Góc nhìn 365: Đọc sách trong tháng Tư lịch sử

Chúng ta vừa đi qua Ngày Sách và Bản quyền Thế giới vào hôm qua 23/4. Xa hơn, tuần lễ gắn với Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) đã bắt đầu trên toàn quốc từ 15/4 và sẽ kéo dài trong 2 tuần. Cùng khoảng thời gian này, cả cộng đồng đang hướng về dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có lẽ, đó là sự trùng hợp không ngẫu nhiên, nếu ta nhìn câu chuyện như một lời nhắc đúng lúc: Hãy đọc để hiểu, để nhớ, và để không quên mình đến từ đâu.

Thực tế, những ngày này, dù bán online hay trực tiếp, nhiều hiệu sách trang trọng giới thiệu những ấn phẩm gợi lại một giai đoạn không thể quên của dân tộc.

Tại đó, những cuốn sách tái bản như hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, hồi ký chiến trường Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập của Thiếu tướng Hoàng Đan… đang trở thành tâm điểm chú ý từ người mua.

Góc Nhìn 365: Đọc Sách Trong Tháng Tư Lịch Sử - Ảnh 1.

Hồi ký “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập”. Ảnh: NXB cung cấp

Được chú ý bởi những cuốn sách được đặt trong dòng chảy ký ức lịch sử của độc giả vào dịp này. Và từ ký ức ấy, hẳn những độc giả trung niên và cao niên đang nhớ lại quá khứ của chính mình, khi cả một thế hệ từng say mê những trang sách gắn với các cuộc kháng chiến như Trước giờ nổ súng, Hòn Đất, Dấu chân người lính…

Nhiều độc giả lớn tuổi ấy từng nói về việc một số bạn trẻ chưa đọc, chưa say mê những đầu sách này. Có lẽ, quãng thời gian hơn nửa thế kỷ đã làm thay đổi rất nhiều tới tính thời sự trong những đầu sách mà giới trẻ quan tâm. Và nữa, trong thời buổi của công nghệ, cách đọc sách cũng đang biến đổi: ngắn gọn và trực quan hơn. Ở đó, một clip review có thể kể hết nội dung cuốn sách trong dăm phút. Một bài tóm tắt từ AI có thể tạm thay thế vài trăm trang sách thật.

Nhưng vẫn sẽ có những thứ không thể rút gọn: cảm xúc, chiều sâu và trải nghiệm. Giống như, dù là sáng tác, khảo cứu hay hồi ký, dù được viết trước hay sau chiến tranh, những cuốn sách gắn với thời chống Pháp, chống Mỹ không chỉ để kể chuyện. Bởi, chúng được viết từ những chứng nhân của một thời, với tất cả cảm xúc và trải nghiệm. Đọc những trang sách ấy, ta không chỉ biết thêm về lịch sử, mà còn hiểu vì sao một thế hệ sẵn sàng lên đường và dành trọn tuổi thanh xuân cho lý tưởng.

***

Đọc, không phải để hoài cổ hay ép mình tri ân một cách hình thức, mà để hiểu về một thế hệ dám sống và dám chết cho lý tưởng. Đọc, hiểu được hành trình họ đã đi, ta sẽ hiểu hơn chính thực tại, nơi mình đang sống. Hiểu được rằng hòa bình, thống nhất đến từ sự hy sinh và niềm tin – chứ không phải món quà tặng không.

  • Góc Nhìn 365: Hãy Cầm Sách Lên

    Góc nhìn 365: Hãy cầm sách lên

     15/04/2025 06:23

Và, sao ta lại không đọc ngay trong tháng Tư – khi bối cảnh đọc không chỉ làm nên cảm xúc, mà còn giúp ta kết nối sâu hơn với trang viết. Dù là sáng tác văn học, hồi ký hay khảo cứu, dù được sáng tác trước hay sau chiến tranh, những cuốn sách ấy sẽ không còn là chuyện quá khứ – mà là một phần trong câu chuyện hôm nay – nếu bạn đọc chúng vào những ngày này.

Tháng Tư, khi cả nước cùng nhìn về một cột mốc lịch sử, bạn sẽ chọn đọc gì để tự hiểu thêm về chính mình?