Xóa nhà tạm, nhà dột nát – mệnh lệnh của lương tri

“Phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025” – đó là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính, (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước) đưa ra trong phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo vào ngày 11/5 vừa qua.

Tại đó, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát”. Và ông nhấn mạnh: Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vinh quang, là mệnh lệnh của trái tim, lương tri, trách nhiệm với cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

***

Không ngẫu nhiên khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới những khái niệm lớn như “vinh quang” hoặc “mệnh lệnh của lương tri”. Bởi, người đứng đầu Chính phủ không chỉ nhấn mạnh một chủ trương, mà còn định vị bản chất của một chương trình có ý nghĩa xã hội quan trọng. Ở đó, xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là mục tiêu phát triển, mà còn là biểu hiện của một Nhà nước nhân văn, lấy sự ấm no của người dân làm mục tiêu quan trọng.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát - mệnh lệnh của lương tri - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và đại diện lãnh đạo Bộ công an thực hiện nghi thức khánh thành, bàn giao nhà đến hộ dân. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Cũng giống như, việc “dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát” không chỉ là lời khẳng định. Đó là tuyên bố của một nhà lãnh đạo về trách nhiệm với người dân, và cũng là trách nhiệm với những điều tưởng nhỏ bé nhưng lại đầy thiết thân trong đời sống: Một mái nhà che nắng che mưa, một không gian đủ an toàn để con người tồn tại và phát triển.

Chúng ta đều hiểu: Việc xóa hết hàng chục nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc không đơn thuần là câu chuyện rót vốn. Đó còn là một chuỗi hành động liền mạch, gắn với những bài toán phức tạp, đòi hỏi sự nhập cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến người dân và các tổ chức xã hội để tạo ra kết quả cuối cùng.

Nhưng cũng vì thế, đây là một nhiệm vụ mang ý nghĩa nền tảng. Bởi trong một đất nước đang đi lên với niềm tin và khát vọng ngày càng lớn, mỗi ngôi nhà mới cho người nghèo – để thay thế cho những mái tôn cũ kỹ, những vách tường tạm bợ – chính là minh chứng cụ thể về sự phát triển đồng đều và nhân văn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

***

Ngày 31/10 năm nay không còn xa, chỉ cách hiện tại hơn 5 tháng. Đó là thời hạn – và cũng là một cột mốc đòi hỏi sự quyết liệt, linh hoạt và chính xác của tất cả các phía, trước cái đích xóa bỏ hoàn toàn nhà dột, nhà tạm trên cả nước.

Có nghĩa, mỗi ngày trôi qua phải mang về những kết quả thực chất. Và nhìn sang thực tế, đó là điều hoàn toàn khả thi với những gì chúng ta làm được trong thời gian vừa rồi

Tính đến ngày 11/5, cả nước đã hỗ trợ xóa bỏ gần 209 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát; đã bàn giao hơn 111 ngàn căn để các hộ gia đình được ở trong ngôi nhà mới. Đặc biệt, tới ngày 7/5, 15 địa phương trên cả nước đã “về đích” khi không còn nhà dột nát, nhà tạm.

Ở đó, mỗi căn nhà dột nát, nhà tạm được xóa bỏ là một lời hứa được thực hiện. Là một điểm cộng cho niềm tin vào chính sách. Là thêm một viên gạch để xây nền móng vững chắc, cho niềm tin từ xã hội và cộng đồng.

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bằng trách nhiệm, tình thương, thần tốc, táo bạo hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát

    Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bằng trách nhiệm, tình thương, thần tốc, táo bạo hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát

     11/05/2025 13:09

Để rồi, khi căn nhà cuối cùng được hoàn thiện trước mốc 31/10 năm nay, đó sẽ là minh chứng mạnh mẽ: Ngay cả trong những khó khăn về ngân sách, những hạn chế về điều kiện thì trái tim, lương tri và sự quyết tâm của toàn hệ thống vẫn đủ sức hoàn thành một quyết sách nhân văn, ý nghĩa, chạm tới từng cảnh ngộ khó khăn trong cả cộng đồng.

Khi một người nghèo được trao một mái nhà kiên cố, đó là lúc họ được bảo vệ. Khi một gia đình khó khăn có nơi trú ngụ an toàn, đó là lúc họ có thêm cơ hội vươn lên. Và khi cả nước không còn nhà dột nát, đó không chỉ là điểm kết của một chương trình – mà là tin vui mới của một xã hội muốn hướng tới công bằng, văn minh, nhân ái.