Mảnh nắng quê ngoại


blogradio.vn – Như chớp, bọn chúng gọn gàng làm sạch cá, ướp chút muối, chút tiêu, thái thêm quả ớt, gói lá chuối, đem lùi vào đống lửa. Khói đồng tan, cá cũng chín, ngồi bên mương đê, xỉa miếng cá, lắng nghe tiếng nước ào ào dưới mương, lũ trẻ làng nói cười ha hả. Trong tiếng cười đó, chúng vẫn còn vô tư lắm, chúng vẫn mơ về ngày mai.

***

Nó thương cái nắng ngày hạ, thương vạt áo đẫm ướt mồ hôi của má, thương chiếc nón quai thao má đội trên đầu mỗi khi đi làm đồng áng. Nó thương mấy cánh đồng lúa cò bay mỏi cánh, thương cánh diều, cánh chim của những buổi chiều quê. Thương mùi khói đồng, thương lũ trẻ làng vô tư chạy trên mấy bờ mương. Nó muốn ôm cả mùa hạ của tuổi thơ vào lòng.

Gió hạ nổi, đón cái nóng của tháng năm tháng sáu. Hạ kéo theo nắng về, làm rơi mấy vạt nắng ngoài hiên, quên nắng trên thành giếng, để lại trên vành thúng vài sợi mỏng. Ngoài đường, nắng loang lổ trên đường đất đỏ, chui qua gầm xe, len lỏi qua mấy dây bí mắc trên hàng rào nhà ngoại. Tia sáng mở mắt, rơi lộp độp dưới mái hiên, lẫn vào đám sạn trong sân, lay lắt dưới bóng cây mận, cây bưởi, rồi đột ngột chạy vào nhà.

Nắng hạ về, hè cũng về.

Nhà ngoại đón hè bằng mùa gặt Đông Xuân. Cứ thấy nắng lên, thấy mấy tấm bạc đựng lúa trải dài khắp mặt đường bê tông, là biết chuyện đồng áng nhà ngoại đã lo xong xuôi. Mấy ngày gặt, má nó về ở nhà ngoại mấy hôm, lúc nào xong tất thì về lại nhà. Má theo cậu ra đồng gặt lúa, đến lúc gặt xong thì tuốt. Nắng hè đổ trên đồng, đổ trên vành nón lá má che, đổ mấy cái hanh, cái nóng lên đầu má. Nắng làm cháy tóc má, làm tóc má vàng hoe. Có những ngày nắng chẳng kéo mây, nắng đổ lửa, lại thấy đầu tóc má bết nhòe, tấm lưng rộng siết chặt với vạt áo ướt nhẹp. Mồ hôi hai bên gò má, hai bên mang tai, từ trên đầu chảy xuống. Mồ hôi nhễ nhại lăn trên khuôn mặt sạm đi vì nắng.

Cứ nửa buổi má lại về nhà một lần. Ngồi dưới mái hiên, tay cầm chiếc nón “phe phẩy” gió đưa, “hốp” một miếng nước chè trong gô. Vừa ngồi thở hồng hộc, vừa ngồi nghe ngoại với bà Tư kể chuyện đồng, chuyện lúa ở xóm bên, má cũng tranh thủ ăn chén cơm. Xong bữa cơm trưa, cậu với má lại vác cuốc lên đi. Nắng chiều soi bóng dừa ngoài hiên. Qua giờ ngọ, đến độ ba bốn giờ chiều, nắng cũng chịu thua gió. Má gánh lúa ngoài đồng về ngõ, cậu khuâng rạ ngoài đê về sân. Nắng theo gót chân má, leo lên lưng lúa trở về nhà.

manh nang que ngoai

Nắng rải góc sân một màu vàng khe khẽ. Nắng đặt bước lên thảm xơ dừa, lăn tăn trên mấy tấm bạc rải lúa. Nhà ngoại bắt đầu đem lúa ra phơi, hong từng hạt qua cái nắng gắt giữa mùa hè. Lúa trên bạc cứ độ mỗi buổi lại trở mình dưới cào lúa của má. Cách hai, ba tiếng, má lại vác cào, đảo lúa, cho lúa khô đều. Ngoại bảo, phơi lúa không kĩ, để vào phi, sẽ lên mầm ngay. Buổi trưa ngủ cũng phải canh giấc, như thế như thế suốt mấy ba bốn hôm, đến khi nào khô vỏ thì thôi. Nắng ráo, nắng giòn thì hong lúa nhanh. Người quê thích nắng, người quê thèm nắng, mong trời luôn nắng để vụ mùa bội thu. Bà con chẳng sợ gì, chỉ sợ mấy hôm phơi, ùn ùn mây đen kéo đến. Nếu có mưa, bà Tư, chú Bảy, đã lo hò lo hét tìm người phụ dọn lúa. Có những hôm, trời cứ trêu đùa má, mây đen kéo nhưng chẳng thấy giọt mưa nào. Lúa lại phải dọn trở ra.

May mắn những ngày không mưa, ngoại để luôn mấy tấm bạc lúa trước sân. Chiều về, nắng hạ chẳng kịp tắt. Những vạt nắng cứ vương dài trước song cửa, loe lóe qua màn khe trúc giăng. Nắng chiều còn vương vấn điều chi ở góc vườn của ngoại. Cả ngày chơi đùa chưa chán, còn muốn ở lại thêm. Ngoài đồng, khói giăng khắp mương đê. Khói tỏa mù, tỏa mịt khắp lối về làng. Nhà nào vừa gặt xong, ai nấy đều lo đốt chân rạ. Gió cuộn khói thành từng lốc, cuốn khói thành từng cuộn, quấn lại rồi thả tung lên trời. Đống rạ cũ phừng phừng cháy trong đám lửa, rồi chợt tắt sau ánh hoàng hôn ban chiều. Lũ trẻ con xúm xít xách cá khoe cậu, khoe anh mình vừa câu được. Chúng câu được mấy con cá rô đồng to bằng cả hai tay. Mùa này, nước về, mương nhiều cá lắm. Chúng chực cá từ trưa, núp dưới bóng cây ngồi đợi. Với mấy nhóc, ngoài cơm má nấu ra, chẳng có gì ngon hơn món cá rô nướng lùi trong đống rạ. Như chớp, bọn chúng gọn gàng làm sạch cá, ướp chút muối, chút tiêu, thái thêm quả ớt, gói lá chuối, đem lùi vào đống lửa. Khói đồng tan, cá cũng chín, ngồi bên mương đê, xỉa miếng cá, lắng nghe tiếng nước ào ào dưới mương, lũ trẻ làng nói cười ha hả. Trong tiếng cười đó, chúng vẫn còn vô tư lắm, chúng vẫn mơ về ngày mai. Chúng rồi sẽ lớn, có đứa rời thành phố, có đứa vẫn khăng khăng quyết định ở lại ngôi làng này, quanh quẩn với những gì thân thuộc nhất. Chúng nó lớn lên bởi bát cơm của ngoại, qua tiếng hát ru của má, qua những vòng quay xe chở lúa của ba. Trong đôi mắt bé nhỏ của tụi nó, thế giới chi thu lại bằng ngôi làng, quanh quẩn cũng chỉ mấy cái đồng, có lúc rộng hơn, lớn hơn là lên lên xuống xuống mấy thôn, mấy xóm ngoài kia.

Ở cái làng này, đám trẻ con đã quá quen với cái trò hái trộm. Trộm ổi, trộm xoài, cắp na, cắp mít. Độ giữa trưa, khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, sấp nhỏ rục rịch lén má chui ra sau vườn, tụ tập, dẫn “binh đoàn” đi trộm ổi. Nhà bà Tư đầu ngõ có cây ổi to lắm, cây ổi hồng. Chẳng biết ai trong nhà vứt hạt mà nó lớn lên tự nào không hay. Mấy tháng đi học, lũ chúng nó chẳng để ý, hè nay, ngửi được mùi ổi chín, chim chóc bu đầy, chúng nó lại xôn xao, “rộn ràng” đến lạ. Thằng cu cả nhà mợ xung phong đi lấy cái túi to nhất. Chặp sáng, cứ thấy nó lén lút trong bếp, ngó qua ngó lại. Ngoại đang nấu nước nên nó chẳng dám làm gì, cứ xệ nệ bên cánh cửa bếp, không dám vào. Đến lúc nó chìa ra cái bao ni lông to đùng, là biết nó lấy của ngoại.

Trưa vắng vẻ, sau gò, lũ trẻ nghe rõ tiếng lao xao của gió. Gió trưa hè thổi theo luồng, nóng ran, là gió Lào. Chúng nó đội nắng trên đầu, chẳng mũ chẳng áo, xông xáo, hăm hở như chuẩn bị đi đánh trận. Chúng nó đi ra ngõ sau nhà bà Tư đê trốn con chó dữ. Con chó nằm trước hè, phơi bụng dưới nắng, ngủ nghê chẳng biết gì. Thằng Tí, thằng Tèo leo lên cây, mấy đứa còn lại ngồi chực chờ ở dưới. Tụi nó leo như khỉ, thoăn thoắt đôi tay, vừa hái vừa ném xuống. Thằng cu Bi giơ cái áo, chụp lấy từng trái. Chuyện gì khó chứ chuyện này dễ hơn ăn cháo. Hái đến khi nào “đạt KPI” thì chúng nó chuồn về. Có lẽ đây là lần trộm thuận lợi nhất của lũ tụi nó. Mấy lần trước, không chó thì cũng chủ, chúng bị mắng, bị đuổi mấy lần, rồi đứa bị phạt đứng lò cò sau giếng, đứa bị ba đánh cho mấy roi, thế mà chúng chẳng sợ.

Có những tháng ngày vô tư như thế. Hạ đi, đem theo gì đi cũng được, nhưng đừng gói tuổi thơ của chúng nó đi, vì tuổi thơ này đáng giá lắm.

© Nguyễn Ngọc Yến Linh – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Gặp Nhau Là Do Duyên, Bên Nhau Hay Không Lại Do Lựa Chọn | Blog Radio