Con bé năm nay 15 tuổi, vừa thi xong vào lớp 10. Nhà tôi ở một thành phố nhỏ, trường chuyên, trường công lập cấp 3 ở đây vẫn rất có tiếng, điểm đầu vào cao và luôn là mơ ước của hầu hết các phụ huynh, trong đó có tôi. Ngay từ khi con bước vào cấp 2, tôi đã đặt mục tiêu cho con phải đỗ vào trường công top đầu, không chỉ vì danh tiếng mà còn vì đó là cách duy nhất để con được học trong môi trường tốt mà không tốn quá nhiều chi phí.

Con suốt 4 năm THCS luôn nằm trong top khá của lớp, từng đạt giải cấp thành phố môn Văn, nhưng tôi biết khả năng của con không thuộc dạng xuất sắc toàn diện. Đó là lý do tôi luôn phải nhắc nhở, thúc ép, quản lý thời gian học hành rất sát sao. Con có lúc phản kháng, than mệt đòi học môn mình thích nhưng tôi gạt đi. Tôi nói với con rằng đời không như mơ, không ai được chọn cái mình muốn nếu chưa có năng lực. Tôi nghĩ mình đang dạy con điều thực tế, nhưng có lẽ tôi đã quá cứng nhắc.

Kỳ thi vào lớp 10 năm nay, con thi không tốt. Khi điểm thi vừa công bố, tôi ngồi lặng người. Con bé trượt trường công. Điểm của con thấp hơn điểm chuẩn 1,25 điểm. Trường tư thì còn đó, nhưng học phí cao hơn rất nhiều, chưa kể chất lượng cũng không như ý.

Con gái không đủ điểm vào trường công chỉ vì 1 câu trách móc của mẹ khiến con bỏ nhà đi
Ảnh minh họa.

Buổi chiều hôm ấy, tôi về nhà, thấy con bé đang ngồi trong phòng, mắt hoe đỏ. Nó biết kết quả rồi. Tôi không kiềm được cảm xúc, buột miệng trách: “Có mỗi chuyện học mà cũng không làm được. Bao nhiêu tiền của, thời gian bố mẹ đổ vào, giờ thế này con định sao?” Con bé không nói gì. Chỉ cúi đầu, rồi lặng lẽ về phòng. Tôi cũng im lặng. Tôi giận, nhưng không muốn mắng gì thêm. Tôi nghĩ nó sẽ buồn, rồi sẽ tự suy nghĩ lại. Vậy mà đến tối, khi tôi gọi mãi không thấy con xuống ăn cơm, tôi lên phòng thì con không còn ở đó. Một tờ giấy để lại: “Con xin lỗi. Con biết con làm bố mẹ thất vọng. Con sẽ tự tìm đường riêng của mình.”

Tôi sững sờ. Không kịp suy nghĩ, tôi gọi điện thoại, nhắn tin cho con không liên lạc được. Cả đêm hôm ấy tôi và chồng chia nhau đi tìm. Tôi gần như phát điên, vừa đi vừa trách mình. Sao tôi lại nói câu đó? Sao tôi không ôm lấy con, không an ủi con khi nó đang yếu đuối nhất? Đêm muộn một người bạn thân của con nhắn về: con đang ở nhà cô bạn, không sao, chỉ muốn được yên tĩnh vài ngày. Tôi thở phào nhưng cũng chết lặng. Con gái tôi chỉ vì một câu nói, lại không còn muốn đối diện với bố mẹ. Tôi gọi cho con, nhưng con không nghe máy. Tôi nhắn tin, con chỉ đáp vỏn vẹn: “Con ổn, bố mẹ đừng lo.”

Những ngày sau đó là chuỗi thời gian tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi bắt đầu nhìn lại cách mình nuôi dạy con suốt những năm qua. Tôi luôn muốn tốt cho con, nhưng cái “tốt” ấy đôi khi lại là chiếc lồng giam hãm cảm xúc và lựa chọn của con. Tôi yêu con theo cách của một người mẹ từng trải nhưng chưa bao giờ chịu lắng nghe con gái mình đang nghĩ gì, cần gì. Tôi luôn nói “mẹ hiểu con”, nhưng thực ra chưa từng hỏi con thật sự muốn gì.

Con trượt một kỳ thi đó không phải là tận thế. Nhưng câu nói của tôi lại khiến con cảm thấy giá trị bản thân bằng một kết quả. Tôi chưa từng dạy con rằng thất bại là một phần của cuộc sống. Tôi chỉ dạy con rằng nếu không thành công, con sẽ làm bố mẹ buồn. Và tôi đã thật sự khiến con đau. Sau vài ngày, con gái tôi cũng chịu về nhà. Nhưng nó không còn như trước nữa. Ít nói hơn, hay lảng tránh ánh mắt tôi. Nó tự tìm hiểu các trường nghề, thậm chí xin đi làm thêm hè. Tôi vẫn muốn con học tiếp, nhưng lần này tôi ngồi xuống nói chuyện, lắng nghe và để con tự quyết.

Tôi biết sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái vốn rất bền. Nhưng nếu không cẩn thận, những vết xước dù nhỏ cũng có thể khiến khoảng cách ngày một lớn dần. Làm cha mẹ không phải là dạy con giỏi nhất, mà là để con biết rằng dù có ra sao, gia đình vẫn luôn là nơi con có thể trở về.

Con gái suy sụp, nhịn ăn mất ngủ, nằm lì trong phòng vì trượt lớp 10 trường côngKết quả thi không như mong đợi và điều đó đã khiến con tôi rơi vào trạng thái suy sụp hoàn toàn.

Theo Thương Trường