Chính phủ lấy ý kiến Bộ ngành về việc Vinspeed đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao

Văn phòng Chính phủ ngày 15/5 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ba ngày trước về đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc Vinspeed.

Phó thủ tướng cho biết Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó chủ trương mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia; khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, quan trọng quốc gia như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn…

Vì vậy, các bộ, cơ quan cơ bản ủng hộ, hoan nghênh đề xuất của Công ty Vinspeed về việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Tuy nhiên, việc chuyển hình thức đầu tư và đề xuất áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án phải báo cáo cấp có thẩm quyền và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát kỹ đề xuất của nhà đầu tư, tiếp thu ý kiến của Ban thường vụ Đảng ủy Chính phủ, các bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt. Công việc này cần báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội trước 20/5.





Tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản. Ảnh: Nippon

Tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản. Ảnh: Nippon

Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để đánh giá toàn diện đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư và áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án.

Bộ Tài chính có nhiệm vụ đánh giá kỹ tính khả thi của phương án chuyển từ đầu tư công sang đầu tư tư nhân, khả năng cân đối nguồn vốn nhà nước để cho doanh nghiệp vay theo đề xuất của Vinspeed, cũng như các cơ chế đặc biệt như: vay không lãi suất trong 35 năm, thời hạn hoạt động của dự án 99 năm, quy định mức giá vé tối thiểu và các ưu đãi đầu tư khác.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm rà soát, đánh giá và cho ý kiến về đề xuất không tính dư nợ vay của dự án vào tổng dư nợ của Tập đoàn Vingroup, đảm bảo tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Các bộ, ngành khác như Công an, Quốc phòng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ… sẽ đánh giá tác động và góp ý về các cơ chế chính sách do Vinspeed đề xuất theo chức năng quản lý.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan gửi ý kiến bằng văn bản về Bộ Xây dựng trước ngày 19/5. Sau đó, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Xây dựng, trình Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước ngày 22/5, đồng thời chuẩn bị nội dung báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (đang diễn ra) nếu được chấp thuận.

Về phía nhà đầu tư, Công ty Vinspeed có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính để hoàn thiện hồ sơ đầu tư, lập báo cáo so sánh giữa hai phương án đầu tư (nhà nước và tư nhân), làm rõ tính khả thi, hiệu quả, tiến độ triển khai nhằm chứng minh ưu thế khi tư nhân thực hiện dự án. Đồng thời, Vinspeed sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Công ty cũng cần cam kết thực hiện đầy đủ nội dung đề xuất, đồng thời nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đường sắt, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành trong trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ngày 14/5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed cho biết đã đăng ký tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Doanh nghiệp kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12 năm nay và khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030.

Dự án do VinSpeed đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, doanh nghiệp cam kết thu xếp 20% vốn (khoảng 312.330 tỷ đồng, tương đương 12,27 tỷ USD); phần còn lại đề xuất vay từ Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Vũ Tuân