Đàn khỉ gần 60 con phá rẫy người dân

Sau 7 tháng trồng 2 sào mì trên rẫy, đầu tháng 5, chị Phan Thị Yến, thôn Diên Lộc, xã Bình Tân Phú, gần như trắng tay vì bầy khỉ nhổ từng bụi mì và phá tan hoang toàn bộ diện tích trồng. “Khỉ đi thành đàn, có con mẹ cùng đàn con phóng lên lưới thép để vào ruộng”, chị Yến kể, cho biết sau khi khỉ phá hoại, gia đình chỉ biết dọn dẹp ruộng mì, tận dụng cây giống, lấy cây hỏng làm củi đốt.





Bầy khỉ vào rẫy phá hoại hoa màu. Ảnh: Người dân cung cấp

Bầy khỉ vào rẫy phá hoại hoa màu. Ảnh: Người dân cung cấp

Tương tự, các hộ dân trồng bắp, đậu, dưa lưới… quanh triền núi cũng bị khỉ phá hoại. Khi vào vườn bầy khỉ gặp trái nào cũng hái ăn thử. Trái nào ăn được chúng cắn vài miếng rồi bỏ hoặc đưa lên núi.

Trước tình trạng rẫy bị phá hoại kéo dài, người dân dùng cây gõ vào can nhựa, thùng phuy gây tiếng ồn, làm hình nộm xua đuổi khỉ nhưng không hiệu quả. “Chúng tôi ăn ngủ ở đây để canh khỉ, mong sao cấp trên có biện pháp gom đàn khỉ lại chứ không dám xuống giống vụ sau”, ông Huỳnh Văn Dũng nói.





Đàn khỉ phá ruộng dưa của nông dân huyện Bình Sơn. Ảnh: Minh Huy

Đàn khỉ phá ruộng dưa của nông dân huyện Bình Sơn. Ảnh: Minh Huy

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch xã Bình Tân Phú, cho biết đàn khỉ gần 60 con, thường đi qua các xã Bình Hòa, Bình Thanh và đang ở ngọn núi Bình Tân Phú. Thời gian qua, khỉ đi vòng quanh mỗi nơi một ít, phá hoại làm thất thu hoa màu của khoảng 30 hộ trồng trái cây, mì, bắp…





Người dân làm hình nuộm để đuổi khỉ nhưng không hiệu quả. Ảnh: Minh Huy

Người dân làm hình nuộm để đuổi khỉ nhưng không hiệu quả. Ảnh: Minh Huy

Theo ông Phúc, địa phương đã có báo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, Hạt Kiểm lâm Bình Sơn có các biện pháp bảo vệ, quản lý và đưa đàn khỉ đi nơi khác. Xã cũng tuyên truyền người dân không dùng các vật dụng gây hại đàn khỉ mà sử dụng các biện pháp thủ công xua đuổi.

Phạm Linh