5 dấu hiệu của trẻ đang chịu nhiều áp lực

Trẻ em ít khi than phiền về áp lực. Chúng thường im lặng, tiếp tục chịu đựng vì sợ làm bố mẹ thất vọng, hoặc sợ bị mắng. Nhưng khi chúng không chịu nổi nữa, việc sửa sai có thể đã muộn.

Dưới đây là 5 dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần nhìn lại cách mình đang đồng hành cùng con.

Né tránh hoặc trì hoãn

Khi quá tải nhưng lại sợ bố mẹ buồn, trẻ thường đưa ra đủ lý do để thoái thác như đau bụng, quên đồ, lề mề. Không phải vì trẻ lười, mà vì không biết cách đối mặt với áp lực. Và nếu không được hướng dẫn đúng cách, trẻ sẽ dần né tránh tất cả.

“Cha mẹ cần hỏi con đang làm điều này vì ai? Nếu lý do duy nhất là để làm hài lòng bố mẹ, cần cân nhắc lại”, nhà tâm lý học Lisa Damour (Mỹ) nói.

Không phải mọi hoạt động đều có thể bỏ. Nhưng cách phản ứng của cha mẹ sẽ quyết định việc con học được gì từ tình huống đó.

Chuyên gia Damour kể lại trường hợp một nữ sinh muốn bỏ thi Hóa học vì chưa ôn kịp. Nếu người cha đồng ý sẽ vô tình củng cố thói quen trốn tránh. Thay vào đó, ông hướng dẫn con cách xoay xở như hỏi lại thầy, học nhóm, xem hướng dẫn online. Cuối cùng, cô bé đi thi và tự tin hơn trong những lần sau.





Nhiều Khi Cha Mẹ Đang Gây Nhiều Áp Lực Cho Con Mà Không Biết. Ảnh Minh Họa: Huffpost

Nhiều khi cha mẹ đang gây nhiều áp lực cho con mà không biết. Ảnh minh họa: Huffpost

Không thể hồi phục năng lượng

Trẻ cáu gắt, khó tập trung, chán ăn, mất ngủ là những biểu hiện thường thấy khi cơ thể bị vắt kiệt. Trẻ em cần ngủ từ 9 đến 11 tiếng mỗi đêm, cộng thêm thời gian nghỉ ngơi xen kẽ trong ngày. Nếu con không có thời gian nạp lại năng lượng, mọi hoạt động dù bổ ích đến đâu cũng trở thành áp lực.

“Đừng dùng lịch sinh hoạt của con người khác để làm tiêu chuẩn cho con bạn”, Damour nói.

Mỗi đứa trẻ có một nhịp sinh học riêng, khả năng hồi phục khác nhau. Có trẻ chơi thể thao để giải tỏa căng thẳng. Có trẻ cần một giờ yên tĩnh để vẽ tranh hoặc đọc sách, hoặc ngủ. Hiểu con cần gì để hồi phục quan trọng không kém việc chọn học gì.

Không hứng thú rèn luyện

Những đứa trẻ được thúc đẩy bởi đam mê thường học tốt hơn trẻ bị ép buộc. Bạn có thể quan sát thái độ của con để biết điều này. Khi trẻ thật sự thích thú, chúng bền bỉ, học nhanh hơn và luôn muốn tiến bộ. Ngược lại, nếu con tỏ ra dửng dưng, có thể là dấu hiệu của sự mệt mỏi hoặc chán nản.

“Nếu con không còn động lực, hãy để con dừng lại. Đừng để hoạt động vốn có ích trở thành gánh nặng khiến trẻ đánh mất sự kết nối với chính mình”, Damour khuyên.

Đây không phải là sự lười biếng, mà biểu hiện của tâm lý cạn kiệt. Lúc này, thay vì thúc ép, cha mẹ nên lùi lại, tạo khoảng trống để con tự điều chỉnh.

Không quan tâm thành tích

Không phải đứa trẻ nào cũng học giỏi. Với những trẻ gặp khó khăn trong học tập bố mẹ thường ép con học nhiều hơn và điều này có thể phản tác dụng.

“Chúng ta thường quá chú trọng vào điểm yếu của con mà quên mất điểm mạnh, tài năng hay những điều con làm tốt”, chuyên gia nói.

Khi điểm thấp, trẻ dễ mất tự tin và hoài nghi về khả năng của mình. Phản ứng của bố mẹ lúc này rất quan trọng: bạn sẽ trách móc, ép con học thêm hay đợi và hỏi con chuyện gì đang xảy ra?

“Mọi chuyện thường đổ vỡ khi phụ huynh quan tâm đến kết quả học hơn cả con”, Damour nhận xét. “Lúc đó, ép con học nhiều hơn không phải là cách hay, nhất là với tuổi teen, việc này dễ phản tác dụng”.

Mở một cuộc đối thoại cởi mở có thể giúp đôi bên hiểu nhau hơn, thay vì tạo thêm khoảng cách bằng mệnh lệnh hay phán xét.

Thiếu niềm vui

Sự phấn khích của cha mẹ khi thấy con biểu diễn, thi đấu hay được khen ngợi là điều dễ hiểu. Nhưng hoạt động ngoại khóa vốn dĩ là lựa chọn, không phải nghĩa vụ.

“Hãy quan sát thái độ của con trước mỗi buổi học. Nếu con tỏ ra miễn cưỡng, lặng lẽ hoặc hay thở dài, đó là tín hiệu rõ ràng nhất”, chuyên gia nói.

Không cần trẻ phải hào hứng mọi lúc. Nhưng nếu tổng thể con không còn cảm thấy hứng thú, không còn thấy mình đang tiến bộ, có thể đã đến lúc nghỉ ngơi hoặc điều chỉnh lại hướng đi.

Bảo Nhiên (Theo Huffpost)