Bài cuối: Tuyên ngôn Độc lập mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam

Bài 1: Cách mạng trưởng thành từ trong gian khó Bài 2: Tổng khởi nghĩa 19/8 ở Hà Nội – Bước ngoặt lịch sử cả nước vùng lên giành độc lập cho dân tộc

Từ một đất nước chịu thân phận nô lệ của chủ nghĩa thực dân ròng rã 80 năm, chỉ sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám không lâu, Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” bằng bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9 với tuyên bố đanh thép: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngay trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những tinh thần cốt lõi của hai bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới: Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Đây không chỉ là một lựa chọn mang tính đối ngoại khéo léo, mà còn là khẳng định Việt Nam đang thực thi một quyền cơ bản – quyền thiêng liêng của con người, quyền không thể chối cãi của mọi dân tộc: Quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Bài Cuối: Tuyên Ngôn Độc Lập Mở Ra Kỷ Nguyên Mới Cho Dân Tộc Việt Nam
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Không chỉ khẳng định lẽ phải của dân tộc mình, Tuyên ngôn còn là lời buộc tội hùng hồn đối với chế độ thực dân Pháp đã gây bao đau thương, tàn phá, bóc lột ở Việt Nam hơn 80 năm qua. Từng dòng trong bản tuyên ngôn như những nhát cuốc dứt khoát vạch lên mặt đất đã từng bị giày xéo, tuyên bố trước nhân loại rằng: Chúng tôi thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một văn kiện lịch sử – nó là một bản cáo trạng đanh thép, một lời tuyên thệ trước nhân dân và thế giới, một tuyên bố mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không đơn thuần là một nghi thức chính trị. Đó là lời tuyên bố chủ quyền giữa bối cảnh đầy biến động khi các thế lực quốc tế đang nhăm nhe “chia phần” bán đảo Đông Dương. Việt Nam cần một danh tính rõ ràng, một tiếng nói chính thức để bước vào vũ đài quốc tế với tư cách một quốc gia độc lập.

Từ thời khởi nghĩa Lam Sơn đến phong trào Cần Vương, từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Trãi, từ Nguyễn Huệ đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh – tinh thần yêu nước của Việt Nam luôn bền bỉ chảy suốt chiều dài lịch sử. Nhưng chỉ đến ngày 2/9/1945, tinh thần đó mới được “quy tụ” thành một lời khẳng định chính danh: Việt Nam là một nước độc lập. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc tự do.

Trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến khó lường, sự tính toán địa chính trị của các nước lớn, hành vi bá quyền, xâm chiếm lãnh thổ; chiến tranh thương mại; chiến tranh thông tin, an ninh mạng làm cho cấu trúc an an ninh của mỗi quốc gia bước sang một giai đoạn khác. Song bất luận hoàn cảnh nào thì tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn là ngọn cờ dẫn đường.

Không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, tinh thần Tuyên ngôn còn được kế thừa và lan tỏa trong cả phát triển kinh tế – xã hội. Một đất nước độc lập không thể chỉ dừng lại ở chủ quyền lãnh thổ, mà còn là chủ quyền số, chủ quyền dữ liệu, chủ quyền văn hóa và trí tuệ. Khát vọng hùng cường ngày nay chính là sự tiếp nối tự nhiên của kỷ nguyên mà Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là ký ức lịch sử mà là nguồn sức mạnh tinh thần, là lời cam kết thiêng liêng của cả dân tộc, là kim chỉ nam để đất nước tiếp tục vươn mình đi lên trong thế giới biến động hôm nay.

Ngày nay, trong hành trình dựng xây đất nước hiện đại, hội nhập sâu rộng với thế giới, lời thề độc lập ấy vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta không chỉ giữ gìn độc lập bằng súng đạn, mà còn bằng khoa học, giáo dục, sáng tạo và tinh thần đổi mới. Mỗi công dân đều đang là người kế tục di sản vĩ đại timh thần cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 bằng hành động cụ thể trong đời sống hàng ngày, bằng việc làm tử tế, bằng nỗ lực không ngừng để làm rạng danh Tổ quốc.

Bảo Thoa – Bùi Phương

Để lại một bình luận