Người đàn ông 43 tuổi bị ngưng tim do nhồi máu cơ tim

Ngay lập tức, ê kíp bác sĩ khoa Cấp cứu cùng khoa Tim mạch, Bệnh viện Quốc tế City đã tiến hành hồi sinh tim phổi sốc điện, đồng thời kích hoạt quy trình “báo động đỏ” nội viện – quy trình phối hợp khẩn cấp giữa các khoa nhằm rút ngắn tối đa thời gian xử trí trong những trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng. 

Ngày 16.5, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Văn Tuyến (khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Quốc tế City) cho biết kết quả điện tâm đồ của bệnh nhân ghi nhận tình trạng nhồi máu cơ tim tối cấp thành trước rộng. Tình trạng diễn tiến nhanh chóng sang sốc tim, một biến chứng nguy kịch với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80% nếu không được xử lý kịp thời.

Trước tình trạng nguy kịch, song song với việc sốc điện khử rung tim và ép tim ngoài lồng ngực liên tục, bệnh nhân được chuyển vào phòng thông tim can thiệp để có thể nhanh chóng chụp và tái thông động mạch vành. Trong suốt quá trình chụp và can thiệp, bệnh nhân nhiều lần rơi vào rung thất, nhưng nhờ sự phối hợp khẩn trương, stent đã được đặt thành công để tái thông nhánh động mạch vành trái chính của tim giúp bệnh nhân T. vượt qua ranh giới sinh tử.

Người đàn ông 43 tuổi bị ngưng tim do nhồi máu cơ tim  - Ảnh 1.

Các bác sĩ trong quá trình can thiệp cứu bệnh nhân

ẢNH. N.H

Sau khi can thiệp thành công, trái tim của bệnh nhân T. đã có thể co bóp đều đặn trở lại, không còn đau ngực hay khó thở, sức khỏe ổn định và được chuyển lên khoa Tim mạch để được tiếp tục chăm sóc và điều trị. Sau 1 ngày, bệnh nhân đã có thể tự đi lại trong phòng.

Theo bác sĩ Tuyến, kết quả chụp động mạch vành cho thấy bệnh nhân T. bị tắc hoàn toàn tại gốc nhánh động mạch vành chính bên trái do nhiều huyết khối, đây chính là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp, rung thất và ngưng tim.

Nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Quang Thuyết, Phó giám đốc y khoa kiêm Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh và dễ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp, suy tim, sốc tim, thậm chí tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Trong đó, “giờ vàng” từ 1 đến 2 giờ đầu tiên từ khi khởi phát cơn đau ngực chính là yếu tố quyết định sự sống còn.

Nhồi máu cơ tim không còn là bệnh lý của người cao tuổi, bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Nam giới trung niên có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, ít vận động, stress kéo dài… hoàn toàn có thể đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim bất ngờ. Trong trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, nếu không được cấp cứu đúng cách và can thiệp kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng.

“Việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo như đau ngực trái, khó thở, hụt hơi, vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi bất thường, lo âu, cảm giác hồi hộp… là rất quan trọng. Khi có các dấu hiệu bất thường trên, cần đưa người bệnh nhanh chóng đến cơ sở y tế có khả năng can thiệp chuyên sâu được kịp thời chẩn đoán và can thiệp điều trị”, bác sĩ khuyến cáo.