Chính quyền hai cấp ở Nghệ An: Tỉnh, xã quyết tâm, người dân phấn khởi

HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị kịp thời tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế Phát động cuộc thi: Happy Nghệ An Nghệ An thông tin về danh tính lái xe gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại xã Vạn An
Chính Quyền Hai Cấp Ở Nghệ An: Tỉnh, Xã Quyết Tâm, Người Dân Phấn Khởi
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra vận hành, giải quyết thủ tục hành chính tại một số xã.

Thay đổi rõ nét

Tại phường Vinh Hưng, từ sáng sớm đã có đông người dân đến làm các thủ tục hành chính, giấy tờ tại Trung tâm phục vụ hành chính công. Phường hiện có khoảng 60 nghìn dân, để phục vụ tốt nhất cho người dân, phường đã bố trí 12 cán bộ, công chức thường xuyên có mặt và làm việc tại các vị trí theo chức năng, nhiệm vụ. Từ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đến nay, người dân đến giao dịch tại trung tâm rất đông. Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 – 60 lượt người dân đến làm thủ tục, giấy tờ.

Anh Hoàng Minh Tuấn, phường Vinh Hưng (ở khối 5, phường Quán Bàu cũ) chia sẻ: “Tôi là người trẻ, cũng thường xuyên đi làm các thủ tục hành chính và nắm bắt công nghệ thông tin, nhưng vẫn thấy háo hức khi đến làm thủ tục hành chính tại phường, sử dụng máy Kiosk lựa chọn dịch vụ công tự động. Không chỉ thấy thuận tiện, bản thân tôi cũng thấy tự hào, kỳ vọng khi các thủ tục hành chính được triển khai ngay tại phường, xã một cách thông suốt, cán bộ làm việc rất nhanh chóng, chuyên nghiệp”

Chính Quyền Hai Cấp Ở Nghệ An: Tỉnh, Xã Quyết Tâm, Người Dân Phấn Khởi
Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vinh Hưng.

Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vinh Hưng, người dân được hướng dẫn lấy số thứ tự tự động theo lĩnh vực; tra cứu nhanh chóng tình trạng giải quyết hồ sơ; tự động đọc thông tin từ căn cước công dân gắn chip; quét mã QR hồ sơ; màn hình hiển thị tra cứu danh mục thủ tục hành chính, phí, lệ phí, đánh giá chất lượng phục vụ… Tất cả thao tác đều thuận lợi, minh bạch. Máy tính, máy in, máy scan, máy photocopy, mạng nội bộ, wifi miễn phí và đặc biệt là hệ thống dịch vụ công tự động được tích hợp đầy đủ tiện ích số phục vụ người dân.

Quan sát tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vinh Hưng có thể thấy, không chỉ người trẻ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục, mà người già cũng dễ dàng làm các thao tác trên máy khi được hướng dẫn cụ thể, và nhiều người còn háo hức tìm hiểu hướng dẫn trên máy để chủ động hơn trong những lần sau.

Ông Nguyễn Ngọc Đức – Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vinh Hưng cho biết, đơn vị đã chủ động chuẩn bị các khâu chu đáo để sẵn sàng cho thủ tục hành chính hai cấp. Ngoài máy dịch vụ công tự động, các trang thiết bị, máy móc khác cũng như cơ sở vật chất được tu sửa và trang trí sạch, đẹp, tạo không gian phục vụ người dân chuẩn chỉnh, chuyên nghiệp.

Chính Quyền Hai Cấp Ở Nghệ An: Tỉnh, Xã Quyết Tâm, Người Dân Phấn Khởi
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Kim Liên được đầu tư khang trang, đồng bộ.

Xã Kim Liên, đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập các xã: Hùng Tiến, Nam Cát, Nam Giang, Xuân Hồng, Kim Liên, huyện Nam Đàn cũ được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ghi nhận, biểu dương khi đến kiểm tra vận hành, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Không gian các trung tâm được bố trí gọn gàng với các khu vực chức năng, quầy tiếp nhận cụ thể theo từng lĩnh vực. Ngay từ sảnh vào, người dân có thể lấy số thứ tự, đọc thông tin thủ tục tại bảng niêm yết hoặc được hướng dẫn bởi đoàn viên, thanh niên túc trực tại bàn hỗ trợ.

Khu vực tiếp nhận gồm dãy bàn làm việc của công chức được trang bị máy tính kết nối mạng, cài đặt phần mềm nghiệp vụ, cùng thiết bị phụ trợ như máy scan. Camera giám sát được gắn ở các góc cao để đảm bảo an ninh, minh bạch quy trình xử lý. Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Kim Liên hiện có 2 lãnh đạo và 10 chuyên viên được phân công theo từng lĩnh vực cụ thể. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã đều có cán bộ phụ trách chuyên trách, đảm bảo tiếp nhận đầy đủ và xử lý đúng quy trình. Từ ngày 1 – 10/7, trung tâm đã tiếp nhận 336 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó, có 117 hồ sơ được gửi qua phương thức trực tuyến. Tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 100%, toàn bộ hồ sơ đã được số hóa.

Ông Võ Tiến Nam, ở xã Nam Giang, đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Kim Liên chia sẻ: “Tôi rất vui khi thủ tục hành chính được triển khai ngay tại xã, người dân đi lại thuận tiện, cơ sở vật chất sạch đẹp, điều hòa mát mẻ, cán bộ vui vẻ, phục vụ dân tận tình”.

Là xã được sáp nhập từ 3 xã Nghi Đồng, Nghi Phương và Nghi Hưng (thuộc huyện Nghi Lộc cũ), xã Thần Lĩnh vừa được xếp thứ 14 trong 130 xã, phường của tỉnh Nghệ An về bộ chỉ số hài lòng của người dân, trong đó có hài lòng về phục vụ hành chính công. Ông Nguyễn Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Thần Lĩnh cho biết, xã là một trong những đơn vị đi vào nền nếp sớm nhất, thuộc tốp đầu của tỉnh về vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công. Trung tâm được bố trí 7 cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm trong phục vụ hành chính công. Khi đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền hai cấp, Trung tâm đã chủ động triển khai các hoạt động, chỉnh trang cơ sở vật chất, thay đổi nội quy, bảng biểu, công khai các thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân.

Chính Quyền Hai Cấp Ở Nghệ An: Tỉnh, Xã Quyết Tâm, Người Dân Phấn Khởi
Ông Nguyễn Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Thần Lĩnh chia sẻ với phóng viên.

“Qua ba tuần vận hành chính quyền hai cấp, xã chưa tiếp nhận ý kiến nào của người dân về thái độ phục vụ, mà người dân đều vui vẻ ra về, đó là động lực để cán bộ, công chức của xã nỗ lực phục vụ người dân ngày một tốt hơn”, ông Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Nâng cao năng lực phục vụ

Tại Nghệ An, hằng ngày có hàng chục nghìn lượt truy cập vào Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tra cứu các thông tin, đăng ký, thực hiện các thủ tục hành chính và các dịch vụ công. Mọi thủ tục đều được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục và nhận, trả kết quả theo quy định.

Tính đến nay, cùng với cả nước, Nghệ An đã chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp được ba tuần. Thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để nhận diện cả những kết quả bước đầu lẫn những vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt ở cấp xã được phân cấp nhiều hơn về thẩm quyền, được giao thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ vốn trước đây thuộc cấp huyện.

Ba tuần qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trực tiếp đi kiểm tra, nắm bắt tình hình tại một số xã thuộc cả vùng đồng bằng và miền núi; từ xã được sáp nhập từ nhiều đơn vị hành chính cũ đến xã giữ nguyên địa giới hành chính. Mục tiêu của những chuyến kiểm tra không chỉ là đánh giá hiệu quả vận hành mà còn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn và củng cố quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc đồng hành cùng cấp cơ sở, để bộ máy nhanh chóng vận hành trơn tru, ổn định và hiệu quả.

Tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, nội dung được đặc biệt quan tâm là đào tạo về công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số và cập nhật các quy định pháp luật mới.

Tiếp thu ý kiến đại biểu và từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngay sau kỳ họp, lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ cơ sở. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo đầy đủ nhu cầu kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc. Trước mắt, tỉnh sẽ phân bổ 141 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các xã, phường.

Chính Quyền Hai Cấp Ở Nghệ An: Tỉnh, Xã Quyết Tâm, Người Dân Phấn Khởi
Lãnh đạo các xã, phường chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công

Đối với các nhu cầu lớn hơn như: Đầu tư thiết bị công nghệ thông tin, cải tạo trụ sở, chuyển đổi số…, Sở Tài chính đang tổng hợp, phân loại theo thứ tự ưu tiên để đề xuất Trung ương, đồng thời cân đối ngân sách tỉnh để hỗ trợ theo nguyên tắc đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải.

Một trong những vấn đề then chốt hiện nay là chất lượng và khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, các nhà mạng, đơn vị viễn thông đã bố trí nhân lực túc trực tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cán bộ cấp xã trong thao tác kỹ thuật và tiếp cận quy trình mới. Bên cạnh đó, Sở cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại cấp xã.

Đặc biệt, để tăng cường kết nối giữa tỉnh và cấp xã, Nghệ An đang khẩn trương hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào vận hành chính thức Trung tâm Điều hành thông minh (Intelligent Operations Center – IOC) từ tháng 9/2025. Đây là hệ thống đóng vai trò cầu nối công nghệ, giúp chính quyền tương tác kịp thời với người dân, đồng thời điều hành thống nhất hoạt động của các cấp hành chính.

Việc Nghệ An chủ động rà soát, đầu tư đúng trọng tâm, tổ chức đào tạo sát thực tiễn và triển khai hệ thống hỗ trợ kỹ thuật kịp thời đang cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, bài bản; việc tiếp tục duy trì và điều chỉnh linh hoạt theo thực tế sẽ là nền tảng quan trọng để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp thực sự vận hành hiệu lực, hiệu quả, không chỉ đúng luật mà còn đúng kỳ vọng của người dân.

Để lại một bình luận