Ứng dụng AI trong điều trị răng hàm mặt

Ngày 23.5, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, tổ chức hội nghị “Đa chiều tiếp cận – tối ưu điều trị”, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập bệnh viện.

Hội nghị có sự tham dự của gần 500 bác sĩ, chuyên gia…, với hơn 20 báo cáo tham luận về các lĩnh vực mũi nhọn của ngành răng hàm mặt.

Ứng dụng AI trong điều trị

Một trong những điểm nhấn quan trọng tại hội nghị năm nay của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, đó là các bài tham luận liên quan đến AI và công nghệ số, cho thấy cho sự phát triển của ngành răng hàm mặt trong bối cảnh công nghệ số được áp dụng trong nhiều lĩnh vực.

Ứng dụng AI trong cấy ghép implant được đánh giá là bước tiến vượt bậc giúp nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán hình ảnh, lập kế hoạch điều trị và cá nhân hóa phục hình…

Ứng dụng AI trong điều trị răng hàm mặt - Ảnh 1.

AI đang là xu hướng chung, trong đó có ngành răng hàm mặt, giúp hỗ trợ chẩn đoán, điều trị…

ẢNH: BSCC

Bác sĩ chuyên khoa 2 Tô Việt Thanh (Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Phó trưởng khoa Cấy ghép implant, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM), tham luận: “AI đang là xu hướng chung, trong đó có ngành răng hàm mặt. AI không chỉ giúp cấy ghép implant mà còn giúp kiểm soát các biến chứng. Tại châu Âu, Mỹ, AI còn chuẩn hóa chẩn đoán. Lợi ích của AI trong cấy ghép implant là rất lớn…”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tô Việt Thanh, việc dùng AI trong chẩn đoán, điều trị là vấn đề mới, cần có tính pháp lý từ Bộ Y tế.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Cảnh Thịnh (Trưởng khoa Nhổ răng – tiểu phẫu thuật, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM), AI hỗ trợ trong nha khoa, giúp nâng cao chất lượng điều trị; hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu, quyết định lâm sàng; giảm tải thời gian..

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Ngoài cập nhật về công nghệ trong ngành răng hàm mặt, nội dung hội nghị còn nói đến những vấn đề cốt lõi trong lâm sàng. Các báo cáo về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị phải có trách nhiệm; hay quản lý biến chứng do thuốc ở người cao tuổi… 

Những ca lâm sàng cụ thể trong phục hình thẩm mỹ cũng cho thấy tính thực tiễn cao và sự chuẩn hóa ngày càng rõ nét trong quy trình điều trị.

Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Trưởng phòng khám răng hàm mặt, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh cần có hiệu quả, an toàn trong điều trị nhiễm khuẩn vùng răng miệng. Lưu ý sử dụng kháng sinh với trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi; chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết…

Thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Khoa (Phó giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM), cho rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh đối với bệnh nhân rất được các bác sĩ quan tâm, lưu ý trong sử dụng trước và sau phẫu thuật.

Ứng dụng AI trong điều trị răng hàm mặt - Ảnh 2.

Tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, cho rằng ứng dụng AI là bước tiến mới trong điều trị

ẢNH: KHÁNH VY

Tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, cho rằng ứng dụng AI là bước tiến mới trong điều trị. Hội nghị là dịp đặc biệt để nhìn lại hành trình 45 năm xây dựng và phát triển bệnh viện; đồng thời tiếp tục đổi mới trong đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học và chăm sóc người bệnh.

Theo ông Chánh, với đội ngũ chuyên môn kinh nghiệm và tâm huyết, bệnh viện luôn nỗ lực để hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững trong chuyên môn.

Vai trò quan trọng của điều dưỡng trong chăm sóc toàn diện

Hội nghị có phần tham luận của khối điều dưỡng, với nhiều chủ đề sâu sát thực tế, như: Đánh giá dụng cụ phẫu thuật; khảo sát tình trạng dinh dưỡng; chăm sóc người bệnh khe hở môi – vòm miệng sau tạo hình mũi… Những yếu tố này góp phần nâng cao chất lượng điều trị và nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe răng miệng toàn diện.