Con gái tôi năm nay học lớp 12, một đứa trẻ ngoan, chăm học, sống tình cảm và rất độc lập. Từ nhỏ, con đã thể hiện sự chủ động trong mọi việc, từ học tập đến các hoạt động xã hội. Thành tích học tập của con không phải xuất sắc kiểu đứng nhất lớp, nhưng luôn ổn định và nằm trong top khá giỏi. Điều khiến tôi tự hào hơn cả là ở sự chín chắn, biết suy nghĩ của con.

Từ năm lớp 11, con đã bày tỏ mong muốn được theo học ngành Quản trị kinh doanh – một ngành học hiện đại, năng động và đúng với tính cách của con bé. Nó thích lên kế hoạch, hay tìm hiểu về các thương hiệu nổi tiếng, có khi còn say mê đọc những quyển sách như “Khởi nghiệp tinh gọn” hay “Tuần làm việc 4 giờ” khiến tôi cũng bất ngờ. Tôi thấy được ở con một sự nghiêm túc, không phải là kiểu cho vui.

Thế nhưng, vợ tôi thì không nghĩ vậy. Vợ tôi là bác sĩ, người phụ nữ mạnh mẽ, nghiêm khắc và cực kỳ nguyên tắc. Cô ấy xuất thân từ một gia đình có truyền thống trong ngành y. Ba đời làm bác sĩ, nên trong suy nghĩ của cô ấy, con cái theo ngành y là điều đương nhiên, là sự lựa chọn tốt nhất. Với vợ tôi, học y là “ngành cao quý, ổn định, có tương lai rõ ràng”. Chính vì thế, khi con gái nói muốn học Kinh doanh, cô ấy phản đối: “Ngành đó toàn đua đòi ăn mặc, sống ảo. Học ra rồi thất nghiệp đầy rẫy, không có tương lai gì rõ ràng. Còn ngành y là cứu người, được tôn trọng, gia đình cũng nở mày nở mặt”.

Gia đình chiến tranh lạnh vợ nhất định muốn con gái chọn nghề bác sĩ như mẹ
Ảnh minh họa.

Tôi từng nhẹ nhàng góp ý: “Em à, ngành nào cũng có người thành công, người thất bại. Mình nên xem con có thật sự đam mê không đã. Cưỡng ép con theo điều nó không thích, lỡ nó bỏ giữa chừng thì sao?” Nhưng vợ tôi nhất quyết: “Nó còn nhỏ, chưa hiểu đời. Mình là cha mẹ phải định hướng cho con. Học y có vất vả cũng là đáng giá.” Và thế là từ đầu năm học đến nay, nhà tôi gần như không yên. Mỗi lần nhắc đến chuyện chọn trường, chọn ngành, là mẹ con lại căng thẳng. Con bé dần ít nói hơn, hay lặng lẽ, có hôm còn khóc trong phòng mà không dám chia sẻ. Tôi nhìn mà xót. Một đứa trẻ đang ở độ tuổi đẹp nhất, lẽ ra phải được khích lệ ước mơ, lại bị kìm nén chỉ vì không đáp ứng kỳ vọng của mẹ.

Tôi hiểu vợ tôi thương con. Làm mẹ, ai mà chẳng muốn con có cuộc sống ổn định, an toàn. Nhưng đôi khi, tình thương ấy lại trở thành áp đặt mà không hay. Đâu phải ai học y cũng thành công? Cũng đâu phải ai làm kinh doanh cũng thất bại? Cái chính là con có đam mê thật sự không, có dám theo đuổi đến cùng không. Tôi từng lặng lẽ hỏi con: “Nếu mẹ không đồng ý, con sẽ làm gì?”. Con bé cắn môi, nghẹn ngào: “Con không biết. Nhưng con không muốn sống cuộc đời của người khác vẽ ra. Nếu vì học ngành mẹ chọn mà con phải buồn chán suốt mấy năm đại học, con sợ bản thân sẽ không còn là con nữa.” Câu nói ấy khiến tôi chấn động.

Tôi không muốn con mình sống gò bó, học những môn mà nó không yêu thích, rồi ra trường đi làm với tâm trạng miễn cưỡng. Càng không muốn mối quan hệ giữa con và mẹ ngày càng xa cách chỉ vì một sự cố chấp của người lớn. Tôi đang cố gắng làm cầu nối giữa hai mẹ con. Tôi tìm tài liệu, dẫn vợ đến các buổi tư vấn hướng nghiệp, gặp những người trẻ đang làm trong lĩnh vực Kinh doanh để cô ấy có cái nhìn khách quan hơn. Không dễ, nhưng tôi hy vọng một ngày vợ tôi sẽ hiểu: yêu thương không phải là bắt con sống theo ý mình, mà là ủng hộ nó sống đúng với con người của nó.

Con gái tôi không muốn trở thành bác sĩ và tôi nghĩ, điều đó không có gì sai cả. Việc của cha mẹ là đồng hành, không phải ép buộc. Ước mơ của con nên được chắp cánh từ niềm tin, chứ không phải bị chặt cụt vì định kiến của người lớn. Và tôi dù khó đến đâu cũng sẽ cố hết sức để con mình được bay theo hướng nó chọn.

Em chồng chơi bời nợ nần nhưng lời đề nghị của mẹ chồng khiến gia đình tôi chao đảoDĩ nhiên tôi không chấp nhận lời đề nghị đó của mẹ chồng nên đã lời qua tiếng lại với bà. Vậy là bà đi rêu rao khắp nơi rằng tôi là con dâu bất hiếu, ích kỷ, bỏ mặc nhà chồng trong lúc gặp hoạn nạn.

Theo Thương trường