Mượn thương nương đỡ – Nguyễn Ngọc Tư


blogradio.vn – Ngôn ngữ truyện ngắn mộc mạc, giản dị nhưng đầy sức nặng. Những câu văn ngắn, tưởng chừng lạnh lẽo, nhưng lại thấm đẫm chất người, chất đời. Không khí truyện buồn, thậm chí hoang hoải – nhưng không hề tuyệt vọng.

***

Nguyễn Ngọc Tư là một trong những cây bút đặc biệt, giọng văn rặc của người Miền Tây sông nước, luôn kiên nhẫn đi tìm cái đẹp trong những điều tưởng chừng bé mọn, vụn vỡ. Truyện ngắn của chị là thế giới của những phận người nhỏ nhoi, nhiều mất mát nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, vẫn khao khát được yêu thương. Trong số đó, “Mượn thương nương đỡ” là một tác phẩm tiêu biểu, lặng lẽ mà ám ảnh, bởi nó không chỉ là câu chuyện về nỗi buồn, mà còn là lời thủ thỉ về nhu cầu được tựa vào nhau để tồn tại – như một sự cứu rỗi thầm lặng của những linh hồn mỏi mệt.

“Cho mượn không, khỏi tiền bạc gì, nào cất được nhà mới thì trả”, thằng Lợi nói vậy. Bạn nghe chuyện cũng vui, nghĩ vậy là cái vụ cho mượn đồ cũng còn, đâu phải mất sạch luôn.

Truyện ngắn kể về những con người sống trong cảnh đời lắt lay, chông chênh giữa những mất mát riêng tư. Ở họ, thương yêu không còn là điều hiển nhiên, mà là thứ phải “mượn”, phải nương tạm, phải gìn giữ như người giữ một ngọn đèn trong gió. Dường như, trong thế giới ấy, ai cũng mang một vết thương: tổn thương về tình thân, tình yêu, niềm tin… Họ không tìm kiếm sự cứu rỗi lớn lao, chỉ mong có ai đó – dù là thoáng qua – đủ dịu dàng để cho họ dựa vai một chốc.

Nguyễn Ngọc Tư không kể những câu chuyện to tát. Chị không cần kịch tính, cũng không cần bi kịch. Chị chỉ cần một ánh nhìn lạc lõng, một đôi bàn tay trống rỗng, một người đàn bà ngồi im trong chiều lặng – cũng đủ để gợi lên cả một thế giới nội tâm dằng xé. Cái hay của Nguyễn Ngọc Tư nằm ở chỗ chị viết bằng sự thấu cảm – không xét đoán, không lên án, mà chỉ như người ngồi cạnh, lắng nghe, và đặt tay lên vai người đang mỏi mệt.

“Từ điển của bà con mình khi đó không có chữ “thiệt/hơn”. Bởi đâu phải cá mương nào cũng bằng nhau…”

Ngôn ngữ truyện ngắn mộc mạc, giản dị nhưng đầy sức nặng. Những câu văn ngắn, tưởng chừng lạnh lẽo, nhưng lại thấm đẫm chất người, chất đời. Không khí truyện buồn, thậm chí hoang hoải – nhưng không hề tuyệt vọng. Trái lại, ở đó le lói một niềm tin nhỏ: rằng con người, trong tận cùng cô đơn, vẫn có thể tìm thấy nhau qua một chút tình thương tạm bợ. Đó là cái “nương đỡ” quý giá – thứ không ai có thể sống thiếu, dù chẳng ai dám đòi hỏi.

Mượn Thương Nương Đỡ - Nguyễn Ngọc Tư

“Hồi đó thiếu gì mượn nấy. Không phải chỉ mình nhà bạn, cả xóm vậy. Lộ xóm trước nhà không mòn bằng những lối tắt trong vườn, nơi người ta bấm ngón chân trên đất, thoăn thoắt qua những cây cầu dừa bắc qua mương ranh để tuôn vào cửa sau, đem cho hoặc mượn thứ gì đó. Không phải vì nghèo, mấy nhà khá giả cũng phải chịu thiếu hụt nhiều khi, bởi tiệm tạp hóa đầu xóm chưa bổ đồ về, hay bởi ghe hàng bông qua khi người ta đang làm đồng, không kịp chạy vô ngoắc lại. Nhà hết gia vị không thành được bữa cơm, những lúc ấy qua bên xóm mượn chút muối, đường chữa cháy. Tối mịt mới hay hết dầu, xách chai qua bên xóm cậy nhờ. Chẳng ai tính lãi tính lời gì. Mượn lúa đi chà gạo, mượn gàu tát ao, mượn dá đào đất, bên này không có thì mượn bên kìa mà xài.”

“Rồi mợ phát hiện ra quãng bốn chín ngày của chồng mình, hàng xóm tới mượn đồ không phải vì họ thiếu, họ lấy cớ đó để vỗ về mợ thôi. Nhà có tiếng người, có hơi người cũng an ủi”. Người nhà quê ít khi nói lời hoa mỹ nhưng hành động quan tâm xuất phát từ cái tình chân chất, dịu ngọt giống gáo nước mưa mà phải đúng người con quê mới thấu được.

Thông điệp của truyện sâu sắc nhưng không sáo rỗng: đôi khi, chỉ một ánh mắt nhân hậu, một câu nói dịu dàng cũng có thể giúp người khác gượng dậy. Trong xã hội đầy rẫy tổn thương hôm nay, “mượn thương” không còn là điều lạ lẫm – mà là cách để con người đi qua bóng tối cùng nhau, dù chỉ một đoạn đường.

Với “Mượn thương nương đỡ”, Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong lòng độc giả bằng lối viết giản dị mà sâu sắc, bằng cách chị lắng nghe và kể lại những nhịp đập âm thầm của cuộc sống. Tác phẩm không khuyên răn, không vẽ lối thoát, nhưng mở ra một điều gì đó rất người – rất thật – rất đau mà cũng rất đẹp. Bởi giữa những vỡ vụn, con người vẫn còn đủ dịu dàng để nương đỡ nhau – và như thế, họ chưa từng bỏ rơi hy vọng.

Những lúc sống chậm được, tôi vẫn đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Để ngày hôm nay nhớ về một ngày hôm qua thật tốt, thật đẹp đã trôi mất, nhưng cũng để chờ mong gặp lại cái tốt, cái đẹp vào ngày mai

Thời gian vật đổi – sao dời – tiền bạc làm con người ta lạnh lùng, muốn đi quên đi hoặc chối bỏ tình thương yêu của láng giềng hàng xóm , của chính gia đình mình. Buồn thiệt buồn. Cám ơn giọng diễn đọc ấm áp và truyền cảm nữa của Hồ Tiến Đạt.

“Cho đi nghĩa là quên.” Vậy mà cái tình cái nghĩa vẫn còn, để nhớ nhau suốt đời.

Cái “thương” trong truyện không ồn ào, không rề rà bi lụy, mà là một loại thương lặng thầm – như sợi dây mỏng buộc người này với người kia giữa dòng đời nhiều mất mát, không lên giọng than thở, không hô hào lòng trắc ẩn – nhưng khiến người ta thấy được cả một lớp người: sống cam chịu, không oán thán, chỉ mong mượn một chút tình người để “nương đỡ” lúc yếu lòng.

Tui thích cái thương trầm lặng, bình thường mà dắt dìu nhau đi qua cùng năm tháng, thương không hô hào mà cháy mãi không ngừng.

“Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương…”

Chính cái cách kể chuyện nhẹ như hơi thở, giọng văn giản dị như lời ru quê nhà, đã tạo nên sức ám ảnh. Nguyễn Ngọc Tư không viết truyện để giải thích hay kết thúc điều gì. Chị chỉ đặt ra những lát cắt của cuộc sống, để người đọc soi thấy chính mình, soi thấy người thân, thấy những con người bé nhỏ mà vẫn gắng gượng bằng thứ sức lực âm ỉ như đóm lửa cuối ngày.

Tôi là người ít học, câu chữ cũng chỉ gói gọn trong đôi ba lời, chỉ có thể đọc và cảm nhận theo cái hiểu chân thuần của riêng cá nhân, tôi không đủ ngôn từ để diễn tả được tài năng của chị nhưng tôi cảm nhận đây là một nhà văn nữ hiếm có ở thời đại công nghệ. Và tác phẩm “Cánh Đồng Bất Tận” là một minh chứng cho tài năng ấy.

Cảm ơn cả nhà đã chọn bài đọc của tui giữa hàng trăm bài đọc hay ở ngoài kia…

© Phan Cố Gia – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Hẹn Gặp Ở Một Thế Giới Khác | Radio Tâm Sự


Để lại một bình luận