Xúc động: Chạy xe máy gần 300 km đưa con 2 tuổi đi ghép gan



Một gia đình vượt gần 300 km bằng xe máy từ Đắk Nông đến TP.HCM để đưa con gái 2 tuổi đi ghép gan. Đây là ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Chiều 18-4, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tổ chức buổi chia sẻ thông tin về ca ghép gan thành công từ người hiến chết não đầu tiên tại bệnh viện. Bệnh nhi được ghép gan là bé gái NTN (21 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) bị suy gan giai đoạn cuối.

Ca ghép đầu tiên mở ra nhiều cơ hội

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó khoa Gan – Mật – Tuỵ và Ghép gan (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết vào chiều 6-4, bệnh viện nhận được thông báo khẩn từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về hiến – ghép bộ phận cơ thể người.

Người hiến tạng là một bệnh nhân nam (50 tuổi), bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, được xác định chết não tại Bệnh viện Quân y 175.

Theo nguyện vọng gia đình, các bộ phận trên cơ thể ông được hiến tặng, trong đó có một phần gan trái dự kiến dành cho bệnh nhi.

Bệnh Nhi Được Ghép Gan Là Bé Gái Ntn (21 Tháng Tuổi, Ngụ Tỉnh Đắk Nông) Bị Suy Gan Giai Đoạn Cuối. Ảnh: Bvcc

Bệnh nhi được ghép gan là bé gái NTN (21 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) bị suy gan giai đoạn cuối. Ảnh: BVCC

Ngay lập tức, hội đồng chuyên môn ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 tiến hành hội chẩn và xác định người nhận phù hợp là bé N. Bệnh nhi này mắc xơ gan từ lúc 1 tháng tuổi do ứ mật tiến triển trong gan do di truyền, tiên lượng gan không hồi phục mà nặng dần.

Ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên cho bệnh nhi bắt đầu lúc 18 giờ ngày 8-4. Sau 8 tiếng, ca phẫu thuật đã thành công.

3 ngày sau ghép gan, bệnh nhi có sinh hiệu ổn và tiếp tục được theo dõi. Hiện sức khoẻ bệnh nhi ổn định.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết đây là ca ghép gan thứ 50 tại bệnh viện, và là ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên.

“Ca ghép này không chỉ là cột mốc quan trọng về mặt chuyên môn mà còn mở ra một hướng đi mới trong việc cứu sống trẻ em mắc bệnh gan mạn tính. Trước đó, phần lớn các ca ghép gan tại bệnh viện được thực hiện từ người hiến sống, chủ yếu là cha mẹ của bệnh nhi” – bác sĩ Thạch chia sẻ.

Hành Trình Phát Triển Kỹ Thuật Ghép Gan Tại Bệnh Viện Nhi Đồng 2 Đã Kéo Dài Hơn 20 Năm. Ảnh: Bvcc

Hành trình phát triển kỹ thuật ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã kéo dài hơn 20 năm. Ảnh: BVCC

Hành trình phát triển kỹ thuật ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã kéo dài hơn 20 năm. Ca ghép gan đầu tiên được thực hiện vào năm 2005. Từ đó đến năm 2019, mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 1-2 ca. Nhưng từ năm 2020, bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn kỹ thuật và số lượng ca ghép ngày càng tăng.

“Việc mở rộng ghép gan từ người hiến chết não là xu hướng tất yếu, phù hợp với định hướng y học hiện đại, giúp tăng khả năng cứu sống bệnh nhi. Trong khi nguồn hiến từ cha mẹ ngày càng hạn chế, việc đẩy mạnh ghép từ người chết não sẽ là giải pháp quan trọng cho tương lai” – BS Thạch nhấn mạnh.

Món quà kỳ diệu không ngờ tới

Chia sẻ về bệnh tình của con, chị Tâm (mẹ bệnh nhi được ghép gan) cho biết từ khi sinh ra, bé đã có dấu hiệu vàng da, lúc đầu chỉ vàng nhẹ nhưng ngày càng nặng.

Đến khi 2 tháng tuổi, thấy mắt bé vàng nhiều hơn, gia đình mới đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Các bác sĩ xác nhận bé bị bệnh lý về gan mật, không thể điều trị bằng thuốc.

Ca Ghép Gan Đầu Tiên Từ Người Hiến Chết Não Tại Bệnh Viện Nhi Đồng 2 Mở Ra Cơ Hội Cho Nhiều Bệnh Nhi Chờ Ghép Gan Khác. Ảnh: Bvcc

Ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2 mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhi chờ ghép gan khác. Ảnh: BVCC

Sau khi được thông báo về tình trạng bệnh của con, gia đình chị Tâm đã đối mặt với nhiều lo lắng, nhất là khi bác sĩ đề nghị ghép gan.

Hoàn cảnh bệnh nhi khó khăn, cha mẹ đều là nông dân, gia đình không có đủ điều kiện tài chính. Dù ban đầu chưa có ý định ghép gan, nhưng với sự động viên từ gia đình, chị Tâm quyết định tìm cơ hội, bắt đầu tìm hiểu về ghép gan.

Khi bé được 7 tháng tuổi, các xét nghiệm cho thấy bé cần ghép gan gấp. Gia đình đã quyết định làm các xét nghiệm để ghép gan từ người nhà. Tuy nhiên, kết quả cho thấy người cha không đủ điều kiện vì bị mỡ máu cao. May mắn thay, người dì của bé đủ điều kiện hiến gan cho bé.

Vào một chiều muộn, bác sĩ gọi điện thông báo có một lá gan từ người hiến chết não sẵn sàng hiến cho bé.

“Nghe bác sĩ gọi thông báo như vậy, tôi rất mừng, nhưng cũng lo lắng. Từ Đắk Nông đến TP.HCM gần 300 km, tôi chỉ có vài triệu đồng trong tay, không biết phải xoay sở sao. Nhưng gia đình quyết định lên đường ngay, dù không có chuẩn bị gì” – chị Tâm nói.

Vậy là gia đình chị Tâm vượt quãng đường gần 300 km đưa con đi ghép gan, một hành trình đầy vất vả và hy vọng. Mặc dù cuộc sống khó khăn, gia đình vẫn quyết tâm vượt qua tất cả để tìm cho con cơ hội sống.

“Chúng tôi chân thành cảm ơn người đã hiến gan và gia đình đã nén đau thương để làm một việc ý nghĩa, giúp con gái tôi có cơ hội được cứu. Cảm ơn các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tận tình cứu chữa, hồi sinh sự sống cho con tôi” – chị Tâm bày tỏ.

Kỳ vọng số ca ghép gan tiếp tục tăng

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, dù đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng danh sách bệnh nhi chờ ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn còn rất dài, trong khi trung bình mỗi năm chỉ thực hiện được khoảng 12-15 ca ghép.

Với việc mở rộng chỉ định, đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế, bệnh viện kỳ vọng số ca ghép sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhi đang cần ghép gan.

Chia Đôi Lá Gan Của Một Người Chết Não Ghép Cho Hai Bệnh Nhân

Chia đôi lá gan của một người chết não ghép cho hai bệnh nhân

TP HCM – Một người đàn ông 44 tuổi chết não, lá gan được chia đôi ghép cho một bé gái 9 tháng tuổi và một bệnh nhân nam 53 tuổi.

Bấm xem >>