Đi khám thấy huyết thanh đục như sữa, dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ

Huyết thanh đục như sữa dễ có nguy cơ đột quỵ

Kết quả xét nghiệm sinh hóa cho thấy nồng độ triglyceride trong máu người bệnh đạt 2.250 mg/dL, cao vượt ngưỡng bình thường gần 15 lần. Mặc dù không có biểu hiện lâm sàng, người bệnh đang ở trong tình trạng rối loạn lipid máu nặng, tiềm ẩn nguy cơ viêm tụy cấp và đột quỵ thiếu máu não. Cử nhân xét nghiệm Nguyễn Thị Nhã An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết: “Huyết thanh đục như sữa là dấu hiệu cho nhiều loại rối loạn, trong trường hợp này là của tình trạng tăng mỡ máu nặng, chủ yếu là triglyceride cao trong huyết tương”.

Đi khám thấy huyết thanh đục như sữa, dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ - Ảnh 1.

Huyết thanh bình thường (ảnh trái) và huyết thanh đục như sữa

Ảnh: BVCC

Tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Kiều Xuân Thy, Phó trưởng cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định, đây là trường hợp đặc trưng cho nhóm bệnh nhân trẻ tuổi nhưng mang yếu tố nguy cơ chuyển hóa đáng lo ngại.

“Mức triglyceride vượt trên khoảng 2.000 mg/dL liên quan rõ rệt đến bệnh lý mạch máu lớn như đột quỵ thiếu máu não và bệnh mạch vành. Trường hợp bệnh nhân trên không có triệu chứng lâm sàng, nhưng nếu không được phát hiện qua tầm soát định kỳ, nguy cơ xảy ra biến cố cấp tính như đột quỵ hoặc viêm tụy cấp trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra”, bác sĩ Xuân Thy cảnh báo.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Theo bác sĩ Xuân Thy, số liệu thống kê gần đây tại các bệnh viện đa khoa tuyến cuối ghi nhận xu hướng đột quỵ ngày càng trẻ hóa, trong đó nhóm tuổi từ 30-40 chiếm tỷ lệ đáng kể. Các yếu tố nguy cơ thường thấy gồm:

  • Rối loạn lipid máu, đặc biệt là triglyceride tăng cao.
  • Béo bụng, ít vận động.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm siêu chế biến.
  • Tăng huyết áp, tiểu đường loại 2 không triệu chứng.

“Đáng lưu ý là nhiều người trẻ vẫn chủ quan với sức khỏe vì không có biểu hiện rõ ràng. Trong khi đó, tổn thương mạch máu và quá trình xơ vữa diễn ra âm thầm từ nhiều năm trước khi xuất hiện biến cố”, bác sĩ Xuân Thy nhấn mạnh.

Từ đó, tiến sĩ – bác sĩ Kiều Xuân Thy khuyên mọi người, đặc biệt là nhóm người trẻ tuổi, nên kiểm soát mỡ máu bằng cách duy trì song song ba nhóm biện pháp:

Dinh dưỡng hợp lý: Giảm mỡ bão hòa, đường tinh luyện, tránh đồ chiên xào nhiều dầu. Ưu tiên thực phẩm tươi, giàu chất xơ, cá biển, ngũ cốc nguyên hạt.

Thay đổi lối sống: Tăng vận động thể lực (ít nhất 150 phút mỗi tuần), không bỏ bữa sáng, ngủ đủ giấc, hạn chế rượu bia và ngừng hút thuốc lá.

Xét nghiệm định kỳ: Khuyến cáo thực hiện xét nghiệm lipid máu ít nhất mỗi 12 tháng với người trưởng thành; đặc biệt nhóm nguy cơ như người làm việc văn phòng, béo bụng, ít vận động, hoặc có tiền sử gia đình bệnh tim mạch sớm.