Kịp thời dùng kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhi viêm cơ tim nguy kịch

Ngày 26.4, bác sĩ Võ Văn Nguyên Lợi cùng các y bác sĩ của Trung tâm Nhi, Bệnh viện T.Ư Huế đến nhà của bệnh nhi N.T.V (7 tuổi, trú tại TX.Hương Thủy, TP.Huế) để thăm khám sau gần nửa tháng thực hiện kỹ thuật ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) cứu sống cháu bé tại bệnh viện.

Kịp Thời Dùng Kỹ Thuật Ecmo Cứu Sống Bệnh Nhi Viêm Cơ Tim Nguy Kịch- Ảnh 1.

Cháu V. (áo đỏ, ngồi) đã trở lại cuộc sống bình thường bên mẹ cùng các em

ẢNH: V.V.N.L

Hiện tại, sức khỏe của cháu V. đã dần hồi phục, tiến triển tốt. “Các chức năng tim của cháu đã cơ bản khôi phục. Trong thời gian tới cùng với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bằng kỹ thuật ECMO, chúng tôi hy vọng có thể cứu sống nhiều hơn các bệnh nhi mắc bệnh cấp tính nguy hiểm như thế này”, bác sĩ Võ Văn Nguyên Lợi khẳng định,

Chị Phạm Thị Trang, mẹ cháu N.T.V, không giấu được niềm hạnh phúc: “Thời điểm cháu lên cơn co giật sốc tim nặng, gia đình hết sức lo lắng vì tình trạng này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Nhưng ngay sau khi được đến chuyển đến Bệnh viện T.Ư Huế, qua theo dõi và đánh giá tình hình, đội ngũ khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi đã kịp thời kích hoạt quy trình ECMO, nhờ vậy cháu mới được cứu sống”.

Vào ngày 18.3, cháu N.V.T xuất hiện tình trạng mệt nhiều, co giật và được đưa đến Bệnh viện ĐH Y Dược Huế. Tại đây, các bác sĩ phát hiện nhịp tim chậm kèm block nhĩ thất cấp 3 – một tình trạng rối loạn dẫn truyền tim nghiêm trọng – nên lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện T.Ư Huế.

Kịp Thời Dùng Kỹ Thuật Ecmo Cứu Sống Bệnh Nhi Viêm Cơ Tim Nguy Kịch- Ảnh 2.

Bác sĩ Võ Văn Nguyên Lợi trực tiếp khám cho cháu V. tại gia đình

ẢNH: V.V.N.L

Tiếp nhận tại khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Bệnh viện T.Ư Huế, bệnh nhi V. còn tỉnh táo nhưng biểu hiện sinh tồn cho thấy tình trạng nguy kịch: Tay chân lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim chỉ còn 30 – 40 lần/phút, chẩn đoán viêm cơ tim thể tối cấp biến chứng block nhĩ thất độ 3 gây sốc tim nặng, nguy cơ tử vong cao. 

Các bác sĩ lập tức thiết lập đường thở, sử dụng phối hợp 2 loại thuốc trợ tim nhằm nâng huyết áp, nhịp tim đến mức an toàn tối thiểu và kích hoạt quy trình báo động đỏ. Một cuộc hội chẩn khẩn với khoa Can thiệp tim mạch được tiến hành để đặt máy tạo nhịp tạm thời, đồng thời kích hoạt đội ECMO của bệnh viện để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Sau khi đặt máy tạo nhịp, huyết động của trẻ được cải thiện, mang lại hy vọng ban đầu cho ê kíp điều trị. Tuy nhiên, trong 2 ngày theo dõi tiếp theo, chức năng tim tiếp tục suy giảm, chỉ còn 1/3 so với bình thường, đe dọa tính mạng bệnh nhi.

Thời khắc sinh tử kịp thời cứu sống bệnh nhi

Trước tình trạng tim “kiệt sức dần”, ngày 16.4 khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi đã quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO để hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp, giúp trái tim trẻ được “nghỉ ngơi” và có cơ hội hồi phục. 

Quy trình ECMO được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch và Hồi sức gây mê – tim mạch.

Sau 5 ngày chạy ECMO, chức năng tim của bệnh nhi cải thiện rõ rệt. Sau đó, cháu được rút ECMO, ngừng máy tạo nhịp và cai máy thở thành công. 

Kịp Thời Dùng Kỹ Thuật Ecmo Cứu Sống Bệnh Nhi Viêm Cơ Tim Nguy Kịch- Ảnh 3.

Ê kíp điều trị vui mừng sau khi rút ECMO, ngừng máy tạo nhịp và cai máy thở thành công cho cháu V.

ẢNH: V.V.N.L

Quá trình điều trị kéo dài hơn 1 tháng, với sự theo dõi sát sao và chăm sóc tích cực từ đội ngũ y bác sĩ. Kết quả điều trị đã thành công ngoạn mục, cháu bé hồi phục hoàn toàn, có thể đi lại bình thường, các chỉ số tim mạch và huyết động trở lại ổn định và được xuất viện ngày 23.4.

Giáo sư – tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, cho biết: “Kỹ thuật ECMO đã được Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3.2009, chủ yếu cho bệnh nhân sốc tim, viêm cơ tim, phẫu thuật tim mạch, suy hô hấp cấp tiến triển với thở máy không hiệu quả. Hiện tại kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy tại trung tâm nhi của bệnh viện”.

Theo Giáo sư – tiến sĩ Phạm Như Hiệp, với sự phối hợp đồng bộ của các chuyên khoa liên quan cùng các máy móc, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao…, bệnh viện đã điều trị thành công các bệnh nhi nặng, nguy kịch tại bệnh viện và từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên.