Mở điều hòa đóng kín cửa gây mất ngủ, mệt mỏi, rụng tóc: Bác sĩ nói gì?

Gần đây, một bài đăng trên Facebook của tài khoản Đ.H.V đã thu hút sự chú ý với hơn 76.000 lượt like, 41.000 lượt chia sẻ, hơn 24.000 bình luận tính đến 17.5, sau 2 ngày đăng tải. Trong bài viết, anh V. chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi ngủ trong phòng điều hòa đóng kín, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài, đau đầu, tim đập nhanh, mất ngủ – dù nhiệt độ phòng được duy trì ở mức dễ chịu, 26- 27 độ C.

Chủ nhân bài viết cho rằng nguyên nhân không phải do nhiệt độ lạnh mà là do thiếu oxy và nồng độ CO₂ tăng cao trong không gian kín. Để kiểm chứng, anh sử dụng máy đo CO₂ và phát hiện chỉ số buổi sáng lên tới 2.000 ppm, trong khi mức an toàn chỉ dưới 700 ppm. Anh cảnh báo rằng việc ngủ lâu trong không gian kín như vậy có thể gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ.

Mở điều hòa đóng kín cửa gây mất ngủ, mệt mỏi, rụng tóc: Bác sĩ nói gì? - Ảnh 1.

Bài viết chia sẻ thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Dưới góc nhìn của một người từng làm tóc hơn 13 năm và tiếp xúc với hàng chục ngàn khách hàng, anh V. cho biết nhiều trường hợp rụng tóc, stress, mệt mỏi kéo dài có thể liên quan đến thói quen ngủ trong phòng điều hòa không thông khí. Bài viết kết lại bằng lời kêu gọi chia sẻ thông tin này để “biết đâu chính chị em, con cái hay bố mẹ mình đang ngủ trong một căn phòng không có oxy”.

Bài viết đã nhận được sự quan tâm rộng rãi, với nhiều bình luận về trải nghiệm tương tự. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản biện, cho rằng thông tin này thiếu cơ sở khoa học và có thể gây hoang mang không cần thiết.

Một người trưởng thành thải khoảng 120-160 lít CO2 trong 8 giờ ngủ

Ngày 17.5, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia tại Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, một người trưởng thành thải khoảng 120-160 lít CO2 trong 8 giờ ngủ trong phòng 20 m² (thể tích 60 m³). Lượng CO2 tăng tỷ lệ thuận với số người trong phòng. Ngoài ra, nếu ở phòng kín, đóng cửa để giữ lạnh, làm giảm trao đổi không khí tự nhiên càng tạo điều kiện cho CO2 tích tụ.

“Nhiều người lầm tưởng điều hòa sẽ lọc và làm mới không khí trong phòng. Thực tế, phần lớn điều hòa với 2 giàn nóng lạnh (loại phổ biến tại Việt Nam) không đưa gió tươi từ ngoài vào. Chúng chỉ hút không khí trong phòng, làm mát qua dàn lạnh, thổi lại vào phòng. Việc đóng kín cửa để tiết kiệm năng lượng làm giảm thông gió tự nhiên, khiến CO2 tích tụ nhanh hơn”, bác sĩ Hoàng phân tích.

Tại Singapore, các phòng ngủ kín dùng điều hòa 2 cục thường có nồng độ CO₂ vượt ngưỡng 1.000 ppm, phổ biến trong khoảng 1.500-1.900 ppm.

Nồng độ CO₂ và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo bác sĩ Hoàng, nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch (DTU) cho thấy, nồng độ CO₂ chỉ từ 1.150 ppm đã bắt đầu làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, ảnh hưởng đến độ sâu và khiến người ngủ dễ tỉnh giấc giữa đêm. Trên 2.000 ppm, các triệu chứng mệt mỏi, kém tập trung, giảm hiệu suất nhận thức bắt đầu rõ rệt.

Với những người có sức đề kháng yếu như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền hô hấp, nguy cơ còn lớn hơn. Họ có thể chịu ảnh hưởng ở nồng độ CO₂ thấp hơn bình thường.

Sự tích tụ CO₂ không chỉ ảnh hưởng thể chất mà còn gián tiếp gây stress, thông qua việc làm rối loạn nhịp ngủ-sinh học, kích hoạt phản ứng căng thẳng của cơ thể như tăng nhịp tim, khó chịu. Một số nghiên cứu cũng gợi ý rằng không khí tù đọng trong phòng điều hòa còn làm gia tăng cảm giác căng thẳng âm ỉ, khó nhận biết nhưng ảnh hưởng dài hạn đến tâm lý.

Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học khẳng định CO₂ gây rụng tóc, bác sĩ Hoàng cho rằng các yếu tố liên quan như stress, giấc ngủ kém và sự tích tụ bụi mịn, có thể gián tiếp góp phần gây nên tình trạng này.

Mở điều hòa đóng kín cửa gây mất ngủ, mệt mỏi, rụng tóc: Bác sĩ nói gì? - Ảnh 2.

Chuyên gia khuyến cáo nên có các khe hở hoặc hé cửa sổ trong lúc ngủ để tạo trao đổi khí

ẢNH: LÊ CẦM

Làm gì để tránh “bẫy khí CO₂” khi mở điều hòa trong phòng kín

Không cần từ bỏ điều hòa, nhưng người dùng cần thay đổi thói quen để kiểm soát CO2. Dưới đây là một số giải pháp mà bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo.

  • Hé cửa sổ 5-10 cm trong lúc ngủ hoặc ít nhất mở vài lần trong đêm để tạo trao đổi khí.
  • Dùng quạt thông gió hoặc điều hòa có gió tươi, ưu tiên các dòng cao cấp có cảm biến CO₂.
  • Trang bị máy đo CO₂ trong phòng ngủ để kiểm tra thực tế.
  • Vệ sinh điều hòa định kỳ, duy trì độ ẩm 40-60% để hỗ trợ hô hấp.
  • Hạn chế đặt nhiều cây xanh trong phòng ngủ vì ban đêm, cây cũng… thải CO₂.

Về lâu dài, bác sĩ Hoàng đề xuất nên có nghiên cứu dài hạn về tác động của nồng độ CO2 cao vừa phải ở nhóm nhạy cảm, phát triển điều hòa tích hợp thông gió hiệu quả, giá hợp lý, thiết kế nhà ở ưu tiên thông gió tự nhiên và cơ học.