Loạt bệnh nhân ung thư chia sẻ đã uống sữa giả ngay sau xạ trị



Sau giờ truyền hóa chất mệt mỏi, bà N.T.H. cố từng ngụm sữa với hy vọng sớm bình phục nhưng sau đó tá hỏa vì mình đã uống phải sữa giả.

Bệnh nhân ung thư, nhóm bán sữa giả cũng không tha

Bà N.T.H (51 tuổi, Nam Sách, Hưng Yên) bị ung thư phổi giai đoạn cuối từ năm 2020. Người phụ nữ này đã trải qua nhiều phác đồ điều trị từ thuốc đích, hóa chất tới miễn dịch. 

Ngày 17/4/2025, bà H. đi thể dục về và vào nhóm cộng đồng người bệnh ung thư phổi. Bà thấy mọi người nói về một loại sữa được bác sĩ kê đơn khi nằm viện có trong danh sách các loại sữa giả mới bị triệt phá gần đây. Nhìn vỏ hộp sữa quen mắt, bà H. vội vàng chạy vào nhà tìm vỏ hộp còn giữ và tá hỏa vì mình đã từng uống sữa giả khi điều trị bệnh ung thư tại Hà Nội.

Những Lon Sữa Giả Bà H. Đã Mua. Ảnh: Nvcc.

Những lon sữa giả bà H. đã mua. Ảnh: NVCC.

Bà H. cho biết, năm 2023, bệnh ung thư tái phát và được nhập viện điều trị tại khoa Nội 1, Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội). Vì đã kháng thuốc đích nên bác sĩ chuyển sang điều trị hóa chất. 

Những ngày đầu vào hóa chất, người phụ nữ này nôn ói, mệt mỏi, không thể ăn uống. Người thân lo lắng nên đã xin tư vấn bác sĩ dùng sữa và được giới thiệu đi ra khu hành chính nhờ kê đơn và xuống tầng 1 bệnh viện mua.

Bà H. mua tạm một hộp BonLac được giới thiệu là sữa chuyên biệt có tổ yến với giá 745.000 đồng/hộp 900g và không có hóa đơn.

“Tác dụng của hóa chất khiến tôi nôn ói, không ăn được nên cố gắng uống từng ngụm sữa để lấy sức chiến đấu với bệnh tật. Đến giờ, tôi bàng hoàng khi biết những cốc sữa cố uống từng tý chỉ là sữa giả”, bà H. chua xót.

Trong quá trình truyền hóa chất, bà H. mua 3 hộp và uống xong còn giữ lại vỏ đựng đường, bột sắn dây. Nếu không giữ lại vỏ, bà cũng không tin rằng mình từng uống sữa giả.

Chưa hết, tình cảnh của chị N.T.A (quê Hà Tĩnh) lại thấy lương tâm cắn rứt, đau đầu vì chính chị từng mua 8 hộp sữa Bonlac cho người thân bị ung thư thực quản uống.

Chị A. kể, khi chăm người thân bị ung thư ở bệnh viện và được giới thiệu mua sữa để bơm bằng đường ăn qua ống xông vào dạ dày. Chị mua 8 hộp sữa Bonlac chiết xuất tổ yến với giá 750 nghìn đồng/hộp. Khi xem trên mạng, chị A. biết mình mua phải sữa giả nên giờ rất hối hận.

Một trường hợp khác, chị B.T.D (quê Hải Hậu, Nam Định) nhớ lại hơn 2 năm trước bố bị ung thư thực quản cũng mua dòng sữa Bonlac cho bố uống. Chị D. không còn nhớ ai là người tư vấn sản phẩm, nhưng cho biết loại sữa này cùng các sản phẩm tương tự được bày bán tràn lan trước cổng nhiều bệnh viện lớn.

“Thực sự xót xa, tôi đã không thể cầm được nước mắt khi cuối đời bố mình vẫn phải uống những cốc sữa giả”, chị B.T.D. nói.

Sữa Giả Được Đóng Gói Đưa Ra Thị Trường. Ảnh: Cand

Sữa giả được đóng gói đưa ra thị trường. Ảnh: CAND

Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình trên trang cá nhân, chị V.Đ.H (Hà Nội) nói về hộp sữa Bonlac được bệnh viện kê kèm thuốc khi chị gái bị gãy chân phải vào viện bó bột. Dù bệnh nhân đang chờ mổ nội soi sỏi mật không được uống sữa nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu phải uống đúng loại này để can xương nhanh. 

“Quét mã QR thì ra luôn hoangbaopharma.vn, tuy nhiên, để vào trang này kiểm tra thì không vào được nữa”, chị H. nói.

Phóng viên báo VietNamNet đã liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện K và được cho biết, phía bệnh viện đã nắm được vụ việc và rà soát, sau đó sẽ thông tin cụ thể.

Tác hại sữa giả

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng (Hà Nội) sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có đủ các chất protein (đạm), lipid (chất béo), carbohydrate (chất đường bột), vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh; là nguồn dinh dưỡng tốt cho mọi lứa tuổi, kể cả đối với những người đang mắc bệnh.

Nếu người bệnh sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng hay không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể gây tác hại nghiêm trọng.

Bác sĩ Huyền cho rằng, sữa kém chất lượng còn tiềm ẩn nguy cơ chứa các chất phụ gia, chất tạo ngọt không an toàn hay vượt quá mức cho phép cũng gây ảnh hưởng xấu đến chức năng chuyển hóa của cơ thể.

Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, đã sản xuất và phân phối 573 loại sữa bột giả, nhắm vào đối tượng người bệnh, trẻ em và phụ nữ mang thai…

Các sản phẩm này được bán rộng rãi trên thị trường, thu lời bất chính gần 500 tỷ đồng. Hiện cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến vụ việc.

Bệnh Viện Thu Hồi Sữa Hofumil Gold Plus

Bệnh viện thu hồi sữa Hofumil Gold Plus

Bệnh viện dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để trả lại đơn vị cung ứng, sau nghi vấn liên quan chất lượng

Bấm xem >>