Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về quy hoạch

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành dự án Luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, nội dung quy hoạch để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập cản trở sự phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển.

Dự thảo Luật gồm 2 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 28 điều, khoản và 2 Phụ lục của Luật Quy hoạch với nội dung chủ yếu và điểm mới như: hoàn thiện hệ thống quy hoạch; Đơn giản hóa nội dung quy hoạch; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh.

Dự thảo Luật có các quy định tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về quy hoạch; hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục của hoạt động quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quy hoạch.

Đẩy Mạnh Phân Cấp, Phân Quyền Trong Quản Lý Nhà Nước Về Quy Hoạch - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhận thấy, việc Chính phủ đề nghị xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp là có căn cứ nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thì cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch.

Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật đã phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quyết định chủ trương điều chỉnh và quyết định điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

Đồng thời, dự thảo Luật đã phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị làm rõ việc phân cấp, phân quyền này đã bảo đảm đáp ứng yêu cầu để quy hoạch làm định hướng cho tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo hay chưa.

Ngoài ra, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia vì nội dung này chưa được đánh giá, thuyết minh làm rõ tại Tờ trình của Chính phủ.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện của Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định để vừa giúp tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai mà vẫn bảo đảm tính chặt chẽ, đạt kết quả cao của nhiệm vụ thẩm định quy hoạch.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết thời gian tới, các cơ quan chức năng phải tiếp thu tối đa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 và kết luận của Tổng Bí thư ở các cuộc họp Bộ Chính trị, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đồng thời, theo Chủ tịch Quốc hội, quá trình hoàn thiện các dự án Luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới cần bám sát một số nguyên tắc: Nội dung nhiều nhưng phải bảo đảm quy trình thủ tục; bảo đảm chất lượng của các luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát nhiều kênh, nhiều nguồn thông tin, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm bảo đảm chất lượng của luật, nghị quyết.

Đẩy Mạnh Phân Cấp, Phân Quyền Trong Quản Lý Nhà Nước Về Quy Hoạch - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng các cơ quan chức năng cần xác định rõ phạm vi và mục đích sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Những nội dung, vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chưa tạo được sự thống nhất thì cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, qua đó bảo đảm cao nhất chất lượng dự thảo Luật, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng của luật. Đồng thời, các cơ quan tiếp tục rà soát các luật khác có liên quan đến quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các luật có quy định về đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh với quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý tiếp tục rà soát để giảm bớt các khâu trung gian có thể ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt, điều chỉnh các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh; đánh giá tính hợp lý của các quy định về trình tự, thủ tục quyết định hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trình Quốc Hội Dự Án Luật Cán Bộ, Công Chức (Sửa Đổi) Trình Quốc hội dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

VTV.vn – Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 18/4/2025 về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!