Khi ‘toàn dân thi đua làm giàu’

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Ông đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một thông tin quan trọng trong dòng thời sự chủ lưu: Tại Hội nghị toàn quốcquán triệt Nghị quyết 66 (về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật) và Nghị quyết 68 (về phát triển kinh tế tư nhân), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Thương trường là chiến trường”, cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các thương nhân – chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng cho biết: Ông đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi 'toàn dân thi đua làm giàu' - Ảnh 1.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

***

Không khó hiểu khi thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính về phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu đang nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua. Bởi, nó chạm đến một suy nghĩ: Chúng ta đã sẵn sàng nhìn nhận sự giàu có như một giá trị tích cực và cần được khuyến khích?

Câu hỏi ấy không nằm ở chuyện “giàu là tốt hay xấu” – điều đã được xác định rõ ràng, đặc biệt là trong quá trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân gần 4 thập niên. Nó gắn với thực tế khác: Dù không còn gay gắt, chút lưỡng lự trong cách nhìn về người giàu vẫn âm thầm tồn tại trong đời sống xã hội. Lưỡng lự không phải bởi chúng ta thiếu khát vọng vươn lên, mà bởi sự giàu có trong nhiều trường hợp vẫn chưa được nhìn nhận dứt khoát như một giá trị chính đáng.

Nhìn lại, rải rác trong các sáng tác từ dân gian tới hiện đại, hình ảnh người giàu không hiếm lần hiện lên với sắc thái tiêu cực. Ở đó, dù là gã lái buôn gian xảo trong cổ tích, những “con phe” trong thời bao cấp, người có của vẫn mở ra liên tưởng về sự láu cá, keo kiệt, thậm chí bất lương… Để rồi, những mô-típ lặp lại ấy vừa nuôi dưỡng, vừa cho thấy một định kiến: Người giàu chưa hẳn đáng được tôn trọng.

Có rất nhiều lý do để giải thích cho điều này. Một phần, chúng đến từ bối cảnh xưa của xã hội phong kiến: Khi pháp luật chưa hoàn chỉnh và hoạt động thương mại còn manh mún, sự giàu có từ buôn bán dễ bị xem là bất minh. Rồi, sang thời kỳ hiện đại, đã có những thời điểm việc kinh doanh cá nhân – vốn là con đường cơ bản để làm giàu – lại không được chúng ta ưu tiên bằng những nhiệm vụ khác trong xã hội…

Khi 'toàn dân thi đua làm giàu' - Ảnh 2.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

***

Kể chuyện cũ, để hướng về thực tế mới: Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một định hướng về nhận thức: Xã hội cần thoát hẳn khỏi những định kiến còn rơi rớt, để nhìn nhận sự giàu có như một thành phần thiết yếu trong công cuộc phát triển. Tại đó, làm giàu không phải một nỗ lực cá nhân, mà cần được hiểu như một phần trách nhiệm của mỗi công dân.

Bởi, nếu nhìn sang bối cảnh thế giới, với sự cạnh tranh khốc liệt về năng lực đổi mới và nội lực kinh tế, việc đặt người dân vào vị trí trung tâm tăng trưởng của một nền kinh tế đang nỗ lực vươn lên như Việt Nam là lựa chọn tất yếu. Trong lựa chọn này, mỗi người không nên – và không thể – giữ tâm lý an phận như một chuẩn mực. Nếu đến từ sức lao động, từ sáng tạo và trách nhiệm, sự giàu có phải được công nhận như một mục tiêu có tính chính danh.

Và theo góc nhìn ấy, phong trào toàn dân thi đua làm giàu đương nhiên không thể được hiểu đơn giản như một cuộc chạy đua mang tính vật chất – và càng không phải sự phân loại giàu nghèo theo thước đo tài sản. Đó là lời động viên khuyến khích mỗi người cùng tham gia vào một hành trình tạo ra giá trị cho bản thân, cho xã hội, và cho cả cộng đồng.

Tại đó, dù là một người nông dân chuyển hướng sang canh tác nông nghiệp chất lượng cao, một người thợ thủ công tích góp mở xưởng dịch vụ hay một sinh viên trẻ muốn khởi nghiệp trong môi trường công nghệ số… – tất cả đều là những lát cắt của một xã hội đang làm giàu theo đúng nghĩa.

  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

    Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

     17/05/2025 14:52

  • Nghị quyết 68 tạo hào khí mới cho sự phát triển của kinh tế tư nhân

    Nghị quyết 68 tạo hào khí mới cho sự phát triển của kinh tế tư nhân

     15/05/2025 16:26

Nhất là khi, hành trình ấy đang từng bước được đặt vào khuôn khổ rõ ràng, với luật chơi minh bạch, có sự đồng hành, kiến tạo của nhà nước và sự bảo vệ của pháp luật – những điều mà Nghị quyết 68 đang mở ra.

Một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu chỉ dựa vào đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước hay dòng vốn FDI. Một nền kinh tế muốn có gốc rễ vững chắc phải dựa vào những người dân làm kinh tế giỏi. Và một phong trào thi đua làm giàu phải được nuôi dưỡng trong một xã hội đã sẵn sàng chào đón những công dân không ngại giàu, không giấu giấc mơ làm giàu, và không lúng túng khi nói về con đường tích lũy số của cải của mình.