“Trend 26+”: Kiến tạo bản sắc Việt Nam trong dòng chảy xu hướng

Trend 26+ (NXB Phụ nữ Việt Nam) không chỉ là một ấn phẩm xu hướng đầu tiên trong ngành kiến trúc nội thất Việt Nam, mà còn là lời tuyên ngôn đầy bản lĩnh về bản sắc dân tộc giữa làn sóng toàn cầu hóa. 

Vượt lên khuôn khổ một ấn phẩm dự báo chuyên môn, Trend 26+ được giới chuyên gia đánh giá là nỗ lực có hệ thống đầu tiên nhằm định hình phong cách nội thất và kiến trúc Việt Nam trong tầm nhìn dài hạn.

Như lời của KTS Lê Trương (Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam) nhấn mạnh: “Xu hướng không phải là thứ tự nhiên sinh ra. Nó phải được quan sát, chọn lọc và kiến tạo trên nền tảng của văn hóa và nhu cầu xã hội”. Đây cũng chính là trọng tâm của Trend 26+, một ấn phẩm không chỉ theo dõi trào lưu, mà còn chủ động góp phần hình thành tiếng nói thiết kế riêng biệt mang tinh thần Việt Nam.

"Trend 26+": Kiến tạo bản sắc Việt Nam trong dòng chảy xu hướng - Ảnh 1.

KTS Lê Trương (Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam) phát biểu tại sự kiện ra mắt ấn phẩm “Trend 26+”

Bản sắc trong Trend 26+ được tiếp cận dưới nhiều góc độ: từ vật liệu, công năng cho đến thẩm mỹ và triết lý sống. 31 xu hướng lớn được giới thiệu trong ấn phẩm đều phản ánh sự hòa quyện giữa yếu tố địa phương và yêu cầu hiện đại: thiết kế vị nhân sinh, nội thất xanh, kiến trúc chữa lành, văn hóa bản địa được tái định nghĩa trong không gian sống. Cũng chính nhờ sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam am hiểu bối cảnh nội địa, ấn phẩm đã chỉ ra các “điểm tiếp biến” đặc trưng, nơi văn hóa Việt hòa nhập với các xu hướng toàn cầu nhưng vẫn giữ được cá tính riêng biệt.

Không dừng lại ở phân tích, Trend 26+ còn khơi gợi cách thức “kiến tạo bản sắc” thông qua thiết kế. Việc định vị các nhóm xu hướng như “nhân bản hóa không gian sống”, “bản địa hóa công nghệ”, hay “giao thoa văn hóa vùng miền” cho thấy một quan điểm rõ ràng: bản sắc không chỉ là di sản để giữ gìn, mà còn là nền tảng để sáng tạo. 

Theo NTK-TS Lưu Việt Thắng (Trưởng khoa Nội ngoại thất, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), Trend 26+ không chỉ đơn thuần là một bản đồ xu hướng, mà còn là hệ quy chiếu phản ánh cách chúng ta kiến tạo tương lai.

"Trend 26+": Kiến tạo bản sắc Việt Nam trong dòng chảy xu hướng - Ảnh 2.

NTK-TS Lưu Việt Thắng giới thiệu về ấn phẩm “Trend 26+”

Cụ thể, ấn phẩm này định hình 3 trụ cột chính trong thiết kế không gian sống hiện đại tại Việt Nam: bền vững và xanh hóa, cá nhân hóa và nhân bản, tích hợp công nghệ.

Cũng theo ông Thắng, những phân tích trong Trend 26+ còn đi sâu vào các chuyển động ngầm của xã hội: từ thay đổi hành vi tiêu dùng, lối sống đương đại đến khủng hoảng bản sắc và hành trình phục hồi văn hóa. Chính những yếu tố này, dù âm thầm nhưng mạnh mẽ, đang tạo nên bước ngoặt trong tư duy thiết kế và tổ chức không gian sống của người Việt Nam hôm nay.

"Trend 26+": Kiến tạo bản sắc Việt Nam trong dòng chảy xu hướng - Ảnh 3.

Ấn phẩm “Trend 26+ (NXB Phụ nữ Việt Nam)

Với sự tham gia của 45 chuyên gia, trong đó có 13 chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia, Philippines… Trend 26+ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập Việt Nam như một điểm kết nối chiến lược trong mạng lưới sáng tạo kiến trúc và nội thất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Minh chứng là, trong hành trình kéo dài 12 tháng, các chuyên gia đã cùng nhau phân tích, phản biện và đề xuất hướng đi cho ngành nội thất và kiến trúc, từ góc nhìn chuyển dịch toàn cầu đến đặc điểm riêng có của thị trường Việt Nam. Không chỉ tập trung vào xu hướng thị giác hay chất liệu, Trend 26+ đặt trọng tâm vào những chuyển động mang tính cấu trúc, sự thay đổi trong phong cách sống, tư duy thiết kế, khả năng tiếp cận công nghệ và các vấn đề môi trường, xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến cách con người kiến tạo không gian sống.

"Trend 26+": Kiến tạo bản sắc Việt Nam trong dòng chảy xu hướng - Ảnh 4.

KTS Hoàng Thúc Hào (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) chia sẻ tại sự kiện ra mắt ấn phẩm “Trend 26+”

KTS Hoàng Thúc Hào (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) khẳng định: “Sự xuất hiện của Trend 26+ đánh dấu một bước tiến chuyên sâu về tri thức, là chất liệu để các nhà thiết kế không chỉ cập nhật, mà còn sáng tạo và kết nối”. 

  • Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua các công trình kiến trúc

    Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua các công trình kiến trúc

     25/01/2025 12:00

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động bởi công nghệ, môi trường và sự dịch chuyển hành vi tiêu dùng, việc có một hệ thống dự báo xu hướng riêng, phù hợp với năng lực nội địa, là điều kiện tiên quyết để ngành thiết kế và nội thất Việt Nam không bị tụt lại phía sau. Từ thực tế này, theo các chuyên gia, Trend 26+ chính là bước đi đầu tiên để ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam tham gia tích cực vào các cuộc đối thoại khu vực, đồng thời tự tin giới thiệu những sản phẩm mang “chữ ký” văn hóa Việt đến với thế giới.