Nhồi máu cơ tim trong lúc đang ngủ

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, gần 3 giờ sáng, khi xe cấp cứu đến cổng bệnh viện, cụ N. rơi vào tình trạng nguy kịch. Cơ thể cụ ông tím tái, mất ý thức, nhanh thất, rung thất trên monitor. Ngay lập tức, hệ thống “báo động đỏ” nội viện được kích hoạt, giành lại sự sống cho người bệnh nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đạt, Khoa Nội tim mạch, Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết, kết quả điện tâm đồ cho thấy cụ N. bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành sau, một thể nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không xử trí tức thời. 

Người đàn ông lên cơn nhồi máu cơ tim trong lúc đang ngủ - Ảnh 1.

Các bác sĩ trong quá trình can thiệp cho bệnh nhân

ẢNH: X.A

Tại phòng can thiệp mạch, ê kíp ghi nhận tổn thương nghiêm trọng ở nhánh mũ của động mạch vành. Nếu không tái thông kịp thời, trái tim sẽ tiếp tục hoại tử, đẩy người bệnh vào nguy cơ sốc tim và tử vong.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã đặt stent vào vị trí tổn thương, giúp khơi thông dòng máu nuôi tim. Huyết động cải thiện, nhịp tim dần ổn định trở lại. Người bệnh được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi sát sao.

Một tuần sau, cụ N. đã tỉnh táo, rút được máy thở, huyết áp ổn định và được chuyển về Khoa Nội tim mạch. Sau 8 ngày điều trị tích cực tại khoa, ông đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Nhập viện sớm giúp tăng tỷ lệ cứu người bệnh nhồi máu cơ tim

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đạt cho biết, ngay khi tiếp nhận, người bệnh đã rơi vào tình trạng ngừng tim, tụt huyết áp nguy kịch. Lúc đó, chúng tôi chỉ có một mục tiêu là giành lại sự sống. Nhờ kích hoạt báo động đỏ kịp thời, toàn bộ ê kíp đã phối hợp nhịp nhàng, vừa hồi sức, vừa chuẩn bị can thiệp mạch vành. May mắn cho người bệnh vì người nhà đã nhận biết sớm và đưa đi viện đúng lúc, yếu tố then chốt giúp cứu sống người bệnh thành công.

“Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu đau thắt ngực, vã mồ hôi, khó thở, mệt đột ngột,… kể cả khi đang nghỉ ngơi, hãy nghĩ ngay đến nguy cơ nhồi máu cơ tim, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc có tiền sử bệnh tim mạch”, bác sĩ Đạt khuyến cáo

Ai có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp?

Theo bác sĩ Đạt, nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở các nhóm người như:

Người cao tuổi, nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh. Chức năng và khả năng vận động của mỗi người thường giảm khi cơ bắp yếu đi. Vận động là cách tốt nhất để làm chậm quá trình mất cơ, duy trì khả năng hoạt động của hệ thống tim mạch trong việc hấp thụ và vận chuyển oxy.

Người có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận mạn; rối loạn mỡ máu di truyền. Những người có các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu cần khám, theo dõi định kỳ để điều chỉnh kịp thời chế độ ăn, lối sống cũng như sử dụng các thuốc khi cần thiết. 

Người hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.

Người thân bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ não sớm trước 55 tuổi (đối với nam) và trước 65 tuổi (đối với nữ)…