Biến chủng Covid-19 mới tại TP.HCM có đặc điểm gì?

Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay trong nước ghi nhận rải rác 641 trường hợp mắc Covid-19 tại 39 tỉnh thành, không có ca tử vong. Tại TP.HCM, tính đến ngày 24.5, số ca mắc tăng lên 79 ca. 

Yếu tố giúp duy trì tỷ lệ tử vong do Covid-19 bằng 0

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, 3 yếu tố quan trọng giúp duy trì tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 bằng 0 gồm mức độ bao phủ vắc xin cao ở các nhóm dân số; việc điều chỉnh Covid-19 thành bệnh truyền nhiễm nhóm B từ tháng 10.2023, tạo điều kiện cho công tác quản lý dịch linh hoạt hơn; hệ thống y tế đã chuyển hướng từ phản ứng thụ động sang chủ động củng cố năng lực ứng phó, thay vì chỉ tập trung phong tỏa diện rộng như trước.

Một số khu vực trọng điểm ghi nhận sự gia tăng rõ rệt ca mắc, trong đó TP.HCM tăng từ 51 ca (16.5) lên 79 ca (25.5). Sự gia tăng này gắn liền với sự xuất hiện và chiếm ưu thế của biến chủng NB.1.8.1, chiếm tới 83% số mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gien tại TP.HCM.

So với tình hình quốc tế, dữ liệu từ WHO đến ngày 27.4 cho thấy toàn cầu ghi nhận 25.463 ca mới (giảm 56,9%) và số ca tử vong giảm 37,9%. Tuy nhiên, một số nước vẫn chứng kiến làn sóng tăng mạnh như Thái Lan với 53.676 ca và 16 ca tử vong, liên quan đến biến chủng XBB.1.16; Brazil và Anh cũng ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mỗi tuần. Điều này cho thấy xu hướng ổn định của Covid-19 trên toàn cầu nhưng không loại trừ nguy cơ bùng phát cục bộ do biến chủng mới – tình trạng mà Việt Nam đang đối mặt với NB.1.8.1.

TP.HCM phát hiện biến chủng Covid-19 mới: Không hoang mang nhưng tuyệt đối không chủ quan - Ảnh 1.

Biến chủng NB.1.8.1 với khả năng lây lan nhanh và triệu chứng nhẹ dễ bị bỏ sót

ẢNH MINH HỌA: AI

Đặc điểm biến chủng NB.1.8.1

Bác sĩ Hoàng cho biết, NB.1.8.1 là biến chủng hậu duệ của JN.1 (thuộc nhánh Omicron), bắt nguồn từ XDV.1.5.1, lần đầu được ghi nhận ngày 22.1. Đến ngày 23.5, WHO xếp NB.1.8.1 vào nhóm biến chủng đang được theo dõi (VUM), tức là chưa đủ bằng chứng để đánh giá là biến chủng đáng lo ngại nhưng có nguy cơ tiềm ẩn. Biến chủng này đã xuất hiện tại ít nhất 22 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.

Về mặt di truyền, NB.1.8.1 mang các đột biến đáng chú ý tại vùng RBD của protein gai như T478I, A435S và V445H, giúp tăng khả năng bám dính vào tế bào người. Nhờ vậy, biến chủng này có thể lây lan nhanh hơn XEC – một đặc điểm đang được quan sát rõ tại TP.HCM và Trung Quốc. Cụ thể, tại TP.HCM, NB.1.8.1 chiếm đến 83% trong các mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gien.

Xét về khả năng né tránh miễn dịch, NB.1.8.1 làm giảm hiệu quả trung hòa kháng thể khoảng 1,5-1,6 lần, tương đương với biến chủng LP.8.1.1, tức là không vượt trội hơn JN.1. Các loại vắc xin năm 2024–2025 (Pfizer, Moderna) hướng đến JN.1 vẫn tạo miễn dịch chéo hiệu quả. Do đó, WHO vẫn khuyến cáo tiếp tục tiêm nhắc lại. Như vậy, dù biến chủng mới chưa đủ nguy hiểm để làm mất hiệu lực của vắc xin, nhưng có thể khiến miễn dịch suy giảm nhẹ.

Triệu chứng khi nhiễm NB.1.8.1 bao gồm sốt nhẹ, đau họng, ho, mệt mỏi, nghẹt mũi và đau cơ. Ngoài ra, một số người có thể gặp các triệu chứng kéo dài như sốt dai dẳng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa và đau đầu. Chính vì triệu chứng nhẹ và dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên người bệnh thường chủ quan, góp phần làm tăng nguy cơ lây lan âm thầm trong cộng đồng.

Về mức độ đáng ngại, NB.1.8.1 có tốc độ lây lan nhanh và chiếm ưu thế trong thời gian ngắn, nhưng chưa ghi nhận ca tử vong hay nhập viện nặng tại Việt Nam. Dù vậy, nếu số ca tăng nhanh trên diện rộng, sẽ tạo áp lực đáng kể lên hệ thống y tế. Do đó, cần cảnh giác nhưng không nên hoang mang.