Giải pháp triển khai công tác quy hoạch gắn với sắp xếp đơn vị hành chính

Cần nghiên cứu, xem xét quy hoạch lại không gian đô thị, khu vực trung tâm Hà Nội Cần định hình rõ nội hàm Quy hoạch đô thị làm tiền đề xây dựng Thủ đô sáng – xanh – sạch – văn minh

Trình bày hồ sơ dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Đức Cảnh, quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Tài chính cho biết, việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp có ý nghĩa quan trọng trong việc kiến tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay Luật Quy hoạch chưa được sửa đổi, nên dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội nếu không kịp thời ban hành các giải pháp.

Nghị quyết được xây dựng nhằm đưa ra một số giải pháp tiếp tục triển khai công tác quy hoạch gắn với sắp xếp đơn vị hành chính để bảo đảm không làm gián đoạn hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, vùng và các địa phương trong thời gian Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội sửa đổi tổng thể Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XV.

Nghị quyết bao gồm 6 điều, tập trung vào các nội dung cụ thể về thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1/7/2025; về lập, điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030 khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; quy định về trình tự lập, thẩm định, quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính, về mặt pháp lý thì các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt (108/110 quy hoạch) đang trong thời kỳ thực hiện vẫn còn hiệu lực.

Giải Pháp Triển Khai Công Tác Quy Hoạch Gắn Với Sắp Xếp Đơn Vị Hành Chính
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú chủ trì Hội đồng thẩm định

Tuy nhiên, đối với các địa phương có sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, sẽ tồn tại 2 hoặc 3 quy hoạch tỉnh trong cùng một địa phương sau sáp nhập. Đồng thời, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đối với các địa phương không sáp nhập cũng có những nội dung không còn phù hợp về phạm vi địa lý, tên địa danh hoặc các định hướng phát triển và chức không gian phát triển.

Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị cơ quan có thẩm quyền được sử dụng tên địa danh, vị trí, phạm vi địa lý trước sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030 đã được quyết định hoặc phê duyệt kết hợp với tên địa danh, vị trí, phạm vi địa lý sau khi sáp nhập để thực hiện việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án, nhiệm vụ cho đến khi có quy định mới của pháp luật về quy hoạch.

Đối với các địa phương có sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cơ quan có thẩm quyền được phép căn cứ các quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh để thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án, nhiệm vụ đã có trong quy hoạch tỉnh hoặc phù hợp với các quy hoạch tỉnh tương ứng trước khi sáp nhập.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 đang điều chỉnh nhưng chưa được quyết định hoặc phê duyệt, và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương điều chỉnh trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Điều 544 của Luật Quy hoạch.

Bộ Tài chính cũng đề xuất không xem xét, điều chỉnh quy hoạch kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp thực hiện ý kiến, kết luận bằng văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, sắp xếp đơn vị hành chính, dự án quan trọng quốc gia, việc thực hiện dự án khẩn cấp, nhiệm vụ cấp bách làm thay đổi một hoặc một số nội dung quy hoạch…

Tại buổi thẩm định, các thành viên Hội đồng cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy đinh để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai; nghiên cứu rút gọn, giảm bớt các thủ tục hành chính…

Kết luận nội dung cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Các nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định tại cuộc họp, Thứ trưởng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ các tiêu chí theo Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật; nghiên cứu, làm rõ các nội dung của dự thảo khác với Luật Quy hoạch 2014 và các luật khác có liên quan.

Đồng thời, tập trung làm rõ các nội dung quy hoạch quốc gia; bảo đảm tính khả thi của tất cả các quy định; giải trình rõ các vấn đề tài chính, nguồn nhân lực; nghiên cứu, bảo đảm các quy định về phân cấp, phân quyền; bổ sung cơ chế hậu kiểm…

Để lại một bình luận