5 dấu hiệu nhận biết người hướng nội

Nghiên cứu của các nhà tâm lý Mỹ công bố trên tạp chí Personality and Individual Differences năm 2016 khẳng định hướng nội hay không thích giao tiếp xã hội không phải là bệnh lý, đơn giản chỉ là biến thể của “nhu cầu liên kết”.

Có một số đặc điểm chung, dễ nhận biết của nhóm người này.

Chán nản và muốn thoái thác khi cuộc hẹn tới gần

Mặc dù họ rất mong chờ một cuộc hẹn nào đó nhưng gần đến ngày bắt đầu cảm thấy “Có lẽ mình không muốn đi nữa” và chỉ muốn ở nhà.

Các nghiên cứu chỉ ra, người hướng nội có xu hướng mất năng lượng từ các tương tác xã hội kéo dài, trong khi người hướng ngoại ngược lại. Chính suy nghĩ về việc chia sẻ không gian và thời gian với người khác có thể khiến họ cảm thấy như một sự xâm nhập, đặc biệt là khi họ đang ở trong một “vùng tĩnh lặng”.

Đừng vội vàng quy kết họ có tính cách thất thường. Đó là cách não bộ và cảm xúc của họ tìm kiếm sự cân bằng và thoải mái.

Giả vờ không nhận ra người quen

Khi vô tình gặp một người quen trên đường, thay vì chào hỏi xã giao, một số người vờ như không nhìn thấy, không giao tiếp. Đây là một tính cách điển hình của những người “thích một mình”.

Tránh giao tiếp bằng mắt hoặc giả vờ không nhìn thấy ai đó là một chiến lược tự bảo vệ để kiểm soát chứng lo âu khi buộc phải giao tiếp của bản thân. Né tránh, trong trường hợp này, trở thành một cơ chế đối phó phổ biến, ngay cả trong những tình huống ít quan trọng như chào hỏi thông thường.

Đối với nhóm người này, các tương tác xã hội, đặc biệt là với người quen hoặc nơi công cộng, có thể gây sự mệt mỏi. Việc tránh chào hỏi có thể là cách họ giữ gìn sự tập trung tinh thần, hoàn toàn không phải là sự thù địch hay lạnh lùng.





Ảnh minh họa: Pexels

Ảnh minh họa: Pexels

Thoải mái khi đi ăn, mua sắm, du lịch… một mình

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, những người có tính độc lập và tự lực cao có xu hướng thích làm các hoạt động một mình.

Họ không dựa vào người khác để được xác nhận hoặc hỗ trợ về mặt cảm xúc trong các bối cảnh xã hội. Họ tự tin khi ở một mình, không coi sự cô đơn là sự phản ánh tiêu cực về cuộc sống xã hội.

Nghiên cứu cũng cho thấy những người có động lực nội tại, làm mọi việc vì sự thỏa mãn của bản thân thay vì để được chấp thuận, có nhiều khả năng thích các hoạt động một mình hơn.

Chậm trả lời tin nhắn, cuộc gọi

Một số người thường chỉ đọc các tin nhắn nhưng chậm trả lời. Đối với họ, những yêu cầu này có thể gây áp lực. Việc trả lời ngay lập tức có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi, vì vậy họ trì hoãn cho đến khi có không gian tinh thần để tham gia.

Nhóm người này cũng là những người “xử lý sâu”. Họ thường suy nghĩ trước khi nói hoặc phản hồi, thích những câu trả lời chu đáo, được soạn thảo tốt hơn là những phản ứng tự phát.

Theo lý thuyết về sự kích thích vỏ não của nhà khoa học Eysenck, nhóm người này có hệ thần kinh nhạy cảm hơn và dễ bị kích thích quá mức hơn. Một loạt tin nhắn, thông báo hoặc cuộc gọi có thể khiến họ cảm thấy choáng ngợp, khiến họ rút lui hoặc trì hoãn sự tương tác cho đến khi họ cảm thấy bình tâm trở lại.

Một mình không đồng nghĩa với cô đơn

Một số người theo bản năng thích một mình. Đối với họ, ở một mình có thể mang lại năng lượng, hiệu quả hoặc thậm chí là niềm vui. Các nghiên cứu cho thấy những người thích ở một mình có xu hướng ít cô đơn hơn ngay cả khi dành thời gian riêng tư.

Các cá nhân có mục tiêu, sở thích hoặc hoạt động sáng tạo rõ ràng thường tìm thấy ý nghĩa trong các hoạt động đơn độc.

Thùy Linh (Theo Yahoo Life)