Chất dinh dưỡng không ngọt không ngờ ảnh hưởng đến đường huyết

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên tập trung vào chế độ ăn uống cân bằng tổng thể: Hạn chế các loại thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và muối (natri). Chất béo bão hòa và natri có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu bằng cách làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin hoặc làm tăng huyết áp. Sau đây, các chuyên gia giải thích lý do tại sao 2 chất không liên quan đến đường này lại làm tăng đường huyết, theo trang tin sức khỏe Eating Well.

Chất dinh dưỡng không ngọt không ngờ ảnh hưởng đến đường huyết - Ảnh 1.

Chất béo bão hòa và natri có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu

Ảnh: AI

Tại sao nên chú ý đến chất béo bão hòa?

Chất béo bão hòa thường có trong mỡ động vật, thịt đỏ, sữa nguyên béo, bơ thực vật, dầu dừa, kem và một số đồ nướng như bánh quy.

Lượng chất béo bão hòa cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim – căn bệnh người bệnh tiểu đường vốn đã có nguy cơ mắc phải cao hơn.

Đặc biệt, quá nhiều chất béo bão hòa có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu bằng cách làm tăng nguy cơ kháng insulin, khiến glucose khó di chuyển ra khỏi máu và vào tế bào hơn. 

Chuyên gia Kathy Levin, nhà giáo dục về bệnh tiểu đường và là người sáng lập Trung tâm dinh dưỡng Nutritiously Simple (Mỹ), giải thích: Chất béo bão hòa, đặc biệt là từ thịt và sữa, có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, khiến việc kiểm soát lượng đường trở nên khó khăn hơn. Chất béo không làm tăng lượng đường trong máu trực tiếp như carbohydrate, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu thông qua độ nhạy insulin và trao đổi chất, theo Eating Well.

Chất béo bão hòa cũng gián tiếp ảnh hưởng đến lượng đường trong máu do tác động của nó lên hoạt động của insulin. Chuyên gia Lauren Plunkett, nhà giáo dục và chăm sóc bệnh tiểu đường của Mỹ, cho biết: Chất béo trong chế độ ăn uống ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của insulin theo thời gian. Tương tác này đặc biệt quan trọng đối với những người dùng insulin.

Chuyên gia Levin khuyến cáo nên hạn chế chất béo bão hòa ở mức 10% hoặc ít hơn lượng calo hằng ngày, không cần hạn chế hoàn toàn. Thay vào đó, hãy chọn chất béo không bão hòa từ quả bơ, các loại hạt, dầu ô liu và cá béo.

Chất dinh dưỡng không ngọt không ngờ ảnh hưởng đến đường huyết - Ảnh 2.

Chất béo bão hòa thường có trong mỡ động vật, thịt đỏ

Ảnh: AI

Tại sao nên chú ý đến natri?

Đối với người bệnh tiểu đường, mặc dù quá nhiều natri không trực tiếp làm đường huyết tăng đột biến, nhưng có thể dẫn đến tăng huyết áp – một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cân bằng lượng natri dẫn đến khả năng phục hồi và sống sót tốt hơn ở bệnh nhân nằm viện vì tăng đường huyết. Để ngăn ngừa tăng huyết áp, hãy tập trung vào thực phẩm ít chế biến, ít muối, chọn thực phẩm giàu kali.

Một vấn đề nữa là thực phẩm nhiều natri – như thức ăn nhanh, đồ ăn nhẹ đóng gói và đồ chiên, cũng có xu hướng chứa nhiều chất béo bão hòa và ít chất xơ. Chuyên gia Levin cho biết: Thực phẩm nhiều muối, chế biến kỹ thường chứa carbohydrate tinh chế và các chất phụ gia làm tăng tình trạng viêm toàn thân và làm tình trạng kháng insulin trở nên trầm trọng hơn. Thực phẩm nguyên chất, ít natri sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu và giảm tình trạng viêm.

Ngoài ra, để kiểm soát đường huyết, cần chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể, tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng.