Đọc hồi ký “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập”: Đánh giặc cho tốt là lo cho nước và cũng là lo cho nhà

Đọc lại hồi ký Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập (NXB Thông tấn, Alphabooks) của thiếu tướng Hoàng Đan, người đọc không chỉ thấy chân dung một vị tướng tài ba, dạn dày trận mạc với tư duy quân sự sắc sảo. Hơn thế, những trang viết của ông còn chất chứa biết bao tình cảm chân thực, lay động về cuộc đời, về cuộc chiến, về gia đình trong một thời kỳ hào hùng của dân tộc, khi mục tiêu giải phóng miền Nam được đặt lên cao nhất.

Càng ý nghĩa hơn khi mới đây, cuốn sách được tái bản song ngữ Việt – Anh, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sau 15 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 2010.

Nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác…

Thoáng qua, phần nhiều nội dung của cuốn hồi ký kể về những trận đánh ác liệt trong hành trình thống nhất đất nước, qua lời kể của tướng Hoàng Đan. Nhưng càng đọc kỹ, ta càng nhận ra, đằng sau từng con chữ rắn rỏi, thấp thoáng hình bóng một vị “hổ tướng” xứ Nghệ với những suy ngẫm sâu sắc.

Đọc Hồi Ký &Amp;Quot;Từ Sông Bến Hải Đến Dinh Độc Lập&Amp;Quot;: Đánh Giặc Cho Tốt Là Lo Cho Nước Và Cũng Là Lo Cho Nhà - Ảnh 1.

Hồi ký “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập” của thiếu tướng Hoàng Đan

Đơn cử, sau những khoảnh khắc tưng bừng của đại thắng mùa Xuân 1975, cảm xúc trong ông thật đặc biệt: “Lúc về định nghỉ, nhưng thực ra không ai nghỉ được. Việc nắm tình hình thì cũng không khó lắm, đã có một số đồng chí cơ quan làm. Sở dĩ không ngủ được vì tình hình diễn ra nhanh quá. Chuyện nhiều quá, kể cho nhau nghe không hết được. Có lẽ cũng không phải chuyện nhiều, mà cái chính là người nào cũng có cảm giác là lạ, có lẽ là cảm giác vui mừng” – ông viết.

“Nhưng lúc đó cũng không hiểu cảm giác gì. Ngồi nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác. Nghĩ không biết bây giờ anh em đang làm gì. Có canh gác cẩn thận hoặc lại lơ là, mất cảnh giác. Nghĩ Hà Nội bây giờ ra sao, vợ con mình nghĩ gì lúc này, khi chiến tranh đã kết thúc” – tướng Hoàng Đan tâm tư – “Nghĩ thương các đồng chí hy sinh trước giờ chiến thắng… Nghĩ rất nhiều, hết chuyện này sang chuyện khác. Ngồi nghỉ, nói chuyện với nhau, một vài mệnh lệnh cần thiết, cứ thế chúng tôi thức đến sáng”.

Đọc Hồi Ký &Amp;Quot;Từ Sông Bến Hải Đến Dinh Độc Lập&Amp;Quot;: Đánh Giặc Cho Tốt Là Lo Cho Nước Và Cũng Là Lo Cho Nhà - Ảnh 2.

Hồi ký vừa được ra mắt gần đây tại Hà Nội

Từ những xúc cảm sâu lắng ấy, ông chiêm nghiệm: “Con đường đến Dinh Độc Lập thật là xa. Từ sông Bến Hải? Không phải, từ Khe Sanh. Cũng không phải từ Khe Sanh, mà từ những ngày đầu chống Mỹ, từ những ngày đầu chống Pháp thì đúng hơn. Rồi đây tất nhiên còn nhiều việc để làm. Trước mắt dẫu sao cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ cao cả nhất: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Và rồi, những tâm tư, chiêm nghiệm này đã làm nên một Hoàng Đan vừa là vị tướng quả cảm, vừa là con người nhạy cảm, sâu sắc, điều mà nếu không nhờ con trai ông, doanh nhân Hoàng Nam Tiến, sưu tầm và giới thiệu di cảo trong lần tái bản này, có lẽ ít người có thể hình dung được.

“Anh nghĩ anh cũng như mấy đồng chí khác, cũng phải cố gắng kết thúc chiến tranh sớm để khỏi phải phiền đến con chúng ta, để cho chúng được hòa bình, học tập, xây dựng đất nước” – TRÍCH THƯ GỬI VỢ CỦA THIẾU TƯỚNG HOÀNG ĐAN.

“Vợ chồng mình thương nhau, nhớ nhau nhất”

Song song với những ghi chép chiến sự chi tiết và chân thực, cuốn hồi ký còn là một kho tư liệu quý giá thể hiện sâu sắc tình cảm gia đình của thiếu tướng Hoàng Đan.

Giữa làn đạn lửa khốc liệt, ông vẫn đau đáu nhớ về hậu phương, về người vợ thân yêu và các con, vẫn đều đặn gửi thư về nhà với tất cả yêu thương và hy vọng vào một ngày đoàn tụ trong hòa bình. Để rồi, qua hồi ký, có một tướng Hoàng Đan hiện lên ấm áp vô cùng: Một người chồng nặng nghĩa tình, một người cha mẫu mực.

Cụ thể, năm 1974, giữa những ngày nóng bỏng nhất của chiến dịch Thượng Đức, từ chiến trường, thiếu tướng Hoàng Đan (46 tuổi) đã viết thư cho vợ – bà An Vinh (41 tuổi) – bày tỏ tình yêu thương sâu đậm. Theo doanh nhân Hoàng Nam Tiến, đó là bức thư hay và cảm động nhất giữa ba và mẹ.

Đọc Hồi Ký &Amp;Quot;Từ Sông Bến Hải Đến Dinh Độc Lập&Amp;Quot;: Đánh Giặc Cho Tốt Là Lo Cho Nước Và Cũng Là Lo Cho Nhà - Ảnh 4.

Doanh nhân Hoàng Nam Tiến (con trai thiếu tướng Hoàng Đan) và cuốn hồi ký của cha

 “Vợ chồng nào thì cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau nhớ nhau nhất. Nhiều người nói khi đã đứng tuổi thì niềm thương nhớ cũng đứng lại” – thư viết – “Anh thì anh thấy ngược lại. Càng ngày càng thương càng nhớ em nhiều hơn, có lúc anh thấy như không thể xa em được, anh muốn em luôn bên cạnh anh, nếu ai hỏi anh muốn làm gì anh trả lời dứt khoát: Anh muốn em làm công tác bên anh”.

Rồi trên đường tiến vào giải phóng các tỉnh dọc miền biển và tiến về Sài Gòn, qua thư ngày 1/4/1975, ông vẫn tận tình kể cho vợ nghe chuyện chiến trận: “Xa em cho đến hôm nay là đúng 1 tháng, các anh đã hoàn thành 2 chiến dịch, chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế và chiến dịch giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng. Riêng đơn vị anh bắt được khoảng 3 vạn tù binh. Như thế chắc em hết thắc mắc tại sao anh lại ra gặp em được 1 – 2 ngày đã vào ngay”.

“Anh nghĩ anh cũng như mấy đồng chí khác, cũng phải cố gắng kết thúc chiến tranh sớm để khỏi phải phiền đến con chúng ta, để cho chúng được hòa bình, học tập, xây dựng đất nước” – ông hẹn ước.

Rồi sau ngày giải phóng, trong thư gửi vợ, tướng Hoàng Đan tiếp tục giãi bày: “Chiến tranh thế là kết thúc, từ nay có gì thì cũng không vất vả như chiến tranh nữa. Bọn anh thế mà cũng may, tuy đi từ Đà Nẵng vào, tuy gấp nhưng cũng vào kịp và lại nhanh chân nhảy vào Dinh Độc Lập trước, bắt được toàn bộ chính phủ của nó”.

“Em hay nói anh ham đi đánh mà quên việc gia đình, chưa ra đến nơi đã vào. Anh nghĩ đánh giặc cho tốt là lo cho nước và cũng là lo cho nhà” – ông viết trong thư.

Với những trải lòng như thế, Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập không dừng lại ở một hồi ký chiến trường của một vị tướng. Trên hết, đó còn là một cuốn nhật ký tâm hồn đúng nghĩa của một thế hệ đi qua chiến tranh, luôn tin vào lý tưởng cao đẹp. Và rồi hôm nay, khi thế hệ sau đọc lại, vẫn có thể cảm nhận được nguồn cảm hứng sống mãnh liệt lan tỏa qua từng con chữ.

  • Ra Mắt Hồi Ký 'Phóng Viên Chiến Trường' Của Nhà Báo Trần Mai Hưởng: Trên Những Nẻo Đường Chiến Tranh Và Hòa Bình

    Ra mắt hồi ký ‘Phóng viên chiến trường’ của nhà báo Trần Mai Hưởng: Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình

     05/12/2023 11:00

Như lời con trai ông – doanh nhân Hoàng Nam Tiến: “Ba tôi nói rất giản dị: Anh phải đi đánh nhau để con mình không phải đánh nhau nữa. Điều khiến tôi khâm phục nhất ở ông không chỉ là tư duy quân sự sắc bén, mà là tinh thần lạc quan, tin rằng mình sẽ trở về, sẽ sống và chiến thắng”.

Anh Hoàng Nam Tiến cũng cho biết: “Ba tôi từng nói: 50 năm có thể là một khoảng thời gian ngắn trong lịch sử dân tộc, nhưng đủ dài để chúng ta nhìn lại sự vĩ đại, anh hùng và quả cảm của những người lính vô danh đã ngã xuống vì mục tiêu thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc”.

Ghi chép từ trong bom đạn

Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 – 2003) – nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 304, người trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn như Khe Sanh 1968, Đường 9 Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972, Thượng Đức 1974 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Trong những ngày hành quân, chỉ huy chiến dịch trong làn bom đạn, ranh giới giữa sinh tử chỉ trong gang tấc, ông đã tranh thủ ghi chép từng trang nhật ký về những khoảnh khắc đáng nhớ. Doanh nhân Hoàng Nam Tiến – con trai thiếu tướng Hoàng Đan – đã giữ gìn từng trang nhật ký này và xuất bản thành cuốn hồi ký.

Tướng Hoàng Đan đã để lại trong hồi ký không chỉ một dòng chảy sự kiện khốc liệt, mà còn là tinh thần quân sự, tư duy chiến lược và lòng nhân ái của một vị tướng. Ông viết: “Tôi mong con và cháu của tôi giữ lại những trang hồi ức này như một kỷ vật của gia đình. Tôi thành thật cảm ơn bất kỳ ai đọc những trang hồi ức của tôi, vì như vậy, dẫu sao lao động của tôi cũng có ích”.