Giao bổ sung hơn 33.680 tỷ đồng vốn đầu tư công cho bộ, ngành và địa phương

Đề xuất trao thêm thẩm quyền cho Thủ tướng về dự toán ngân sách Nhà nước Ngân sách Nhà nước thu hơn 5.200 tỷ đồng từ đấu giá biển số xe Bổ sung thêm 4 đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT

Ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 1566/QĐ-TTg giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển và kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Theo đó giao bổ sung 33.680 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển và kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 cho: Bộ Xây dựng; Bộ Y tế; Đại học Quốc gia Hà Nội; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); và 16 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai, Huế, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hưng Yên, An Giang.

Phó Thủ Tướng Giao Bổ Sung Hơn 33.680 Tỷ Đồng Vốn Đầu Tư Công Cho Bộ, Ngành Và Địa Phương
Đà Nẵng là 1 trong 16 tỉnh, thành phố được giao bổ sung vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển và kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024:

Thông báo hoặc quyết định giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công.

Quản lý, sử dụng số vốn, kinh phí được bổ sung đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan; sử dụng vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 để đầu tư dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ; thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Sử dụng vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn theo quy định pháp luật để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.

Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương thực hiện theo quy định.

Định kỳ hằng tháng, quý và cả năm báo cáo kết quả phân bổ, giao và tổ chức thực hiện, giải ngân số vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi.

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án; tổ chức thực hiện và giải ngân vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 theo đúng quy định pháp luật; chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân vốn của các dự án.

Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác đối với thông tin, số liệu báo cáo và đề xuất; đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

Việc Chính phủ giao bổ sung 33.680 tỷ đồng vốn đầu tư công các bộ, ngành và 16 địa phương có nhiều ý nghĩa cả trước mắt lẫn lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 và giữa những biến động kinh tế toàn cầu.

Việc phân bổ vốn kịp thời giúp các địa phương và bộ, ngành có thêm nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, chuyển đổi số… Từ đó, tránh tình trạng “vốn nằm trên giấy”, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân – một trong những chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Chính phủ.

Đầu tư công là động lực dẫn dắt tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh đầu tư tư nhân và FDI có thể bị chững lại do bất ổn bên ngoài. Vốn đầu tư cho các dự án lớn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, kích thích tiêu dùng và đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng, vận tải, tư vấn, thiết bị…

Nhiều trong số 16 địa phương được giao vốn bổ sung là những tỉnh miền núi, biên giới hoặc đang triển khai các dự án tái định cư, đường sắt quốc gia… Việc cấp vốn giúp họ nâng cấp hạ tầng, cải thiện đời sống người dân, thu hút đầu tư và giảm khoảng cách phát triển với các đô thị lớn.

Đây là bước đi thể hiện vai trò chủ động, điều tiết của Chính phủ trong phân bổ ngân sách Nhà nước, đảm bảo nguồn lực được chuyển đến đúng nơi cần và có khả năng hấp thụ tốt, tránh lãng phí và thúc đẩy hiệu quả đầu tư công.

Để lại một bình luận