Làm rõ các nhóm chính sách để vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách bảo đảm công khai, minh bạch Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu

Tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Thúc đẩy tài chính bền vững

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

Đồng thời, thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững; tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ hỗ trợ vào làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế.

Đáng quan tâm, để phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với cơ quan nhà nước ở địa phương, dự thảo Nghị quyết cho phép Chính phủ được ban hành nghị định xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Làm Rõ Các Nhóm Chính Sách Để Vận Hành Trung Tâm Tài Chính Quốc Tế Tại Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Quốc hội)

Cơ quan điều hành, Cơ quan giám sát được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Cơ quan điều hành được quyết định sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế…

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro; làm rõ hơn tác động khi có Trung tâm tài chính quốc tế; những kinh nghiệm quốc tế phù hợp để vận dụng vào thực tế Việt Nam.

Đồng thời, với các nhóm chính sách như tại dự thảo Nghị quyết đã đủ tiền đề để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hình thành và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế hay chưa?

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là vấn đề mới, do vậy, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao.

Làm Rõ Các Nhóm Chính Sách Để Vận Hành Trung Tâm Tài Chính Quốc Tế Tại Việt Nam
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời; phân cấp cho 2 thành phố những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn địa phương, bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo pháp luật.

Về phạm vi áp dụng và nguyên tắc áp dụng pháp luật, để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật; tính rõ ràng trong triển khai, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị định để quy định những vấn đề khác với luật, nghị quyết, pháp lệnh.

Trường hợp Bộ Chính trị cho phép Chính phủ ban hành các quy định khác với luật, pháp lệnh, quy định những vấn đề mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sẽ giữ quy định như dự thảo Nghị quyết, đồng thời cần bổ sung quy định về trách nhiệm trong việc ban hành các quy định khác với pháp luật hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Làm rõ 12 nhóm chính sách

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục làm rõ 12 nhóm chính sách để vận hành Trung tâm tài chính quốc tế; làm rõ các chính sách đột phá, vượt trội, riêng có của Việt Nam.

Làm Rõ Các Nhóm Chính Sách Để Vận Hành Trung Tâm Tài Chính Quốc Tế Tại Việt Nam
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Quốc hội)

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, do đây là nội dung phức tạp, khó, mới, vì vậy để tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội tại Kỳ họp tới, cơ quan soạn thảo phối hợp cơ quan liên quan tiếp tục làm rõ 12 nhóm chính sách.

Cụ thể, đã đủ tiền đề, cơ sở pháp lý để vận hành Trung tâm tài chính quốc tế chưa; các quy định đã đủ tính cạnh tranh chưa; làm rõ các chính sách đột phá, vượt trội, riêng có của Việt Nam kết nối liên thông toàn cầu; bổ sung thông tin về thực trạng thị trường vốn hiện nay; bổ sung thông tin về các nhà đầu tư chiến lược…

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát dự thảo Nghị quyết đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; phù hợp với quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các chính sách đề xuất trong dự thảo cần đột phá, không dập khuôn, có chọn lọc, tận dụng, vận dụng tốt kinh nghiệm quốc tế, khắc phục hạn chế, tạo được sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, đánh giá tác động tích cực và tiêu cực; có cơ chế quản lý, cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, quốc phòng an ninh và hoạt động đối ngoại.

Về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 nơi, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước đối với 2 cơ sở này.

Làm rõ mối quan hệ của Trung tâm tài chính quốc tế với cơ quan giám sát của Trung ương, với các cơ quan có chức năng giám sát khác, để đảm bảo an toàn tài chính, an toàn hệ thống ngân hàng, tránh lợi dụng pháp luật để thực hiện các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận tài chính trong các chính sách về ngoại hối, về ngân hàng, về tài chính, phát triển thị trường vốn.

Đối với chính sách thuế, cần có ưu đãi vượt trội để hấp dẫn, thu hút đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh; mặt khác cũng cần phải bảo đảm các chính sách thuế khả thi, có cơ chế kiểm soát, tránh lợi dụng gây thất thoát ngân sách, không vi phạm các cam kết quốc tế.

Nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo đột phá trong phát triển thị trường tài chính, thu hút vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Tuy nhiên, đây là Nghị quyết có nội dung rất phức tạp và cũng chưa có tiền lệ nên cần đánh giá kỹ tác động đến kinh tế, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội; đánh giá cả mặt tích cực và những mặt rủi ro của từng chính sách, nhất là vấn đề đảm bảo an ninh tài chính quốc gia…