả. Họ giống như anh chị lớn trong nhà, có tiếng nói với cả ‘xóm’ nên thường lên tiếng bảo ban, góp ý.

Ví dụ nhà nào vui chơi muộn quá hay có cuộc nhậu hơi sâu là anh chị sẽ nhắc nhở để mọi người biết ý hơn. Khi bị nhắc, không ai tỏ ra khó chịu, ngược lại tôn trọng và rút kinh nghiệm ngay”, Hoài kể.

Với Thu Hoài, tình nghĩa xóm làng ở chung cư luôn hiện hữu. Những thành kiến, mâu thuẫn đều có thể hóa giải nếu mọi người thực sự mở lòng và muốn có những người hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Ảnh: NVCC

Tiếng kêu cứu ở chung cư Hà Nội và hành động khiến người mẹ khắc ghi suốt đời
Tiếng kêu cứu ở chung cư Hà Nội và hành động khiến người mẹ khắc ghi suốt đời
Trong lúc cấp bách, một người hàng xóm đã lấy xe đưa mẹ con chị đi viện, những người khác giúp chị chuẩn bị quần áo, vật dụng cá nhân. Một trong số đó giúp chị chăm sóc bé lớn.