Trình Quốc hội dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)

Tương trợ tư pháp về hình sự: Tăng cường sự hỗ trợ giữa các quốc gia Đại biểu Quốc hội đề nghị không bỏ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả Luật Tình trạng khẩn cấp: Phân cấp, phân quyền để ứng phó kịp thời với các tình huống

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, dự án Luật đã lược bỏ các nội dung chi tiết, mang tính kỹ thuật, các vấn đề mới đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định để giao Chính phủ, Bộ trưởng, địa phương quy định theo thẩm quyền nhằm đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trình Quốc hội dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã lược bỏ một số thuật ngữ không còn phù hợp và một số hành vi bị nghiêm cấm để phù hợp với thực tế, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, dự án Luật cũng lược bỏ quy định đối với 20% số lượng thủ tục hành chính và 33% điều kiện kinh doanh so với Luật Đường sắt hiện hành để đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt. Ngoài ra, trong dự án Luật đã cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm theo quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đối với đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và đường sắt chuyên dùng; kinh doanh đường sắt, khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.

Cơ bản thống nhất với các quy định chung về phân loại đường sắt và cấp kỹ thuật đường sắt (Điều 9), tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị rà soát, làm rõ quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho từng loại hình đường sắt; sự kết nối giữa các loại hình này trong hệ thống giao thông đường sắt quốc gia; tính hợp lý và khả thi trong việc phân loại hệ thống đường sắt gắn với đối tượng quản lý, nguồn lực đầu tư.

Về quy hoạch mạng lưới đường sắt và quy hoạch tuyến đường sắt và ga đường sắt (Điều 7), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị rà soát, làm rõ những nội dung mới, khác so với quy định của Luật Quy hoạch. Nếu không có những nội dung mới, đề nghị dẫn chiếu thực hiện theo Luật Quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật.

Trình Quốc hội dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Về kết nối đường sắt (Điều 13), ông Lê Quang Huy đề nghị làm rõ và nghiên cứu, bổ sung một số quy định quan trọng như: Cơ chế kết nối đồng bộ và hiệu quả giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác; tiêu chí công suất của các cảng, đặc biệt là về cảng cạn và cảng hàng không; việc quyết định kết nối ray giữa các tuyến đường sắt chuyên dùng; nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế phối hợp liên ngành.

Về đầu tư xây dựng công trình đường sắt (Điều 19) và về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt (Điều 21), một số ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035.

Một số ý kiến khác đề nghị báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Điều 19, Điều 21 để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật.

Về phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt (Chương III, từ Điều 27 đến Điều 34), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực đường sắt, giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng; nghiên cứu bổ sung các quy định phát triển, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực đường sắt; quy định rõ về việc chuyển giao toàn bộ hay một phần công nghệ mang tính bắt buộc; đề nghị cần có quy định về trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ đường sắt, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học.

Trình Quốc hội dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. (Ảnh: QH)

Về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội (Điều 62), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị làm rõ các tiêu chí cụ thể để xác định chi phí hợp lý và quy trình bù đắp chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm cách thức xác minh và kiểm tra các khoản chi phí này; bổ sung các quy định về công khai thông tin trong quá trình hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội.

Đối với quản lý Nhà nước về hoạt động đường sắt (Chương VI, từ Điều 63 đến Điều 64), cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, chỉ quy định những nội dung thật sự cần thiết, đặc thù, bảo đảm quyền chủ động trong phân công, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề xuất một số nội dung đề nghị các đại biểu Quốc hội cần tập trung thảo luận (thể hiện trong Báo cáo đầy đủ), trong đó có ý kiến khác nhau về việc luật hóa tại các Điều 19, 21, 30 dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) một số cơ chế, chính sách đặc thù đang thực hiện thí điểm theo các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội.