Gen Z Việt học tiết kiệm và đầu tư sớm

Bốn năm qua, Quân lao vào đọc sách, xem blog, nghiền ngẫm những bài học làm chủ đồng tiền. Đến nay, cậu đã xây dựng được thói quen chia thu nhập thành những phần nhỏ, 50% cho nhu cầu thiết yếu, 20% cho tiết kiệm, 10% đầu tư, 20% gửi gia đình.

“Thành quả đầu tiên là cái ví điện tử biết sinh lời. Từ chỗ chỉ dùng để mua trà sữa, giờ mỗi tháng tôi đầu tư trái phiếu và thấy tiền lớn dần, dù chậm”, chàng trai làm Business Analyst, quê Bắc Giang, nói.





Minh Quân, 22 tuổi có thâm niên bốn năm tìm hiểu về tài chính cá nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Quân, 22 tuổi có thâm niên bốn năm tìm hiểu về tài chính cá nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người trẻ như Quân quan tâm đến tài chính cá nhân ngày càng sớm. Những thuật ngữ từng chỉ dành cho giới đầu tư chuyên nghiệp như “thu nhập thụ động”, “chỉ số quỹ”, “phân bổ danh mục”, nay xuất hiện trong bình luận của sinh viên, thậm chí học sinh cấp ba, như Trí Tuấn ở quận Hoàng Mai.

Năm 2020, khi còn học lớp 12, Tuấn bị cuốn vào cơn sốt chứng khoán và tiền số. Hai lần đầu tư thất bại hơn 1.000 USD, chàng trai đúc rút được bài học: Sai lầm lớn nhất là đầu tư bằng cảm xúc, đặc biệt là tâm lý muốn gỡ gạc.

Cậu bổ sung các kiến thức về tài chính qua các nền tảng mạng xã hội, sách và khóa học. Hiện cậu dùng 20% thu nhập mỗi tháng đầu tư, 10% tiết kiệm, còn lại chi tiêu. “Thành quả đầu tiên là đã tiết kiệm được ba tháng chi phí sinh hoạt và đầu tư đều đặn hàng tháng”, Tuấn nói và cho biết đang có danh mục đầu tư ba lớp gồm crypto (tiền ảo) và chứng chỉ quỹ để tăng trưởng, vàng làm lớp đệm khi thị trường biến động.

Dù học từ sách vở, mạng xã hội hay qua những cú ngã đầu đời, Gen Z Việt ngày càng coi trọng tài chính cá nhân và đầu tư sớm như một kỹ năng sống. Báo cáo Tâm lý người tiêu dùng ASEAN 2024 của ngân hàng UOB cho thấy người trẻ thường tiết kiệm 32% thu nhập, tăng từ 30% của năm trước.

Từng bị xem là “thế hệ chỉ biết vung tay mua sắm”, Gen Z giờ dành ít nhất 5 ngày cân nhắc trước khi chi tiền, theo nghiên cứu của Shopee và công ty dữ liệu Kantar Profiles. Họ cũng dần hình thành tư duy đầu tư, vượt cả thế hệ X và Y trong việc tìm hiểu các nền tảng đầu tư và ngân hàng số.

“Đây không đơn thuần là xu hướng, mà là phản ứng tất yếu trước sức ép ngày càng lớn từ cuộc sống hiện đại”, cố vấn tài chính Lâm Tuấn, người đã đào tạo hơn 3.500 học viên nhận xét.

Nguyên nhân đến từ nỗi sợ sống chật vật dù có bằng cấp, áp lực chi tiêu, lạm phát, giá nhà ngày càng tăng. Khác với thế hệ trước “sống để làm việc”, thế hệ Z muốn “làm để sống ý nghĩa”.

Ngoài ra, mạng xã hội đầy rẫy hình ảnh người trẻ đầu tư thành công, nghỉ hưu sớm, sống nhờ thu nhập thụ động, khiến nhiều Gen Z cảm thấy áp lực và bắt đầu tự tìm cách quản lý tài chính để không bị tụt lại. “Các bạn trẻ ngày nay hiểu giàu không còn là đích đến mơ hồ, mà là kỹ năng có thể tôi luyện càng sớm càng tốt”, chuyên gia Lâm Tuấn nói.

Có bốn năm tìm hiểu về tài chính cá nhân và đầu tư, Giang Phạm, 23 tuổi, vẫn ước “giác ngộ sớm hơn”. Cô bắt đầu hành trình từ những năm đầu đại học. Mất gần ba năm mày mò, Giang mới thực sự nắm trong tay một kế hoạch tài chính rõ ràng cho mình.

“Khi mới đầu tư, tôi chọn quỹ mở và lãi hơn 20% sau hai năm. Nhưng lúc ấy tôi chưa thực sự hiểu bản chất”, Giang nhớ lại.

Càng đào sâu, cô càng ý thức được tự do tài chính với mình khó có thể đến từ tiết kiệm đơn thuần, mà phải đầu tư thêm với “khẩu vị rủi ro phù hợp”. Giang cho biết mình thuộc nhóm chịu rủi ro trung bình cao nên không dồn hết vào cổ phiếu. Hiện, cô phân bổ 70% vào quỹ mở, 10% vàng, 5% cổ phiếu và phần còn lại là tiết kiệm. Nhờ nguyên tắc lãi mẹ đẻ lãi con, các khoản đầu tư nhỏ cũng giúp cô ứng phó khi phát sinh chi phí bất ngờ mà không phải đụng tới tiền gốc.

“Thay vì chờ đến tuổi nghỉ hưu mới sống cuộc đời mình, tôi muốn sắp xếp tài chính sớm để theo đuổi lối sống mong muốn trong vòng một thập niên tới”, cô gái trẻ nói.





Giang Phạm, 23 tuổi tại một sự kiện của quỹ cô đã đầu tư ba năm, hồi tháng 1/2025 ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giang Phạm, 23 tuổi tại một sự kiện của quỹ cô đã đầu tư vào ba năm, hồi tháng 1/2025 ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ kinh tế quốc tế Nguyễn Thu Giang, cố vấn tài chính cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT cho biết có hai kiểu quan trọng gồm đầu tư vô hình (vào bản thân như học hỏi, nâng cấp kỹ năng) và đầu tư hữu hình (gửi tiết kiệm, mua cổ phiếu, nhà đất).

Trên thực tế, việc đầu tư vào bản thân khả thi hơn, nhất là khi còn trẻ. “Những người trẻ tuổi đang mong muốn có một tỷ đồng trước tuổi 30 nên hiểu đây chính là quãng thời gian bạn có cơ hội tăng thu nhập từ 3 đến 9 lần nên hãy ưu tiên đầu tư vào bản thân một cách thông minh”, chuyên gia nói.

Những thống kê trước đây cho thấy chỉ khoảng 30% người trưởng thành ở Việt Nam có hiểu biết về tài chính, thấp hơn mức trung bình 38% của ASEAN. Theo các chuyên gia, việc Gen Z đang học cách “đối thoại với tiền” từ rất sớm là tín hiệu tích cực.

“Họ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, mà còn tìm kiếm sự chủ động, bình an và cả thay đổi thực tại trong mối quan hệ với người thân”, Lâm Tuấn nói thêm.

Khánh Linh, 25 tuổi là ví dụ. Cuối năm ngoái, cô gái làm trong ngành marketing đăng ký một khóa học về tài chính cá nhân với mục tiêu đơn giản muốn “bớt stress mỗi khi nhìn bảng sao kê ngân hàng”.

Mỗi tháng kiếm gần 20 triệu đồng, nhưng sau khi trả nợ thẻ, chi tiêu và giúp gia đình là Linh trắng tay. Sau khoá học, lần đầu tiên trong đời Linh nói chuyện với mẹ về tiền bạc.

“Con mong giúp mẹ nghỉ hưu sớm hơn 5 năm nếu cả nhà ta cùng học cách chi tiêu thông minh”, cô đề nghị và được mẹ đồng ý áp dụng những cách Linh đã được học.

Sau 6 tháng, cô gái cho biết đã xây dựng được quỹ khẩn cấp ba tháng, đầu tư định kỳ và mẹ cô, 52 tuổi, cũng bắt đầu học cách tiết kiệm hưu trí.





Trí Tuấn, 22 tuổi, đã tiết kiệm, đầu tư được 4 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trí Tuấn, 22 tuổi, đã tiết kiệm, đầu tư được 4 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trí Tuấn từng không được bố mẹ ủng hộ đầu tư sớm, nhưng một năm qua họ đã thay đổi khi thấy con tự chủ tài chính, thi thoảng tặng quà hoặc mua đồ gia dụng cho gia đình. Những người thân khác cũng bất ngờ vì chàng trai trẻ ghi chi tiết chi tiêu hàng tháng, mới ra trường đã có tích lũy phòng thân.

“Mục tiêu trước mắt của tôi là hoàn thành quỹ dự phòng 6 tháng và mục tiêu xa là đạt tự do tài chính ở tuổi 43”, chàng trai 22 tuổi, nói.

Phan Dương