Dấu hiệu một người bị tổn thương tinh thần

Theo ước tính toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 8 người trên thế giới thì có một người mắc chứng rối loạn tâm thần (tính đến năm 2019), tương đương gần 1 tỷ người.

Theo các chuyên gia, có các dấu hiệu chính cho thấy một người đang bị tổn thương tinh thần nhưng không biết.

Lời nói của ai đó cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí

Trải nghiệm về những lời nói của ai đó lặp lại trong tâm trí, kéo dài dai dẳng hoặc gây đau khổ, có thể là dấu hiệu cho thấy người đó có tổn thương tinh thần.

Nghiên cứu của nhà khoa học Nolen-Hoeksema năm 2000 cho thấy trạng thái này làm trầm trọng thêm các tình trạng như trầm cảm, lo lắng xã hội, khiến người đó không dứt ra khỏi những bình luận tiêu cực hoặc những thất bại, thường nhớ lại các cuộc trò chuyện và những lỗi lầm trong giao tiếp.

Dễ khóc vì những điều nhỏ nhặt

Những điều nhỏ nhặt khiến một người khóc, ví dụ như một quảng cáo cảm động, một bài hát hoài niệm, hoặc ai đó bất ngờ tử tế, nghe tưởng chừng rất bình thường, nhưng theo nghiên cứu tâm lý, chúng thường chỉ ra nỗi đau cảm xúc tiềm ẩn chưa được giải quyết.

Theo tiến sĩ Judith Orloff, bác sĩ tâm thần và là tác giả của cuốn “Emotional Freedom” (Tự do cảm xúc), khóc vì những điều nhỏ nhặt thường xảy ra khi khả năng cảm xúc của bạn đã đạt đến mức tối đa. Nếu một người bị căng thẳng mãn tính, lo lắng hoặc gánh nặng về mặt cảm xúc, ngay cả một tác nhân kích hoạt cảm xúc nhỏ cũng có thể giải phóng sự tích tụ, giống như giọt nước làm tràn ly.

Chỉ thấy giá trị của bản thân khi so sánh với người khác

Đây là hiện tượng tâm lý được gọi là so sánh xã hội. Trong thời đại mạng xã hội phát triển, việc so sánh trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt là về ngoại hình, sự giàu có hoặc lối sống.

Nghiên cứu của nhà khoa học Mỹ Fardouly và cộng sự, năm 2015, cho thấy điều này có liên quan đến sự tăng lo âu và trầm cảm, làm giảm lòng tự trọng.

Trên thực tế, những người có giá trị nội tại mạnh mẽ và tinh thần khỏe mạnh, tích cực sẽ luôn có giá trị từ bên trong chứ không phải từ sự so sánh. Thay vì đặt mình với người khác lên bàn cân, bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút nếu từ bỏ thói quen này và tin vào tư duy “Tôi có thể”.

Nỗi sợ hãi luôn ngăn cản hành động

Tổn thương tinh thần có thể làm suy yếu niềm tin của một người vào khả năng ứng phó hoặc thành công của chính họ. Khi sự tự tin thấp, nỗi sợ thất bại hoặc làm mọi thứ tệ hơn có thể ngăn cản hành động.

Chấn thương tinh thần thường gây ra lo lắng, khiến cá nhân tránh những tình huống có thể gợi nhớ đến chấn thương hoặc làm tăng thêm sự đau khổ của họ. Sự tránh né này có thể biểu hiện dưới dạng sợ hành động. Nỗi sợ thất bại là rào cản tâm lý mạnh mẽ, thường ngăn cản mọi người theo đuổi mục tiêu, thử những điều mới hoặc chấp nhận rủi ro quan trọng.

Phản ứng thái quá với những gì người khác nói hoặc làm

Phản ứng thái quá với những gì người khác nói hoặc làm là một hiện tượng phổ biến của con người. Tuy nhiên, nếu một người bị tổn thương bởi một bình luận nhỏ hoặc cảm thấy khó chịu hơn mức cần thiết vì hành vi của ai đó, điều đó cho thấy họ có vướng mắc tâm lý.

Thậm chí, những người gặp khó khăn trong việc điều hòa cảm xúc – do căng thẳng, vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc tính khí có thể phản ứng bốc đồng hoặc dữ dội, đặc biệt là trong những tình huống áp lực cao.

Điều quan trọng là đừng phủ nhận việc bạn cảm thấy như vậy. Đầu tiên, nên thừa nhận cảm xúc của bạn bằng cách nói: “Cảm thấy như vậy là bình thường”, sau đó tìm cách biểu đạt nó tích cực hơn.

Thùy Linh (Theo Yahoo Life)