Nguy cơ gia tăng dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

Chủ động ứng phó dịch bệnh 

Đề nghị các tỉnh, thành triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trong mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025, gần nhất là dịp nghỉ lễ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4, ngày Quốc tế lao động 1.5 và cao điểm du lịch hè 2025.

Đó là một trong những nội dung tại Công văn số 2513/BYT-PB của Bộ Y tế ngày 26.4.2025 gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Nguy Cơ Gia Tăng Dịch Bệnh Mùa Hè Trong Kỳ Nghỉ Lễ Năm 2025 - Ảnh 1.

Các địa phương cần sẵn sàng các điều kiện y tế chủ động ứng phó dịch bệnh

ẢNH: TUẤN MINH

Bộ Y tế cho biết, bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh, như bệnh sởi, ho gà, sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A/H5N1 tiếp tục ghi nhận và bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong nước, dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát, nhưng bệnh sởi vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc cao ở nhóm trẻ em từ 11 – 15 tuổi tại một số tỉnh, thành; đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A/H5N1 trên người. Một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu tăng cục bộ tại một số địa phương.

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, tại các ngày lễ lớn trong năm 2025, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chỉ đạo sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao (dại, cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu…).

UBND các tỉnh chỉ đạo sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh than…, kịp thời chia sẻ thông tin với ngành y tế để triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm sang người; thực hiện tốt việc quản lý đàn chó, mèo và tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi.

Các sở GD-ĐT cần triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời; phối hợp triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc xin tại các cơ sở giáo dục.